Phát huy nghề truyền thống, chàng trai Phú Xuyên thu về cả tỉ đồng
Nhiều hoạt động đặc sắc tại Festival nghề truyền thống Quảng Nam |
Kế thừa truyền thống
Hiếu là cháu đời thứ tư của cụ Nguyễn Mạc, cụ tổ của nghề giày da thôn Giẽ Hạ (xã Phú Yên, Phú Xuyên, Hà Nội), người thành lập ra cơ sở sản xuất giày da Nguyễn Mạc lớn nhất miền Bắc những năm 1930. Vì thế, ngay từ khi còn bé xíu chàng trai trẻ đã quen với tiếng gõ, tiếng búa của làng nghề sản xuất giày da. Tuổi thơ của Hiếu là một chiều lên lớp, một chiều phụ cha mẹ làm ra những đôi giày da.
Với định hướng từ sớm sẽ trở về kế nghiệp cơ sở sản xuất và kinh doanh giày da của gia đình nên Hiếu quyết định thi vào khoa Thương mại điện tử, trường Đại học Thương mại. Năm 2017, chàng trai trẻ lấy bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh và trở về quê khởi nghiệp. “Thời điểm đó thị trường giày da đã bão hòa. Mình muốn thành công phải có sự khác biệt so với các sơ sở ở làng”, Hiếu cho biết.
Nguyễn Mạnh Hiếu được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2023 |
Sau khi tìm hiểu, Hiếu quyết định đi con đường riêng là tập trung vào sản xuất đế giày. Theo chàng trai trẻ, ở làng nghề, đế giày từ trước tới nay hầu như đều phải nhập của Trung Quốc. Một số cơ sở đã sản xuất đế giày nhưng chất lượng không đạt tiêu chuẩn nên giày rất nhanh hỏng. Nếu nhập của Trung Quốc thì giá thành cao, vì vậy, Hiếu quyết định mở xưởng sản xuất đế giày có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu nhưng giá thành chỉ bằng một nửa.
Chọn hướng đi riêng đồng nghĩa với việc Hiếu chọn sự khó khăn, vất vả nhiều hơn. Sản xuất thành công đế giày có chất lượng tốt mới chỉ là bước đầu, bài toán khó với chàng trai trẻ là làm sao thuyết phục được khách hàng tin dùng sản phẩm. Khi Hiếu đi chào hàng, rất nhiều cơ sở thắc mắc tại sao cùng một sản phẩm giá bên xưởng của chàng trai trẻ lại cao hơn những nơi khác. Bên cạnh đó, muốn dùng sản phẩm đế giày do xưởng của chàng trai trẻ sản xuất họ phải thay đổi rất nhiều công đoạn, kể cả khâu maketting nên dẫn đến tâm lý e ngại.
Tạo sự khác biệt…
Để thuyết phục được khách hàng, Hiếu không ngần ngại chở đến tận nơi, cung cấp mẫu miễn phí, cùng họ trải nghiệm để thấy chất lượng sản phẩm xứng đáng với giá tiền. “Muốn khẳng định chất lượng sản phẩm cần rất nhiều thời gian, không phải một tháng, hai tháng mà phải một đến hai năm. Khoảng thời gian đó rất nhiều lần mình cảm thấy chán nản. Thậm chí đã có lúc mình muốn từ bỏ quay về sản xuất hàng giá rẻ. Tuy nhiên, mình lại nghĩ nếu làm theo số đông mình sẽ không có gì khác biệt. Vì vậy, mình quyết tâm đi theo con đường đã chọn”, Hiếu chia sẻ.
Nguyễn Mạnh Hiếu |
Sẵn sàng chịu thiệt, Hiếu đồng hành cùng khách hàng bằng cách cung cấp sản phẩm để họ trải nghiệm. Sau gần 2 năm kiên trì, chàng trai trẻ đã có được sự tin tưởng, nhiều khách hàng sau khi dùng sản phẩm đã giới thiệu cho người khác.
Vượt qua thách thức, hiện cơ sở sản xuất của Hiếu đã đa dạng hóa các mặt hàng. Chàng trai trẻ cũng phân các bộ phận khác nhau để chuyên môn hóa phục vụ khách hàng tốt hơn, đồng thời mở rộng kinh doanh, đưa sản phẩm giày da truyền thống thôn Giẽ Hạ đến người tiêu dùng trên khắp cả nước. Hiện cơ sở sản xuất của Hiếu có doanh thu cả tỉ đồng/ năm, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động thường xuyên và 20 lao động thời vụ thu nhập bình quân 15 - 20 triệu đồng/ người/tháng.
Với sự nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh, năm 2018, Hiếu được các nghệ nhân trong làng tin tưởng giao đảm nhiệm vị trí Hội trưởng Hội da giày ở địa phương. Sau đó, chàng trai trẻ được tín nhiệm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Yên. Ở cương vị này, chàng trai trẻ cùng tập thể tích cực tổ chức các hoạt động thúc đẩy kinh tế địa phương, đưa sản phẩm làng nghề truyền thống vươn xa như: Tổ chức các lớp dạy nghề, hỗ trợ bà con vay vốn qua ngân hàng chính sách, tạo ra sản phẩm đặc sắc thu hút khác du lịch đến trải nghiệm làng nghề…
Từ những thành tích xuất sắc đã đạt được, Hiếu đã được Thành đoàn Hà Nội trao tặng danh hiệu “Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu” năm 2023. Đây là động lực để chàng trai trẻ phấn đấu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để giày dép da Giẽ Hạ không chỉ có mặt ở thị trường trong nước mà vươn ra thế giới.