Nơi hội tụ những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc của Việt Nam
Cấp “Hộ chiếu số” dành cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Hà Nội Khai mạc Hội chợ làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2020 Kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong các sản phẩm thủ công mỹ nghệ |
Nhằm khơi dậy tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế của lĩnh vực ngành nghề nông thôn nói chung và của làng nghề nói riêng. Đồng thời, củng cố và xây dựng đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2018/NĐ-CP, Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 7/7/2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với các giải pháp cụ thể, đồng bộ để thúc đẩy việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề ở các địa phương trong thời gian tới.
Năm 2020, Bộ đã tổ chức thành công Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam, qua đó đã thu hút được 174 nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân và 339 sản phẩm tham gia Hội thi.
Sau Hội thi, các sản phẩm đạt giải đã được giới thiệu, quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; Nhiều làng nghề truyền thống đã kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã; Các nghệ nhân, thợ giỏi cũng được nhiều lao động biết đến để theo học nghề thủ công mỹ nghệ.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng Ban Tổ chức đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị Khai mạc Hội chợ Làng nghề và sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 năm 2022 |
Để tiếp tục động viên, khuyến khích, tôn vinh, phát huy ý tưởng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam… ngay từ tháng 6/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phát động Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 đến nghệ nhân, thợ giỏi, các nhà thiết kế, các tổ chức, cá nhân, các Hiệp hội và các cơ quan quản lý ở các địa phương.
Năm nay, Ban Tổ chức đã tiếp nhận được 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả ở cả 3 miền. Trong đó, miền Bắc 247 sản phẩm của 126 tác giả; Miền Trung 32 sản phẩm của 15 tác giả; Miền Nam 85 sản phẩm của 49 tác giả.
Phân theo nhóm sản phẩm: Nhóm gốm sứ và thủy tinh là 37 sản phẩm; Nhóm dệt, thêu đan, móc là 83 sản phẩm; Nhóm mây, tre, lá là 93 sản phẩm; Nhóm sơn mài, khảm trai, gỗ mỹ nghệ là 75 sản phẩm và nhóm khác là 76 sản phẩm (sừng, trai ốc, chạm khắc đá, kim khí; hoa, tranh.
Để nâng cao chất lượng, sự công bằng và uy tín của Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022, Ban Tổ chức đã mời những người có trình độ, uy tín và kinh nghiệm trong các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, mỹ thuật, tạo hình khác nhau tham gia Ban giám khảo.
Lễ trao giải Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 sẽ được tổ chức vào khoảng 20h ngày hôm nay (2/11) trong buổi Lễ khai mạc Festival làng nghề Việt Nam năm 2022 (tầng 2, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội).
Hội thi sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022 đã tiếp nhận 364 sản phẩm của 190 tác giả, nhóm tác giả ở cả 3 miền |
Thông tin về các làng nghề Việt Nam, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đến hết năm 2021, cả nước có 181 nghề truyền thống; 1.983 làng nghề, làng nghề truyền thống và 54 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình Nghề thủ công truyền thống được công nhận.
Tổng số cơ sở tham gia sản xuất kinh doanh các làng nghề năm 2021 là khoảng 213.000 cơ sở. Trong đó, có gần 2.000 doanh nghiệp, 350 hợp tác xã, 330 tổ hợp tác và 210.000 hộ gia đình; tạo việc làm cho trên 672.000 lao động, thu nhập bình quân đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
Tổng doanh thu từ các hoạt động ngành nghề nông thôn trong các làng nghề đã được công nhận năm 2021 đạt gần 60.000 tỷ đồng. Một số sản phẩm ngành nghề nông thôn đạt được kết quả xuất khẩu cao như: Sản phẩm mây, tre, cói và thảm đạt trên 878 triệu USD (tăng 43,8% so với năm 2020); Sản phẩm gốm, sứ đạt trên 674 triệu USD (tăng 16,1% so với năm 2020).