Những thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu, tình đời
Mưa thu kỷ niệm Từ mái trường này... “Tiếng sóng quê hương” sẽ mãi vỗ về "Giữa đồi thông ba lá" ta trót để lại trái tim Thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh trăn trở, bâng khuâng “Buổi giao mùa” |
Một góc thành phố Đà Lạt |
Trào dâng khát vọng yêu thương
(Đọc bài thơ “Giữa đồi thông ba lá” của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh)
Đà Lạt là xứ sở của tình yêu, nơi khơi nguồn cảm hứng dồi dào bất tận của sáng tạo thi ca, nhạc họa. Đặt chân đến mảnh đất này, mỗi khoảnh khắc đều có thể khiến cho trái tim thi sĩ rung động, để rồi những nhớ nhung sâu lắng cứ âm thầm, bền bỉ tỏa lan. Có lẽ cũng bởi vậy, viết về Đà Lạt, mỗi nghệ sĩ đều phải đối mặt với những “thách thức” không nhỏ nếu muốn vượt lên những lối mòn quen thuộc, để ghi được dấu ấn trên hành trình sáng tạo.
Trong bài thơ “Giữa đồi thông ba lá”, đăng trên báo “Tuổi trẻ Thủ đô”, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh đã tìm được cho mình một lối đi riêng độc đáo, để vừa khắc họa ấn tượng chất thơ của đất và người Đà Lạt, đồng thời gửi gắm những thông điệp nhân văn sâu sắc về tình yêu, tình đời. Bài thơ như những lớp sóng được dệt nên bởi vô vàn cảm xúc, tâm trạng dồn nén, để rồi những khát vọng yêu thương cứ thế trào dâng, để lại trong lòng bạn đọc những dư âm lắng đọng không dứt.
Con đường đi giữa rừng thông 3 lá |
Khổ đầu bài thơ mở ra không gian Đà Lạt vừa quen thuộc, vừa rất mới mẻ. Vẫn là hình ảnh đồi thông trùng điệp trên cao nguyên lộng gió nhưng thấm đẫm trong đó là nỗi nhớ nhung, hoài niệm của nhân vật trữ tình. Nhà thơ đã mở ra không gian tâm trạng sâu thẳm, nơi mỗi cảnh vật đều gắn liền với những hình ảnh, những kỷ niệm về em:
Ông Trời gieo “thông ba lá” (1)
Điệp trùng ngút ngát cao nguyên
Gió vẫn vuốt ve cây, như hôm nào em đến
Vang khúc nhạc trầm trên đất khát ngàn năm
Không gian của những cánh rừng thông “ngút ngát cao nguyên”, với tiếng gió rì rào như “khúc nhạc trầm trên đất khát ngàn năm” rất giàu sức gợi, mở ra trường liên tưởng phong phú về câu chuyện tình đang sống động trong lòng anh. Với cái nhìn nương theo bầu tâm trạng ấy, tác giả đã thật tài tình khi vẽ nên bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp và buồn đến nao lòng ở khổ thơ tiếp theo:
Đây hồ Tuyền Lâm, nước vẫn xanh
Con thuyền mình ta giữa đôi bờ trầm mặc
Chuông chiều buông vụn vỡ thinh không
Ta muốn níu cánh chim tìm nơi em đến
Một góc hồ Tuyền Lâm |
Giữa không gian mênh mông, ngắt xanh của hồ Tuyền Lâm, hình ảnh “con thuyền mình ta giữa đôi bờ trầm mặc” đã lột tả đầy đủ tình cảnh cô đơn, khao khát được yêu, được thỏa nỗi nhớ nhung chất chứa trong lòng. Cụ Nguyễn Tiên Điền đã từng viết “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Giữa cái tĩnh lặng, trầm mặc của khung cảnh giăng mắc nỗi buồn đơn côi, tiếng chuông chiều vọng tới khảm những vết rạn không gian tinh tế, để bột phát tiếng nấc nghẹn của trái tim yêu nồng cháy, thổi bùng lên khát vọng tìm em.
Hành trình tìm em, tìm về với nội tâm tràn đầy cảm xúc và khát vọng yêu thương ấy đã đưa anh qua những không gian, thời gian của Đà Lạt. Và ở bất cứ đâu có bước chân anh qua, cảnh sắc đều đồng điệu với những yêu thương, khao khát ấp ủ trong lòng:
Mình anh qua đây - thác Pren
Đứng lặng lẽ bên hồ Than Thở
Sóng lăn tăn như nhận lời chia sẻ
Của kẻ lãng du mòn mỏi đợi chờ!
