Nữ sinh khiếm thị miệt mài cống hiến cho cộng đồng
Sinh viên Bách khoa chế tạo thiết bị giám sát truyền dịch cho bệnh nhân Coivid-19 Sống hết mình thời sinh viên Câu chuyện xúc động của nữ sinh Hà thành tình nguyện lên đường chống dịch |
Vượt qua chính mình
Ảnh hưởng của việc sinh non khiến đôi mắt của Đan cứ mờ dần và đến năm một tuổi không nhìn thấy nữa. May mắn khi đến tuổi tới trường, bố mẹ đã cho cô gái trẻ theo học ở trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). Vì thế, Đan không cảm thấy hụt hẫng khi bạn bè tới lớp còn cô phải giam mình trong bốn bức tường. Tuy nhiên, không ít lần cô gái khóc thầm vì thấy buồn, tủi thân.
“Mình không được học tập một cách công bằng với các bạn khác. Thậm chí, mình bị bắt nạt, bị kì thị và gặp rất nhiều những khó khăn, cản trở khác”, Đan chia sẻ
Nguyễn Thảo Đan |
Lớn lên, Đan dần ý thức được rằng những khó khăn đó không phải của riêng mình, mà là những rào chắn vô hình ngăn cản nhiều người khiếm thị. Cô gái trẻ bắt đầu suy nghĩ và tìm đáp án cho câu hỏi: Làm thế nào để giúp những người khiếm thị được đi học, được đối xử công bằng như những người khác? Đan bắt đầu dạy chữ nổi, truyền đạt kỹ năng cho những em nhỏ bị khiếm thị để các em có thể tự tin khi tới trường.
“Mỗi khi thấy các bạn nhỏ tiến bộ, mình lại cảm thấy hạnh phúc vô cùng vì đã làm được một việc có ích. Niềm khao khát được giúp đỡ cộng đồng những người khiếm thị cứ thế lớn dần lên. Mình cứ miệt mài dạy chữ, kỹ năng và giúp đỡ những em nhỏ bị khiếm thị cho đến khi hoàn thành chương trình trung học phổ thông”, Đan kể.
Thảo Đan tích cực tham gia các chương trình hiến máu tình nguyện |
Khi nhận ra giá trị của bản thân Đan càng khao khát cống hiến, làm những việc có ích cho cộng đồng. Cô gái trẻ muốn theo học ngành nghề có thể giúp đỡ tốt hơn cho cộng đồng những người khiếm thị nói riêng, người khuyết tật nói chung. Vì thế, Đan quyết định rời Học viện Âm nhạc để thi vào khoa Công tác xã hội, Học viện Thanh thiếu nhi Việt Nam.
Hạnh phúc khi được cống hiến
Ngay từ đầu Đan đã xác định muốn giúp đỡ được người khác, bản thân phải có kiến thức. Hơn nữa, giáo trình cho người khiếm thị không nhiều nên trên lớp cô gái trẻ luôn chú ý nghe giảng và ghi chép. Việc thiếu tài liệu tham khảo được Đan bù lại bằng luôn lắng nghe và học hỏi ở thầy cô và bạn bè. Vì thế, cô gái trẻ luôn là sinh viên khá, giỏi ở trường.
Dù gặp nhiều khó khăn ở môi trường đại học, đôi mắt lại không khỏe mạnh nhưng điều đó không ngăn được Đan đến với những hoạt động tình nguyện. Cô gái trẻ hoạt động năng nổ trong các chương trình vận động hiến máu.
Tham gia các hoạt động tình nguyện giúp Đan năng động, tự tin hơn |
Đan chia sẻ: “Đôi mắt không khỏe nên mình không thể tham gia các hoạt động như chạy vận động hiến máu. Nhiệm vụ của mình chủ yếu ở khâu hậu cần như chăm sóc người hiến máu, sắp xếp bữa ăn nhẹ hay tặng quà… Đôi khi mình cảm thấy ghen tị với các bạn vì không được tham gia ở các hoạt động vận động”.
Sự bền bỉ, nhiệt huyết khiến Đan khẳng định được bản thân, bạn bè yêu mến, nể phục. Dù không có ánh sáng của mắt nhưng cô gái trẻ lại được trời phú cho giọng hát rất hay. Đan từng theo học hệ trung cấp tại Học viện Âm nhạc Việt Nam. Vì thế, cô gáo trẻ là nhân tố tích cực trong đội văn nghệ của trường.
Theo Đan, tham gia các hoạt động tình nguyện không chỉ giúp cô gái trẻ mở rộng kiến thức mà còn chủ động hơn. “Bình thường với người khuyết tật sẽ ngại vận động, đôi khi còn rất thụ động. Những hoạt động tình nguyện giúp mình năng động hơn, mở rộng thế giới quan. Đặc biệt, mình thấy bản thân có giá trị khi làm được việc hữu ích cho cộng đồng”, Đan tâm sự.
Hiện Đan đã kết thúc 3 năm học tập tại Học viện Thanh Thiếu niên Việt Nam. Một năm nữa cô gái trẻ sẽ hoàn thành chương trình học ở trường. Đan cho biết, sẽ học tập thật chăm chỉ, hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, để khi rời mái trường sẽ trở thành một nhân viên công tác xã hội giỏi về kiến thức, vững về kỹ năng, hăng say trong công việc và có trách nghiệm với cộng đồng. Từ đó, Đan có thể hỗ trợ cho nhiều người khuyết tật.