Nỗ lực định vị thương hiệu “Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”
“Đòn bẩy” từ chính sách
Yên Bái có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với nhiều phong cảnh đẹp và hùng vĩ như; Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải, đỉnh Tà Xùa, Khau Phạ, hồ Thác Bà - một trong 3 hồ nước nhân tạo lớn nhất Việt Nam.
Tỉnh Yên Bái cũng có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời cùng văn hóa ẩm thực và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa khèn... Với nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội, Yên Bái có đầy đủ yếu tố để phát triển nhanh và bền vững; Trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ vào năm 2030.
Nắm rõ lợi thế này, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Cụ thể, Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 24/2/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong năm 2023, tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa, du lịch với chủ đề “Yên Bái - Điểm đến di sản thiên nhiên và văn hóa” với phương châm “Biến tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa thành tài nguyên du lịch”.
Các hoạt động văn hóa đặc sắc tại Lễ hội văn hoá, du lịch Mường Lò |
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHDLTT) tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh cho biết, Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái cùng nhiều chương trình, kế hoạch khác là đòn bẩy, tạo nguồn lực, điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp, địa phương cùng chung tay phát triển du lịch.
Thực hiện kế hoạch, từ đầu năm đến nay, tỉnh Yên Bái cũng tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội để kích cầu du lịch, mới đây nhất là tham dự Hội nghị xúc tiến Du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng tại TP Hồ Chí Minh; Tổ chức quảng bá những sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh tại Cần Thơ...
Qua đây, du khách có dịp được trải nghiệm những sản phẩm du lịch độc đáo của Tây Bắc ngay tại phương Nam. Đặc biệt, Sở VHDLTT tỉnh Yên Bái liên tiếp tục tổ chức các đoàn công tác khảo sát, đánh giá tiềm năng và định hướng cho các địa phương phát triển du lịch…
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải |
Làm mới những sản phẩm du lịch độc đáo
Đáng chú ý, các địa phương trong tỉnh Yên Bái đã nỗ lực để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, mang dấu ấn riêng như: Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò; Khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái mỗi dịp tháng 9 hàng năm. Những sự kiện này đã trở thành thương hiệu của Yên Bái, được du khách mong chờ khám phá.
“Với những du khách thích khám phá văn hóa Tây Bắc thì lễ hội này thực sự rất ấn tượng. Ở đây, khách du lịch được trải nghiệm những món ăn của người Thái, được sống cùng những điệu xòe đã trở thành nét sinh hoạt không thể thiếu của người Thái, cùng học nghề thêu thổ cẩm dân tộc Mông, đi chợ phiên vùng cao… Có thể nói, bản sắc Tây Bắc hội tụ ở chính lễ hội Mường Lò”, chị Trang Vy, blogger du lịch chia sẻ.
Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh địa hình, Yên Bái cũng đã thành công với những tour du lịch mạo hiểm như chinh phục đèo Khau Phạ hay festival dù lượn “Bay trên mùa nước đổ”. Với nhiều du khách, được băng qua các cung đường uốn lượn ghé thăm bản làng và ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả trải dài trên vùng núi cao Mù Cang Chải, bay trên trên cánh đồng ruộng bậc thang vào mùa nước đổ; Trải nghiệm các công đoạn làm đất, đắp bờ, gieo cấy ở ruộng thang; Thêu dệt thổ cẩm, dệt vải Mông bằng sợi lanh… mang lại nhiều cảm xúc mới mẻ và độc đáo.
Trải nghiệm Yên Bái mùa nước đổ khiến nhiều du khách thú vị |
Anh Viết Anh Mạnh, Giám đốc Công ty Du lịch Nhật Anh đánh giá: “Sự sáng tạo của đồng bào nơi đây đã tạo ra những thửa ruộng như những nấc thang bắc tới chân trời, hòa quyện vào những đám mây đủ sắc màu tạo nên vẻ đẹp nên thơ không nơi nào có được.
Lượng khách đặt tour tham quan Mù Cang Chải vào mùa nước đổ năm nay gấp đôi năm ngoái. Điều này không chỉ khẳng định sức hút của vẻ đẹp thiên nhiên ruộng bậc thang Mù Cang Chải mà còn cho thấy cách làm du lịch của địa phương đang dần trở nên chuyên nghiệp và uy tín”.
Yên Bái ra mắt nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn để khai thác tài nguyên thiên nhiên |
Khẳng định điều này, bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho hay, 2023 là năm thứ 5 huyện Mù Cang Chải tổ chức festival dù lượn "Bay trên mùa nước đổ". Sự kiện này đã trở thành hoạt động thường niên, sản phẩm du lịch hấp dẫn của địa phương, được du khách mong chờ.
