Những ách tắc trong lưu thông cần nhanh chóng tháo gỡ
Cả làng nuôi cá, tôm kêu cứu vì mấy F0
Làng nuôi cá bè ở xã Thới Sơn (Mỹ Tho, Tiền Giang) gửi đơn kêu cứu vì khi phát hiện các ca F0 tại ấp Thới Thạnh, đã bị phong tỏa, hàng nghìn tấn cá tới lứa không bán được. Thức ăn cho cá cũng hết, để cầm cự cho đàn cá trong khoảng 1.000 bè là vô cùng nan giải.
Gia đình ông Nguyễn Tấn Bỉnh nuôi 16 bè cá với sản lượng khoảng 40 tấn, cá đã lớn 1,3 - 1,4kg/con, cần bán cá lớn để tái đàn nhưng tất cả đều bế tắc. “Thông thường, bán cá lớn thì mới xoay vòng lấy tiền mua thức ăn nuôi cá nhỏ. Bây giờ thương lái không được vào mua cá nên không có thức ăn cho cả cá lớn và cá bé”, ông Bỉnh than thở.
Cá bè đến thời vụ thu hoạch nhưng không bán được khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn |
Ngày 3/9, làng cá bè viết đơn kêu cứu đến chính quyền địa phương. Ông Lê Hữu Khanh, một thương lái mua cá và bán thức ăn cho nhiều bè ở đây đã gửi đơn kêu cứu, đề nghị được vào mua cá, hỗ trợ ngư dân. Ông Khanh chia sẻ: “Cả làng bị phong tỏa vì có ca F0. Mong chính quyền tính toán hỗ trợ, nếu kéo dài thêm thì nhiều gia đình sạt nghiệp”.
Người nuôi cá trên biển cũng gặp khó, như 36 hộ nuôi 96 bè với 198 lồng cá bớp ở Hòn Chuối (khóm 1, thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đang ứ đọng hàng trăm tấn. Ông Lê Văn Phương, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nuôi cá bớp lồng bè cho biết: “Cá lớn mỗi con 4-7kg, nhỏ cũng 1-3kg, hàng chục ngàn con ăn mỗi ngày nên rất tốn.
Thời gian qua, hợp tác xã chỉ bán nhỏ giọt một lần vài chục đến trăm ký cho vựa cá ở địa phương, trong khi cá cần bán hàng tấn. Giá đã giảm hơn 30%, từ 155.000 đồng/kg (loại 4-7 kg/con) chỉ còn 110.000-120.000 đồng/kg mà vẫn không bán được. Dịch bệnh hai năm nay, riêng tôi năm ngoái đã lỗ hơn trăm triệu đồng, năm nay chắc lỗ gấp đôi. Mong chính quyền tính toán đừng để ảnh hưởng cuộc sống cả làng bè”.
Ở tỉnh Long An, Phó Giám đốc Sở Công thương Châu Thị Lệ cho biết, hiện tỉnh có khoảng 800 tấn tôm chưa tiêu thụ được, tập trung tại các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Hưng, Tân Trụ. Trong các huyện này, từ ngày 7/9, Tân Hưng, Tân Trụ đã được tỉnh Long an xác định là vùng xanh, nới lỏng giãn cách xã hội.
Để hỗ trợ nông dân, Sở Công thương đã kết nối với một doanh nghiệp ở TPHCM mua mỗi ngày khoảng 10 tấn, ít so với sản lượng cần tiêu thụ. Sở Công thương tiếp tục liên hệ doanh nghiệp để cung cấp dưới dạng combo, tuy nhiên, nông dân lại chưa quen thu hoạch tôm, cho vào túi nhỏ, ướp đá khô nên chủ yếu vẫn chờ thương lái.
Doanh nghiệp “chết cứng” ở vùng giáp ranh
Một số doanh nghiệp chế biến thủy sản lại “chết cứng” khi có nhà máy ở vùng giáp ranh nhiều tỉnh. Hồi trước, đó là vị trí khai thác được thế mạnh tổng hợp nhưng đại dịch Covid-19 bùng phát, đi lại giữa các địa phương bị thắt chặt thì lợi thế đã biến thành bất lợi.
