Nửa thế kỷ nặng lòng với Hà Nội
Trao Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội” năm 2022 Cháy mãi một tình yêu Hà Nội Thư viện sách báo cổ cho những người yêu Hà Nội |
Bài học đầu tiên về Hà Nội
Những ngày cuối năm, tôi có dịp tới thăm GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, nguyên Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và Phát triển Thủ đô. Căn phòng của ông đầy ắp sách, nằm khiêm tốn trong dãy nhà cũ của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, nơi ông đã gắn bó nửa thế kỷ với công việc giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Ở tuổi 70, khi những người bạn cao niên đồng học ngơi nghỉ thì vị giáo sư vẫn ngày ngày lên lớp giảng bài cho sinh viên và dành hết tâm huyết cho những công trình khoa học với các phát hiện mới về lịch sử Hà Nội.
Mở đầu câu chuyện, giáo sư Nguyễn Quang Ngọc kể với tôi về việc quy hoạch đô thị Hà Nội, đến những phát hiện thú vị về mảnh đất Cổ Loa. Ông nói, Đông Anh là vùng đất hội tụ cao nhất các yếu tố, điều kiện văn hóa, lịch sử để trở thành đô thị văn minh, hiện đại theo đúng xu thế phát triển trên thế giới.
Đáng chú ý, khu vực Đầm Vân Trì nối giữa Cầu Nhật Tân và Cổ Loa, có địa mạo, địa chất đặc biệt bởi nơi đây từng là lòng sông cổ, có tuổi đời trên 1 vạn năm, đủ điều kiện để xây dựng đô thị hiện đại.
GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc |
“Cấu trúc thành Cổ Loa rất đặc biệt với hệ thống hào nước, hệ thủy liên quan đến dòng sông Hồng, đời sống kinh tế, văn hóa của người Việt, thuộc loại hàng đầu trên thế giới. Khi làm tổng chủ biên cuốn Dư địa chí Đông Anh, tôi từng đề xuất: phải khôi phục lại toàn bộ hệ thủy của Cổ Loa.
Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có một hình dung đầy đủ về kinh đô đầu tiên thời đại dựng nước của dân tộc. Điều này có ý nghĩa to lớn, phát huy được giá trị lịch sử của Công viên lịch sử văn hóa Cổ Loa” – GS Nguyễn Quang Ngọc say sưa kể.
Có lẽ, những ai biết đến GS Nguyễn Quang Ngọc đều hiểu vì sao ông lại đam mê nghiên cứu về lịch sử Hà Nội đến vậy. Đặc biệt, với Cổ Loa, ông có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Hơn 50 trước, sau khi tốt nghiệp phổ thông hệ 10 năm tại Hải Phòng, vốn mê Toán từ nhỏ nhưng định mệnh lại dẫn dắt cậu học trò Nguyễn Quang Ngọc đến với môn Sử.
“Khi tôi vào học khoa Sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, bài học đầu tiên là Nhập môn Khảo cổ học của thầy Trần Quốc Vượng. Tôi còn nhớ như in phong cách giảng bài cuốn hút đến kỳ lạ của thầy và cuối buổi, thầy khẽ nhắc học trò: “Bây giờ ăn cơm Hà Nội, uống nước Hà Nội, thì nhớ trả nợ nguồn cho Hà Nội. Tôi yêu môn Sử và gắn bó với Hà Nội ngay từ bài học đầu tiên này”, vị giáo sư trầm ngâm kể.
GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc và đồng nghiệp |
Thế rồi, trong những chuyến thực tập khảo cổ học ở Cổ Loa, ở Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội), được tự mình phát hiện, đào lên chiếc rìu đá, những mảnh gốm nằm sâu trong lòng đất, chàng sinh viên ấy đã mường tượng ra hình ảnh cuộc sống của người Hà Nội từ mấy nghìn năm trước.
Ông dành nhiều tâm huyết nghiên cứu về thành Cổ Loa |
“Đó là địa bàn của thời đại dựng nước đầu tiên, nơi mở đầu và là trung tâm của các cuộc đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, nơi “lắng hồn núi sông nghìn năm”, hội tụ và lan tỏa các giá trị tinh túy của đất nước và con người Việt Nam. Những bài giảng của thày cô “khai tâm” cho chúng tôi về tiến trình lịch sử đất nước phần nhiều lại tập trung vào địa bàn Hà Nội.
Các chuyến đi điền dã của chúng tôi về thời đại dựng nước đầu tiên, về nước Âu Lạc, thành Cổ Loa, An Dương Vương, đến Lý Thái Tổ định đô Thăng Long và các triều đại Lý, Trần, Lê… đều được triển khai tại Hà Nội nên tình yêu với mảnh đất này cứ lớn dần lên và tự nhiên như hơi thở vậy”, giáo sư trầm ngâm kể lại.
GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc trong những chuyến điền dã |
Những công trình nghiên cứu đặc sắc về Thăng Long - Hà Nội
Dành trọn đam mê cho khoa học, GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, nghiên cứu lịch sử phải có sử liệu làm căn cứ, nên vô cùng coi trọng công việc thực địa, bởi theo ông, chỉ khi đến địa bàn nghiên cứu, khảo sát tường tận thì viết một công trình Sử học mới “thật” được.
