Phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng phải bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên họp đánh giá kết quả năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU của Thành uỷ khoá XVII về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị TP trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025”, diễn ra sáng nay (20/12).
Tham dự phiên họp có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong cùng các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy.
Quang cảnh phiên họp |
Kiểm tra 1.581 tổ chức Đảng, 599 đảng viên
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2022, Ban Chỉ đạo Chương trình 01-CTr/TU đã giao 11 cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng 34 đề tài, đề án, chuyên đề, kế hoạch để triển khai các nhiệm vụ. Đến nay, có 29/34 nội dung hoàn thành; Còn lại 5 nội dung đang được các cơ quan thực hiện.
Trong năm 2022, toàn Đảng bộ TP đã kết nạp 10.183 đảng viên (đạt 108,7% kế hoạch); thành lập 99 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (đạt 145,6% kế hoạch); Củng cố 28/39 tổ chức cơ sở Đảng theo tinh thần Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Ban Thường vụ Thành ủy.
Thành ủy cũng đã chỉ đạo hoàn thành Đề tài khoa học về “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên Đảng bộ TP Hà Nội - Thực trạng, nhiệm vụ và giải pháp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”; Triển khai 2 phần mềm “Quản lý hồ sơ cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý” và “Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng tháng”; Tiếp tục xây dựng 2 phần mềm “Điều hành, tác nghiệp quản lý đảng viên ở Đảng bộ TP Hà Nội” và “Sổ tay điện tử đảng viên”.
Thành ủy đã chỉ đạo thành công Đại hội tại 17.341/17.341 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025; Đại hội Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhiệm kỳ 2021-2026; Đại hội Hội Liên hiệp các tổ chức Hữu Nghị TP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu Chiến binh nhiệm kỳ 2022-2027.
Thành viên Ban Chỉ đạo thảo luận tại phiên họp |
Đáng chú ý, trong năm 2022, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 1.581 tổ chức Đảng, 599 đảng viên; Giám sát đối với 949 tổ chức Đảng, 575 đảng viên, tập trung vào việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng; Việc thực hiện quy chế làm việc; Việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; Công tác cán bộ; Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện 2 cuộc kiểm tra, 1 cuộc giám sát đối với 35 tổ chức Đảng và 42 đảng viên. Cùng với đó, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm đối với 145 tổ chức đảng và 334 đảng viên. Kết luận 65 tổ chức đảng và 196 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 11 tổ chức đảng và 153 đảng viên.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích kỹ về những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong thực hiện Chương trình 01-CTr/TU, đặc biệt là 5 đề án, chuyên đề chưa hoàn thành; Năng lực lãnh đạo, tính năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ còn chưa cao; Việc chuyển đổi số còn chậm, hầu hết các chỉ tiêu về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan Nhà nước, hướng đến chính quyền số còn đạt thấp; Cơ chế liên thông, phối hợp giữa cấp và ngành, giữa các cấp còn thiếu chặt chẽ và đồng bộ.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận, góp ý kiến vào 9 nhiệm vụ trọng tâm của Ban Chỉ đạo trong năm 2023…
Khẩn trương hoàn thành 5 đề án, chuyên đề
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, biểu dương các thành viên Ban Chỉ đạo trong năm qua đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, có nhiều cố gắng, đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ. Qua đó, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện Chương trình 01 và thành tích chung của TP trên các lĩnh vực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo |
Về nhiệm vụ năm 2023, Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị khẩn trương hoàn thành 5 nội dung Ban Chỉ đạo yêu cầu nhưng chưa hoàn thành. Các cấp ủy tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ bảo đảm tiến độ, thực chất, hiệu quả, làm rõ được ưu điểm để tiếp tục phát huy và tổ chức thực hiện tốt việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo quy định; Tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của Ban Chỉ đạo của Thành ủy về phòng chống tham nhũng tiêu cực.
Ban Cán sự Đảng UBND TP, các ban Đảng Thành ủy tham mưu ban hành đầy đủ các chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; Đôn đốc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra.
Bí thư Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo. Cụ thể hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”; Cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, gắn với kiểm soát quyền lực và phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ. Đặc biệt, phải gần dân, lắng nghe người dân trong thực thi nhiệm vụ.
Các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp kiện toàn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp theo Nghị quyết số 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Tiếp tục làm tốt công tác đảng viên.
Bí thư Thành ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND TP tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng điểm như: trình Luật Thủ đô (sửa đổi); Giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đúng tiến độ; Hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Triển khai thực hiện Nghị quyết về chuyển đổi số gắn với phân cấp, ủy quyền; Xử lý các dự án chậm tiến độ; Thực hiện Đề án của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường quản lý tài sản công…
Đặc biệt, các đươn vị tập trung xây dựng và ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các Sở, ngành, trước hết tập trung vào 4 Sở (Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch và Đầu tư; Quy hoạch và Kiến trúc; Xây dựng)…