Nửa thế kỷ đi qua những hố bom B52 xưa
Chuyện kể của người bắn hạ B52 giữa lòng Hà Nội |
Hồ Hữu Tiệp
Hồ Hữu Tiệp (còn gọi là Hồ Ngọc Hà) thuộc phường Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội, nơi đây đã ghi dấu tích chiến công xuất sắc của quân và dân Thủ đô trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972, khi bắn rơi tại chỗ máy bay B52 - một loại máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tầm xa vốn được mệnh danh là “pháo đài bay” của không lực đế quốc Mỹ.
Tháng 12/1972, Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II với mục đích đưa Bắc Việt Nam trở về “thời kỳ đồ đá”. Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng bằng máy bay chiến lược B52. Đêm 17/12, bộ đội Phòng không Không quân Việt Nam bắn hạ 1 máy bay B52, một phần máy bay rơi xuống nơi đây.
Hồ Hữu Tiệp |
Ngày nay, Hồ Hữu Tiệp đã trở thành một khu dân cư đông đúc, nhộn nhịp 50 năm, hơn nửa đời người đã trôi qua, nhưng những chứng tích lịch sử minh chứng ở hồ Hữu Tiệp vẫn còn đó. Nó như dấu son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Trải qua từng ấy năm đạn bom, ngày nay nơi đây đã vô cùng phát triển, các hoạt động dịch vụ tập nập, cây cỏ vươn lên xanh tốt. Dấu ấn về một thời đạn bom thì vẫn ở đó, vẫn là một trong những minh chứng hùng hồn ghi dấu chiến công của quân và dân ta.
Ga Hàng Cỏ - Ga Hà Nội
Ga Hàng Cỏ, ngày nay là Ga Hà Nội cũng là một trong những địa điểm bị bom B52 ném trúng khiến đại sảnh bị đánh sập hoàn toàn.
Những quả bom điều khiển bằng laser đã trút xuống nhà ga và các phố lân cận như Lý Thường Kiệt, Trần Quý Cáp, Nguyễn Khuyến. Các khu lao động cũng phải hứng những trận mưa bom. Ngay đêm 18/12, đêm đầu của chiến dịch Linebacker 2, hơn 300 người đã thiệt mạng.
Ga Hà Nội |
Trong chiến dịch này, Mỹ đưa nhà ga vào mục tiêu đánh phá nhằm chặn đường tiếp viện của ta cho chiến trường miền Nam. Hiện tại ga đã được xây dựng lại khang trang, sạch đẹp và là một trong những nhà ga lớn, quan trọng của Thủ đô, phụ vụ số lượng lớn hành khách và vận chuyển hàng hóa đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh Ga Hà Nội, còn có con phố Lý Thường Kiệt cũng bị hoang tàn, đổ nát au khi bị trúng bom ngày 21/12/1972. Ngày nay, vẫn vị trí đó, ngõ Lý Thường Kiệt đã trở thành một con ngõ khang trang, sạch đẹp. Ngõ nằm gần Đại sứ quán Cuba, Bảo tàng Công an Hà Nội và Nhà khách quốc tế (Bộ Công an).
Phố Khâm Thiên
Tại con phố này, trận ném bom B52 đêm 26/12/1972 phá hủy hoàn toàn 17 tổ dân phố khiến 287 người dân bị thiệt mạng, 200 người bị thương, gần 2000 nhà ở, trường học, trạm xá, đền chùa bị phá hủy. Sự tàn ác của địch khiến nhiều gia đình bị chia lìa, nhiều trẻ em rơi vào cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ, để lại những đau thương không bao giờ có thể xóa nhòa.
50 năm qua, Đài Tưởng niệm Khâm Thiên vẫn là nơi để thân nhân của những người đã chết vì bom B-52 nhớ về một nỗi đau không gì bù đắp được; Là nơi để thế hệ trẻ biết đến tội ác của đế quốc Mỹ và những gì thế hệ trước đã trải qua trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Phố Khâm Thiên |
Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại, phố vẫn còn đó đài tưởng niệm ghi nhận chiến công của người dây nơi đây. Bức tượng đồng người mẹ bồng con, chân đạp lên quả bom thể hiện ý chí mãnh liệt, vượt qua đau thương mất mát không từ ngữ nào tả được. Đài tưởng niệm Khâm Thiên hiện nằm tại vị trí của ba số nhà 47, 49 và 51 bị đánh sập năm 1972.
Hiện nay, Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội) đã trở thành một trong những tuyến đường lớn dẫn vào trung tâm Thủ đô. Nhà hàng, khách sạn mọc lên san sát cùng sự nở rộ của các loại hình dịch vụ khiến con phố ngày một sầm uất. Người người nhà nhà sinh sống đông đúc và nhộn nhịp hơn bao giờ hết trên con phố này.
Bệnh viện Bạch Mai
Bệnh viên Bạch Mai, một trong những điểm bị tàn phá nặng nề nhất, đã phải hứng chịu 4 đợt ném bom của máy bay B52, trong đó quan trọng nhất là vào 4 giờ sáng ngày 22/12/1972, Mĩ đã huy động 24 lần chiếc máy bay B52 và 36 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống vào đánh nơi đây.
Đến tận bây giờ, sau 50 năm, hàng ngày, vẫn rất đông các bác sỹ, bệnh nhân, Nhân dân đến thắp hương trước Bia căm thù giặc Mỹ được dựng tại khuôn viên Bệnh viện Bạch Mai, để tưởng nhớ những người bác sỹ tay đã anh dũng hy sinh, góp phần làm nên chiến công vĩ đại của dân tộc.
Trải qua những năm tháng khó khăn, đội ngũ y bác sĩ và nhân viên nơi đây đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu đưa Bệnh viện Bạch Mai trở thành một trong những bệnh viện hàng đầu cả nước. Nhờ những thành tích xuất sắc, Bệnh viện Bạch Mai đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...
Cầu Long Biên
Là một trong những tuyến đường huyết mạch của Hà Nội, cầu Long Biên thường xuyên trở thành mục tiêu đánh phá của giặc. Trong chiến dịch Linebacker II năm 1972, Mỹ ném bom 4 lần, phá hủy 1.500 m cầu và 2 trụ cầu.
Đó là một chiều tháng 8/1967, khi người dân Hà Nội đang tấp nập qua lại cầu Long Biên thì các tốp máy bay Mỹ bất ngờ ập đến đánh phá. Các trận địa phòng không bảo vệ kiên cường bắn trả nhưng các nhịp cầu 14, 15, 16 đã trúng bom và có nhịp bị đổ hoàn toàn. Các phần thi thể bắn tung tóe trên mặt cầu chưa bị sập. Có xác người còn bị hất tung xuống lòng sông đang chảy xiết giữa mùa mưa lũ.
Cầu Long Biên |
Hiện nay, cầu Long Biên vẫn là một trong những cây cầu lớn và quan trọng của Thủ đô. Cầu bắc ngang sông Hồng, nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên.
Cây cầu được gọi với danh xưng “chứng nhân lịch sử” của nước ta. Trải qua bao thăng trầm của thời gian cùng biến cố lịch sử, cầu Long Biên vẫn hiên ngang và trở thành một trong những biểu tượng khi nhớ về Hà Nội.