Thác Pren |
Cuộc kiếm tìm xuyên không gian, thời gian được nhà thơ gửi đến bạn đọc bằng nghệ thuật đồng hiện độc đáo. Những cảnh sắc đẹp hoàn mĩ của mảnh đất tình yêu thêm một lần được thổi hồn, được làm mới. Không gian thơ cứ chập chờn, hư ảo bởi nó được lọc qua tâm hồn trĩu nặng nhớ mong, bởi người con gái mà anh đợi chờ vẫn đang như tăm cá, bóng chim:
Hoa dã quỳ vàng rực lối đi
Xe ngựa lắc lư phiêu bồng sắc phượng
Thông lặng nhìn ta, như đang trách cứ:
Mới chờ 3 xuân, đã nứt rạn niềm tin?!
Vàng rực đồi hoa dã quỳ |
Thiên nhiên đã trở thành người bạn đồng hành, là sự phân thân để sẻ chia, truyền niềm tin và nhắn nhủ: Đừng bao giờ thôi hy vọng! Và trải qua những chuỗi ngày dài, vượt qua những khoảnh khắc hoài nghi, chán nản, anh đã hiểu rằng, tình yêu dành cho em chính là ý nghĩa của cuộc đời anh. Bởi vậy, trước mắt, dù còn đó những gian truân, vất vả, dù chẳng thể biết em đang ở nơi đâu, nhưng anh đã hiểu rằng, hành trình tìm em chính là hành trình đích thực của tình yêu đã trải qua 3 mùa cây thay lá. Khát vọng ấy đã nâng bước chân anh, cho anh sức mạnh đối diện với hết thảy những khó khăn để đợi chờ:
Thông ơi thông, sao cứ thản nhiên
Mang 3 lá trên đầu cành vĩnh viễn?!
Ta đã tìm em dọc dài hoang vắng
Hay phải đợi thông, có 5 lá mọc lên?!
Rừng thông 3 lá |
Đến khổ thơ này, mật mã nghệ thuật “thông ba lá” ở khổ thơ đầu đã được mở. Sức mạnh của tình yêu và niềm tin to lớn cho anh sức mạnh sẵn sàng đối mặt với mọi trở ngăn, kể cả đó là sự an bài của số phận. Đó là sự khẳng định làm toát lên trọn vẹn khối năng lượng khổng lồ, là sức mạnh chất chứa bao lâu nay. Dù có phải đợi thông “có 5 lá mọc lên”, dù có thể cả cuộc đời anh chẳng thể gặp em, để được thỏa nỗi lòng thì anh vẫn sẽ đi tìm. Đó là sự cam kết nghệ thuật thể hiện sức mạnh của tin yêu và hy vọng. Để rồi khổ thơ cuối hiện lên như một bản hoan ca đầy chất nhân văn:
Lễ hội hoa rực rỡ cao nguyên
Những cặp tình nhân dập dìu náo nức
Một mình ta, trên đồi thông dõi ngắm
Khấp khởi biết đâu, em đang ở gần anh?!
Nếu bạn đọc tinh ý một chút, có thể nhận thấy, trong tất cả các khổ thơ trên chỉ có mình anh trong không gian hoang hoải, thì đến khổ thơ này đã xuất hiện hình ảnh những “cặp tình nhân dập dìu náo nức” giữa thành phố ngập tràn sắc hoa. Ở trung tâm của bức tranh ấy, dù anh vẫn chỉ một mình “dõi ngắm” nhưng lòng anh lại xôn xao niềm “khấp khởi biết đâu, em đang ở gần anh?!”. Và những năng lượng tích cực nhất đã được tỏa lan đến bạn đọc, để cùng hy vọng vào một cái kết “có hậu” cho lứa đôi, cùng tin vào hạnh phúc sẽ đến với ai biết trân trọng, nâng niu và chờ đợi.
Bài thơ khép lại, nhưng dư âm vẫn lắng đọng trong lòng người đọc. Có thể thấy đây là một bài thơ đánh dấu bước đổi mới đầy sáng tạo, để lại nhiều ấn tượng đẹp của nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh. Những lớp sóng tâm trạng cứ nối nhau lớp lớp đã dệt nên bài ca về tình yêu lứa đôi với bao gập ghềnh, trở ngại. Bài thơ vừa lột tả sắc sảo “chất Đà Lạt”, vừa truyền đi những thông điệp nhân văn đầy sâu sắc. Đó là cơ sở, là tiền đề để bạn đọc tiếp tục chờ đợi những dấu ấn và thành công mới của nhà thơ trên hành trình sáng tạo phía trước…
Hà Nội, tháng 9 năm 2022
Thanh Sơn
(1) Thông ba lá là cây gỗ lớn, lá cây hình kim, thường đính 3 lá trên mỗi đầu cành ngắn. Loại thông này tồn tại trên cao nguyên Đà Lạt (chiếm 90% diện tích cả nước).