Những sinh viên xa nhà lần đầu tiên đối mặt với dịch bệnh Covid-19
Lần đầu tiên đối mặt với dịch bệnh nguy hiểm
Có mặt tại buổi lấy mẫu xét nghiệm ở thôn Cầu Dòng (phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) Hoàng Thị Xuân, lớp Xét nghiệm 10B (trường Đại học Kỹ thuật Hải Dương) quê ở Cao Bằng đã cùng hàng trăm sinh viên khác lựa chọn cái Tết xa nhà để góp một phần sức lực nhỏ bé cho tuyến đầu chống dịch.
“Vừa nghe tin dịch bệnh bùng phát, chúng em đã viết đơn tình nguyện xin được ở lại tham gia vào công tác chống dịch. Em nhận được rất nhiều lời động viên của người thân và bạn bè. Điều đó làm em càng cảm thấy tự hào hơn về quyết định của mình, tự hào là sinh viên ngành Y”, Xuân chia sẻ.
Chị gái của Xuân cũng vừa lấy chồng xa. Đây là lần đầu tiên cả hai chị em ăn Tết xa nhà. Nghĩ đến cảnh chỉ có bố mẹ ở nhà mong ngóng con, Xuân có chút chạnh lòng.
Dù đi học xa quê lâu rồi chưa về nhà nhưng Xuân vẫn quyết định ở lại cùng Hải Dương chống dịch |
Hai chị em Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thị Hiền trong buổi lấy mẫu xét nghiệm tại thôn Cầu Dòng, Hải Dương |
Cũng giống Xuân, Nguyễn Anh Tài và Nguyễn Thị Hiền là hai chị em họ đồng thời cũng là sinh viên năm 3 trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Mặc dù đã về Thái Bình nghỉ Tết nhưng ngay khi nghe tin, hai chị em đã không ngần ngại xin phép bố mẹ lên đường đi vào tâm dịch.
“Bố mẹ em ban đầu cũng lo lắng nhưng vì chúng em đã chọn nghề này nên chỉ có thể động viên cả hai chị em cố gắng, chú ý bảo vệ bản thân. Tuy phải ăn Tết xa nhà nhưng đổi lại chúng em có một cái Tết thực sự ý nghĩa cho hành trang sinh viên ngành Y”, Nguyễn Gia Tài tâm sự.
Xác định xa người thân, gia đình "mất Tết" vì dịch Covid-19
Công tác tại TTYT Chí Linh đã hơn 10 năm nhưng đây là lần đầu công tác trong tâm dịch, anh Nguyễn Đăng Thu (nhân viên lái xe cứu thương) chia sẻ: “Nhiệm vụ của tôi là vận chuyển người bệnh tới khu cách ly, từ khu cách ly tới trung tâm điều trị.
Khi tiếp xúc với người bệnh có nguy cơ lây nhiễm, tôi ý thức được rằng trước tiên phải tự bảo vệ bản thân để giảm thiểu việc lây lan ra cộng đồng. Từ đầu dịch tới giờ, tôi vận chuyển gần 100 bệnh nhân, cũng chỉ có thể tranh thủ lúc nào không phải di chuyển thì chợp mắt một chút.
Ba anh em trong đội lái xe chúng tôi luôn túc trực 24/24 giờ với tâm thế sẵn sàng đưa đón bệnh nhân. Nếu để nói vất vả thì công việc của tôi chưa đáng gì so với các cán bộ y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Tôi chỉ mong được góp một phần sức lực nhỏ vào công cuộc phòng chống dịch. Phải xa vợ xa con nhưng chúng tôi luôn thường trực suy nghĩ ưu tiên chống dịch trước, gia đình thì xin để lại phía sau”.
Cùng công tác trong TTYT Chí Linh với anh Thu, chị Hoàng Thị Thanh, nhân viên phụ trách môi trường, cũng là một mảnh ghép vô cùng đặc biệt trong bức tranh chống dịch Covid-19.
Chị Thanh kể: “Hai vợ chồng đều công tác trong TTYT, chồng làm kỹ thuật viên X-quang còn tôi là nhân viên môi trường liên quan đến rác thải y tế. Cả hai đều làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao.
Cháu lớn nhà tôi 5 tuổi và cháu bé chỉ mới 2 tuổi, ngay khi dịch bệnh bùng phát và phải cách ly hoàn toàn trong viện chúng tôi chưa kịp về nhà thăm con. Ông bà hai bên đều ở tỉnh khác, vợ chồng tôi đành “nuốt nước mắt” gửi con ở nhà một người trông trẻ".
Tết đang tới gần nhưng chị Thanh vẫn chưa dám nghĩ đến cảnh hai đứa con nhỏ phải đón Tết mà không có bố mẹ hay ông bà bên cạnh. Chị sợ nhắc đến bản thân sẽ không kìm được cảm xúc...
Mỗi câu chuyện đều mang tới cho chúng ta những cảm xúc khác nhau và những mảnh ghép đó sẽ bổ sung cho bức tranh chống dịch Covid-19 tại tuyến đầu Hải Dương thêm phần ý nghĩa.