Trong ký ức của nhiều học trò và đồng nghiệp là hình ảnh vị giáo sư già nghiêm khắc, nhưng tận tình, đồng hành cùng họ trong những chuyến “đổ quân” về Đông Anh, đến Hoàng Thành Thăng Long để khảo sát và kết quả cuối cùng luôn các hội thảo khoa học hoành tráng, là những cuốn sách dày cộm, đầy ắp kiến thức khoa học và tính thực tiễn cao.
Hiện giáo sư Nguyễn Quang Ngọc là chủ biên hàng chục bộ sách, chủ trì hàng chục hội thảo lớn về lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Phải kể đến đó là cuốn Định Đô thăng Long -Tầm nhìn thiên niên kỷ ra mắt năm 2020 nhân kỷ niệm 1010 năm Lý Thái Tổ định đô Thăng Long; cuốn Không gian khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long: Tư liệu và nhận thức (2016); Chủ biên Bách khoa thư Hà Nội (phần mở rộng 2017)...
Những cuốn sách ấy không chỉ làm sáng tỏ một phần lịch sử của Hà Nội mà còn là cách để ông trả nghĩa cho mảnh đất này sau một nửa thập kỷ gắn bó và trưởng thành ở đây.
Lãnh đạo ĐHQGHN trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước cho GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc |
Gọi tên ngành “Hà Nội học”
Đau đáu với lời dạy của các thày như GS Trần Quốc Vượng, Phan Huy Lê, nên giáo sư Nguyễn Quang Ngọc luôn ấp ủ ý tưởng hình thành ngành Hà Nội học để xứng tầm với giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Năm 2004, khi là Viện trưởng Việt Nam học và Khoa học Phát triển, được tạo điều kiện, ông bắt đầu tổ chức các đề tài có tính liên ngành và tổng kết một số lĩnh vực về Hà Nội.
Năm 2010, Hội thảo khoa học quốc tế “Phát triển bền vững Thủ đô Hà Nội văn hiến, anh hùng, vì hòa bình” nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã đi đến quyết định xây dựng một ngành Hà Nội học liên ngành gắn với Khu vực học và Khoa học phát triển.
Ngay sau đó, ông và cộng sự thực hiện hàng loạt các chương trình khoa học cấp nhà nước KX.09, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, Chương trình Bách khoa thư Hà Nội… cùng nhiều dự án cấp thành phố, cấp cơ sở nghiên cứu về Thủ đô. Đây cũng là cơ sở cho sự ra đời ngành Hà Nội học liên ngành.
Tháng 12/2011, ông và cộng sự tổ chức thành công hội thảo “Hà Nội học – Phương pháp tiếp cận và nội dung nghiên cứu”. Dựa trên kết quả này, Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô được thành lập, trở thành địa chỉ tin cậy của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và giảng dạy về Hà Nội học trong nước và quốc tế.
Chia sẻ về ngành học này, GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, ông và cộng sự đã xây dựng được cơ sở lý luận và phương pháp luận cho ngành Hà Nội học liên ngành, biên soạn và xuất bản được Giáo trình Hà Nội học; tranh thủ sự hợp tác của Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội… xây dựng cơ sử dữ liệu và tủ sách Hà Nội học.
Dù đã nghỉ hưu nhưng GS.TS Nguyễn Quang Ngọc vẫn say mê nghiên cứu về lịch sử Hà Nội |
Sau khi ra đời, ngành Hà Nội học đã được đưa vào giảng dạy tại một số trường Đại học và phổ thông. GS Nguyễn Quang Ngọc cho rằng, Hà Nội đã đi trước các địa phương khác, chủ động xây dựng môn Hà Nội học, phù hợp với yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Vị giáo sư cũng tin tưởng, dẫu còn khó khăn, nhưng chắc chắn ngành Hà Nội học sẽ tiếp tục được hoàn thiện, đi vào ứng dụng thực tiễn, góp phần vào chiến lược phát triển toàn diện và bền vững của Thủ đô.
Tiễn tôi ra về, GS Nguyễn Quang Ngọc nói, ông vừa nhận quyết định nghỉ hưu nhưng chắc chắn “chưa hết nợ với Hà Nội”, nên sự nghiệp nghiên cứu khoa học và cống hiến cho Thủ đô vẫn chưa dừng lại.
Là người trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long thành Di sản Văn hóa thế giới, ông vẫn đau đáu, nặng trĩu một nỗi, phải cùng các nhà khoa học khác, làm sao nhanh chóng giúp Hà Nội khôi phục hoàn toàn được điện Kính Thiên và không gian Điện Kính Thiên. “Bởi nếu không làm được điều này, chúng ta sẽ có lỗi với tiền nhân và hậu thế”, vị giáo sư trăn trở.
Vì những đóng góp đặc biệt cho Hà Nội, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc được trao tặng Danh hiệu Trí thức tiêu biểu vì sự nghiệp phát triển Thủ đô (2014); Danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (2014); Danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú (2020). Ông cũng được Thủ tướng Chính phủ 3 lần tặng Bằng khen (2001, 2010, 2011), Chủ tịch nước tặng HCLĐ Hạng Nhì (2013), HCLĐ hạng Nhất (2022). |