Những loại virus nguy hiểm nhất trong lịch sử nhân loại
Virus Marburg
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), virus Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967. Các triệu chứng của virus Marburg tương tự như Ebola khi cả hai loại virus này đều có thể gây sốt xuất huyết. Những người bị nhiễm bệnh thường sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau bụng và xuất huyết, có thể dẫn suy nội tạng và tử vong.
Tỷ lệ tử vong do virus Marburg trong đợt bùng phát đầu tiên năm 1967 là 24%; Đợt bùng phát năm 1998-2000 ở Cộng hòa Dân chủ Congo tăng lên 83% và đỉnh điểm là 100% trong đợt bùng phát năm 2017 ở Uganda.
Virus Ebola
Năm 1976, đợt bùng phát Ebola đầu tiên ở người xảy ra đồng thời ở Cộng hòa Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo. Ebola lây lan khi tiếp xúc với máu hoặc các chất dịch của người hoặc động vật bị nhiễm bệnh. Chuyên gia về virus Ebola, Phó Giáo sư vi sinh vật học Elke Muhlberger tại Đại học Boston cho biết, các chủng Ebola gây tỷ lệ tử vong khác nhau đối với người nhiễm bệnh. Trong đó, chủng virus Ebola Reston thậm chí không khiến người bệnh bị ốm nhưng chủng Bundibugyo có tỷ lệ tử vong lên tới 50%, còn chủng Sudan lên tới 71%.
Theo WHO, dịch bệnh Ebola bùng phát ở Tây Phi vào đầu năm 2014 và là đợt bùng phát lớn nhất, phức tạp nhất cho đến nay. Tháng 12/2020, vắc xin Ervebo đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt, giúp chống lại virus Ebola.
Dịch bệnh do virus Ebola gây ra từng hoành hành dữ dội ở các quốc gia Tây Phi cách đây vài năm (Ảnh: AP) |
Bệnh dại
Từ những năm 1920, vắc xin phòng bệnh dại cho vật nuôi được giới thiệu đã gần như xóa sổ được căn bệnh này ở các nước phát triển nhưng nó vẫn là vấn đề y tế nghiêm trọng ở Ấn Độ và một số khu vực của Châu Phi.
Virus bệnh dại phát triển sau khi người bệnh bị chó, mèo cắn hoặc tiếp xúc vết xước động vật bị nhiễm bệnh. Bệnh dại có thể dẫn đến tổn thương não và thần kinh. Vì vậy, nếu ai đó bị động vật mắc bệnh dại cắn mà không được điều trị sớm bằng vắc xin thì gần như sẽ tử vong.
HIV/AIDS
Tiến sĩ Amesh Adalja - bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là phát ngôn viên của Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ cho biết: “HIV vẫn là kẻ giết người lớn nhất. Ước tính có khoảng 32 triệu người đã chết vì HIV kể từ khi căn bệnh này được phát hiện lần đầu tiên vào đầu những năm 1980. Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn nhất cho nhân loại đến nay.
Hiện nay, các loại thuốc kháng virus mạnh đã giúp những người nhiễm có thể sống chung với HIV trong nhiều năm. Theo WHO, năm 2020, toàn thế giới ghi nhận 680.000 ca tử vong liên quan đến HIV; Trong đó, khu vực Châu Phi chiếm tới hơn 2/3 số người nhiễm.
Bệnh đậu mùa
Năm 1980, Đại hội đồng Y tế thế giới tuyên bố không còn bệnh đậu mùa nhưng trước đó, con người đã chiến đấu với căn bệnh này hàng nghìn năm. Bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 1/3 người bị nhiễm. Bên cạnh đó, nó để lại trên những người sống sót vết sẹo sâu, vĩnh viễn, thậm chí là mù lòa. Các nhà sử học ước tính bệnh đậu mùa đã gây tử vong khoảng 90% dân số bản địa của Châu Mỹ những thế kỷ trước. Trong thế kỷ XX, khoảng 300 triệu người đã tử vong vì căn bệnh này.
Phát ban có thể xuất hiện 1 đến 5 ngày sau khi xuất hiện những triệu chứng ban đầu rồi phát triển thành mụn nước |
Hantavirus
Theo CDC Mỹ, hội chứng viêm phổi do Hantavirus (HPS) lần đầu tiên được công bố ở Mỹ vào năm 1993. Các cơ quan y tế đã phân lập được HPS từ một con chuột hươu sống trong nhà của một trong những người bị nhiễm bệnh. Hơn 600 người ở Mỹ đã mắc HPS và 36% đã tử vong. Virus này không lây truyền từ người này sang người khác mà bị nhiễm khi tiếp xúc với phân của những con chuột bị nhiễm bệnh.