Vì khó khăn đi lại, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đang thiếu công nhân chế biến tôm cho nhà máy ở vị trí giáp ranh nhiều địa phương |
Nhà máy của Tập đoàn Minh Phú ở Khu công nghiệp Nam Sông Hậu thuộc tỉnh Hậu Giang nhưng kế cận tỉnh Sóc Trăng và thành phố Cần Thơ, công nhân chủ yếu ở hai địa phương này. Nay công nhân không thể sang tỉnh bạn đi làm, dù huyện Kế Sách của tỉnh Sóc Trăng là vùng xanh ngay sát nhà máy cũng không được sang làm việc.
“Bây giờ phải có cơ chế phối hợp giữa các tỉnh như thế nào để giải quyết vấn đề này không thì chẳng riêng nhà máy của chúng tôi mà cả Khu công nghiệp Nam Sông Hậu “chết cứng” vì đa phần công nhân là ở những vùng khác. Các tỉnh cần có giải pháp để phục hồi sản xuất và chăm lo đời sống cho người lao động. Không giải quyết được đời sống cho người lao động thì cũng khó dập được dịch bệnh”, Chủ tịch Tập đoàn Minh Phú đề nghị.
Cùng cảnh ngộ, Công ty IDI ở tỉnh Đồng Tháp, có vị trí gần tỉnh An Giang và thành phố Cần Thơ trước đây có nhiều lợi thế vì tuyển dụng được công nhân và mua nguyên liệu cá tra ở hai địa phương kế cận. Hiện nay, đại diện IDI cho biết: “Chúng tôi thực hiện 3 tại chỗ được gần 2 tháng, công nhân đi làm chỉ 30% và đã được tiêm vaccine mũi 1. Khó khăn lớn của công ty là nằm giữa Đồng Tháp - Cần Thơ - An Giang nên công nhân không qua lại được. Đến nay đơn hàng đã chậm 2 tháng rồi mà chúng tôi không thể đi từ Đồng Tháp sang An Giang để mua cá nguyên liệu. Rất mong chính quyền các địa phương có sự phối hợp, giải quyết tình trạng này”.
Căn cứ bản đồ dịch tễ để xây dựng chính sách
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 4/9 về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và khó khăn vướng mắc trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, nhiều kiến nghị của các doanh nghiệp được đưa ra. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam đề nghị: “Các địa phương căn cứ bản đồ dịch tễ để xây dựng chính sách phù hợp, tránh đưa ra những quy định làm khó doanh nghiệp”.
Điển hình cho vấn đề này là việc quy định kiểm soát xe vận tải hàng hóa của thành phố Cần Thơ khiến dư luận bức xúc những ngày cuối tháng 8 đầu tháng 9. Cụ thể, ngày 21/8, UBND thành phố Cần Thơ có văn bản yêu cầu xe chở hàng hóa từ các địa phương khác đến Cần Thơ phải đăng ký trước và muốn vào thành phố phải tập trung tại các điểm tập kết để trung chuyển hoặc đổi lái xe. Quy định này khiến hàng nghìn xe vận tải bị ùn ứ từ ngày 23 đến 26/8.
Theo số liệu của Sở GT&VT thành phố, mỗi ngày có hơn 6.600 xe vận tải đi lại; gồm trên 3.000 xe đi qua Cần Thơ, hơn 1.400 xe từ địa phương khác đến Cần Thơ, gần 1.400 xe từ Cần Thơ đi giao hàng nơi khác quay về và khoảng 800 xe không đủ điều kiện vào Cần Thơ. Nhiều ngày cuối tháng 8, số lượng xe này bị ùn ứ tại cửa ngõ thành phố.
Ách tắc nhiều ngày trong vận tải hàng hóa ở cửa ngõ Cần Thơ từng gây ám ảnh các doanh nghiệp |
Ngày 26/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính có công điện khẩn yêu cầu các tỉnh, thành phố bãi bỏ quy định cản trở lưu thông hàng hoá. UBND thành phố Cần Thơ chấp hành và đến ngày 4/9, xe chở hàng đến hoặc đi ngang qua Cần Thơ đã thuận lợi. Sau đó, UBND thành phố Cần Thơ đã có công văn đề nghị các sở ngành, địa phương xây dựng phương án vừa phòng, chống dịch vừa phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn, có lộ trình cụ thể với tinh thần “không quá nóng vội cũng không quá thận trọng”; Bảo đảm nguyên tắc “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Trong đó, Cần Thơ ưu tiên khởi động lại hoạt động xây dựng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm của thành phố, sản xuất nông nghiệp, hoạt động của một số doanh nghiệp cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu”.