Tích cực khai thác yếu tố bản sắc vùng miền
Để phát huy được thế mạnh tài nguyên và bản sắc, ngay từ đầu năm 2023, Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa ra giải pháp phát triển phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương. Nhờ đó, nhiều huyện, xã đã nỗ lực làm mới các sản phẩm du lịch bằng cách chú trọng khai thác yếu tố bản sắc vùng miền.
Điều này thể hiện rõ thông qua các hoạt động, sự kiện dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua. Ngoài các sự kiện du lịch truyền thống đã thành thương hiệu như: Lễ hội Văn hóa và Du lịch Mường Lò và khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải; Festival thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Thượng Ngàn… thì lần đầu tiên, vào một dịp nghỉ lễ, 9 huyện, thị, thành phố đồng loạt tổ chức nhiều hoạt động, đưa ra những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn như: Chương trình "Sắc màu các dân tộc Yên Bái” tại thành phố Yên Bái; Hội thi "Lung linh vòng xòe” tại thị xã Nghĩa Lộ; Chương trình cắm trại, ẩm thực, trình diễn khèn Mông tại huyện Trạm Tấu; "Thác Minh Khai - Chào hè 2023" của huyện Văn Yên; Trải nghiệm nghệ thuật khắp Coọi của người Tày tại huyện Lục Yên...
Hội thi Lung linh vòng xòe tại Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống và phát huy giá trị trong lĩnh vực du lịch |
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du Lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, con số 121.600 lượt khách, trong đó có 5.000 lượt khách quốc tế; Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 94 tỷ đồng chỉ trong 5 ngày nghỉ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 là một trong những minh chứng rõ nét cho nỗ lực đổi mới, phát triển ngành du lịch của tỉnh. Yên Bái thực sự đã và đang tạo được dấu ấn với du khách thập phương.
Chia sẻ về việc phát huy yếu tố khai thác bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch, chị Nguyễn Thu Phong, cán bộ Phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ, cho biết, hiện nay, thị xã có nhiều mô hình du lịch cộng đồng hoạt động hiệu quả. Mỗi mô hình đều hợp đồng với 2 - 3 đội văn nghệ dân gian của thôn, bản để biểu diễn.
Mỗi đội văn nghệ có từ 5 - 7 thành viên, chủ yếu biểu diễn các tiết mục văn hóa dân gian và không thể thiếu trình diễn nghệ thuật xòe cổ và các tiết mục xòe mang tính nghệ thuật cao. Đặc biệt, hội thi “Lung linh vòng xòe” vào đúng dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vừa tạo nhiều dấu ấn đối với khách du lịch.
Tại xã Xà Hồ, một trong những địa phương thu hút lượng khách du lịch lớn nhất của huyện Trạm Tấu, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Cụ thể, địa phương này đã tích cực tuyên truyền chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; Phát huy sự tín nhiệm của người có uy tín trong tuyên truyền giữ gìn bản sắc, tổ chức các lớp dạy khèn Mông.
Thông qua đó, người dân đã hiểu thêm về kỹ thuật chế tác, các điệu múa khèn mông, kỹ năng thổi khèn, hát giao duyên, phong tục ma chay, cưới hỏi… từ đó giới thiệu tới khách du lịch.
Cảnh sắc yên bình |
Có thể thấy, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành đã khiến du lịch của Yên Bái đang trên đà bứt phá. Theo số liệu của Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái, đến nay, lượng khách du lịch đến tỉnh có sự tăng trưởng khá về quy mô số lượng và tốc độ tăng trưởng.
Năm 2022, toàn ngành Du lịch tỉnh Yên Bái đón và phục vụ được 1.589.000 lượt khách (vượt 44,4 % kế hoạch năm, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021); Trong đó, khách quốc tế ước đạt 28.000 lượt. Tổng thu du lịch ước đạt 1.101 tỷ đồng (vượt 30,2% kế hoạch năm, tăng 124,5% so với cùng kỳ năm 2021).
Trong 5 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch ước đón 901.565 lượt khách (trong đó có 30.320 lượt khách quốc tế). Tổng thu du lịch ước đạt 724,2 tỷ đồng.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái Vũ Thị Mai Oanh nhấn mạnh: “Yên Bái hiện đang ưu tiên dành các nguồn lực để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ; Hỗ trợ tối đa các nhà đầu tư triển khai và hoàn thành các dự án khu, điểm du lịch.
Đặc biệt, một nhiệm vụ trọng tâm là phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tạo lập cơ sở dữ liệu chung với toàn ngành. Chúng tôi kỳ vọng, thúc đẩy chuyển đổi số sẽ góp phần quảng bá mạnh mẽ về du lịch Yên Bái, thay đổi nhận thức, tư duy của người dân để thấy được giá trị của du lịch, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước và kinh doanh du lịch, dần định vị thương hiệu “Yên Bái - nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc”.