Theo tạp chí Clinical Microbiology Reviews, đầu những năm 1950 trong chiến tranh Triều Tiên, hơn 3.000 binh sĩ Liên hợp quốc đã bị nhiễm HPS và khoảng 12% tử vong.
Bệnh cúm
Theo WHO, có tới 650.000 người trên toàn thế giới tử vong do mắc cúm mùa mỗi năm. Khi một chủng cúm mới xuất hiện, trở thành đại dịch sẽ dẫn đến việc lây lan nhanh hơn và tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.
Theo CDC Mỹ, đại dịch cúm gây tử vong nhiều nhất còn được gọi là cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918, đã gây bệnh cho 40% dân số thế giới, giết chết khoảng 50 triệu người.
Sốt xuất huyết
Virus Dengue xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1950 ở Philippines và Thái Lan. Kể từ đó, virus này đã lây lan khắp các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới toàn cầu. Theo tạp chí Nature, có tới 40% dân số thế giới hiện đang sống ở các khu vực có dịch sốt xuất huyết lưu hành và muỗi là vật chủ mang virus Dengue. Bệnh sốt xuất huyết có khả năng lây lan xa hơn khi thế giới ấm lên, thuận lợi cho quá trình sinh sản và phát triển của loài muỗi.
Theo WHO, bệnh sốt xuất huyết lây nhiễm cho 100 - 400 triệu người mỗi năm. Mặc dù có tỷ lệ tử vong thấp hơn một số loại bệnh khác nhưng sốt xuất huyết do virus Dengue vẫn có tỷ lệ tử vong tới 20% nếu không được điều trị kịp thời.
Virus Rota
Virus Rota là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tiêu chảy nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Virus này có thể lây lan nhanh chóng thông qua chất thải. Mặc dù trẻ em ở các nước phát triển hiếm khi tử vong do nhiễm virus Rota nhưng căn bệnh này vẫn là “kẻ giết người” ở các nước đang phát triển, nơi các phương pháp điều trị bù nước không được phổ biến rộng rãi.
WHO ước tính trên toàn thế giới có hơn 25 triệu lượt bệnh nhân ngoại trú và 2 triệu trường hợp nhập viện mỗi năm do nhiễm virus Rota.
SARS-CoV
Virus gây ra hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng hay còn gọi là SARS lần đầu tiên được xác định vào năm 2003 trong một đợt bùng phát ở Trung Quốc. Ban đầu, virus này có khả năng xuất hiện ở dơi, sau đó lây truyền sang cầy hương trước khi lây nhiễm sang người. Sau khi bùng phát ở Trung Quốc, SARS đã lây lan ra 26 quốc gia trên thế giới, lây nhiễm cho hơn 8.000 người và khiến hơn 770 người tử vong trong vài tháng.
Người nhiễm SARS bị sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ thể. Bệnh thường tiến triển nhanh thành viêm phổi và chứa đầy mủ. SARS có tỷ lệ tử vong ước tính là 9,6%. Kể từ đầu những năm 2000 đến nay, không có trường hợp SARS mới nào được báo cáo.
Kể từ khi xuất hiện, COVID-19 đã gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới |
SARS-CoV-2
SARS-CoV-2 cùng họ với virus SARS-CoV được xác định lần đầu tiên vào tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Virus này có thể bắt nguồn từ loài dơi và truyền qua động vật trung gian trước khi lây nhiễm sang người. Theo Reuters, kể từ khi xuất hiện, virus này đã gây ra hơn 5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.
Bệnh do SARS-CoV-2 được gọi là COVID-19 gây nguy cơ tử vong cao hơn cho những người có nhiều bệnh nền. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm sốt, ho, mất vị giác hoặc khứu giác, khó thở và nghiêm trọng hơn là khó thở, đau ngực và mất khả năng vận động.
Ngày 23/8/2021, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã phê duyệt vắc xin COVID-19 đầu tiên Pfizer-BioNTech để chống lại đại dịch này.
MERS-CoV
Virus gây ra hội chứng hô hấp Trung Đông hay còn gọi là MERS đã bùng phát ở Ả Rập Xê Út vào năm 2012 và một đợt bùng phát khác ở Hàn Quốc vào năm 2015. Virus MERS cùng họ với SARS-CoV và SARS-CoV-2. Theo WHO, virus này xuất phát từ lạc đà lây nhiễm sang người, gây sốt, ho và khó thở ở những người bị nhiễm bệnh.
Người nhiễm virus MERS thường tiến triển thành viêm phổi nặng và có tỷ lệ tử vong ước tính khoảng 35%. Hiện không có vắc xin nào để ngăn ngừa căn bệnh này, cách phòng chống duy nhất là rửa tay thường xuyên, tránh tiếp xúc với lạc đà và không tiêu thụ các sản phẩm có chứa sữa tươi sống của chúng.