Những nhóm tình nguyện “ảo” tạo ra giá trị thật
Nhân lên nhiều suất cơm ấm nóng
Lê Thị Linh Hương (SN 2001, sinh viên năm cuối trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tuy bận rộn với việc học tập để chuẩn bị tốt nghiệp nhưng vẫn chăm chút cho fanpage có tên “Cơm 5.000 Hà Nội” với hơn 20 nghìn lượt theo dõi. Hiện Hương đảm nhận vai trò làm trưởng ban truyền thông của tổ chức từ thiện “Cơm 5.000 Hà Nội”.
Các tình nguyện viên nấu ăn gửi đến những người lao động nghèo |
Không giống như các tình nguyện viên khác, Hương nhận nhiệm vụ ở nhà để phát triển những “con số ảo” tạo ra giá trị thật. Xuất phát từ việc muốn góp sức trẻ chung tay giúp đỡ những bạn sinh viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, Hương thông qua fanpage “Cơm 5.000 Hà Nội” kêu gọi các nhà hảo tâm cùng nhau góp những xuất cơm gửi tới những người có hoàn cảnh khó khăn.
Theo Hương, Việt Nam là một trong số các quốc gia phát triển mạnh mẽ về mạng xã hội, số lượng người sử dụng mạng xã hội ngày một tăng. Đặc biệt, các hoạt động xã hội, từ thiện có số lượng người theo dõi trên mạng xã hội ngày lớn. Chính vì thế, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội luôn được các bạn sinh viên ưu tiên.
Để đáp ứng đưa thông tin tới mọi người một các minh bạch, có tính lan tỏa, Linh Hương lên kế hoạch truyền thông cho từng tuần và số lượng bài theo ngày để các tình nguyện viên cùng nhau hoàn thành. Thời gian đầu, Hương phải tự học, tự đọc và theo dõi các trang thông tin để đưa ra các chiến lược phù hợp khi thực hiện chiến dịch kêu gọi ủng hộ thiện nguyện trên mạng xã hội.
Linh Hương chia sẻ, cái khó để phát triển những con số “ảo” là làm sao để lấy được lòng tin của công chúng, luôn sẵn sàng đồng hành và ủng hộ “Cơm 5.000 Hà Nội” trong các dự án. Qua việc quan sát, rút kinh nghiệm từ những lùm xùm trong việc từ thiện, Hương cùng đội ngũ truyền thông đã sao kê đầy đủ số tiền nhận được, những khoản thu chi hằng tháng và đăng lên fanpage để công chúng cùng theo dõi.
Hiện tại, fanpage “Cơm 5.000 Hà Nội” đã trở thành cầu nối, tạo ra nhiều suất cơm trao đến người lao động, sinh viên nghèo. Bên cạnh đó, sự thành công của fanpage phải kể đến sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm theo từng tuần, từng tháng. Những “con số ảo” đã tạo nên “giá trị thật” được thể hiện qua gần 75 nghìn suất cơm trao đến đúng các đối tượng mà nhóm đã phục vụ.
Đẩy mạnh hoạt động tình nguyện
Fanpage của CLB Tự nguyện của sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội hiện có hơn 7 nghìn lượt người theo dõi. Mục đích lập ra fanpage của CLB nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin về các hoàn cảnh khó khăn trên cả nước và các đối tượng sinh viên nghèo cần sự giúp đỡ trong quá trình học tập.
Các bạn tình nguyện viên “CLB Tự nguyện” mở gian hàng “0 đồng” |
Chủ nhiệm CLB Tự nguyện Trần Thị Hồng Thư cho biết, nhờ việc đưa ra chiến lược tuyên truyền trên mạng xã hội phù hợp, thông tin rõ ràng minh bạch nên đã nhận được sự quan tâm của các nhà hảo tâm nhiều hơn. CLB thường tổ chức chương trình tình nguyện gắn với các sự kiện như Tết Trung thu, Tết Nguyên đán… và đăng tải những chương trình tình nguyện lên fanpage để kêu gọi cộng đồng chung tay góp sức.
Qua đó, CLB rút ngắn được thời gian tìm kiếm, mời tài trợ từ các nhà hảo tâm, nhà tài trợ. Nhiều hoạt động truyền thông đã được đẩy mạnh trên mạng xã hội giúp các đơn vị, tổ chức thiện nguyện khác biết đến CLB Tự nguyện nhiều hơn, từ đó tăng cơ hội phát triển và hợp tác để tạo ra nhiều chương trình ý nghĩa.
Thành viên CLB Tự nguyện, trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội gói bánh chưng tặng người nghèo dịp Tết Nguyên đán |
Trong những năm qua, nhiều chương trình thiện nguyện ý nghĩa đã được CLB Tự nguyện tổ chức như: Chương trình “Ánh Dương” đến với các em khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Hà Nội; Chương trình "Tết ấm xuân hồng" tại huyện Bình Gia, Lạng Sơn. Những chương trình ý nghĩa đó đã thu hút nhiều tình nguyện viên và các nhà hảo tâm tham gia.