Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu tại miền núi và hải đảo
Tăng hiệu ứng lan tỏa sản phẩm hàng hóa đến đông đảo người tiêu dùng
Nằm trong chuỗi sự kiện về Hội chợ Triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 22 (AgroViet 2022), Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại và Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cùng phối hợp tổ chức hội nghị “Tuyên truyền, quảng bá hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo năm 2022”.
Hội nghị chính là hoạt động thuộc Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021.
Theo ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Nông nghiệp, Hội nghị lần này được tổ chức nhằm tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, đặc sản, có lợi thế và tiềm năng tại các địa bàn miền núi và hải đảo.
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại nông nghiệp |
Thông qua hội nghị sẽ góp phần cung cấp các thông tin về thực trạng và tiềm năng sản xuất, kinh doanh các sản phẩm của các huyện miền núi, huyện đảo, làm tăng hiệu ứng lan tỏa đến đông đảo người tiêu dùng, góp phần đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm miền núi và hải đảo và thu hút đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các huyện miền núi, huyện đảo.
Cũng theo ông Dự, đây còn là cơ hội để các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng thương nhân, doanh nghiệp thảo luận, chia sẻ các kinh nghiệm, khó khăn trong thực tiễn quá trình triển khai Chương trình. Đồng thời đề xuất các hình thức tuyên truyền, quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Đặc biệt, thông qua hội nghị, các bộ ngành, địa phương sẽ kiến nghị một số giải pháp, chính sách khuyến khích, ưu đãi nhằm đẩy mạnh tiêu thụ những sản phẩm, mặt hàng là lợi thế của khu vực miền núi và hải đảo, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong những năm tiếp theo.
Thảo luận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp, Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương, nêu rõ: Những năm qua, các chương trình hỗ trợ phát triển thương mại miền núi, hải đảo đã đem lại kết quả tích cực về sản xuất, phân phối và tiêu dùng trên các địa bàn còn nhiều khó khăn.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Trưởng phòng Tiểu thủ công nghiệp, Cục Công thương địa phương, Bộ Công thương |
Chương trình không chỉ kết nối các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông, lâm, thủy sản của khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo mà thông qua tổ chức hội nghị, hội thảo còn hình thành, định hình vùng tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Bà Hương kiến nghị, muốn phát triển được thương mại nông thôn, miền núi, hải đảo thì phải phát triển sản xuất các sản phẩm hàng hóa có chất lượng, hiệu quả; Cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu với thông tin cho nông sản vùng dân tộc và miền núi, hải đảo, xây dựng hệ thống phân phối bài bản, thường xuyên, liên tục, có tính điều phối vùng miền để phát triển thương mại miền núi, hải đảo bền vững.
Bên cạnh kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng, cần tập trung vào các điểm mới đó là: kết hợp cho các nghiệp phân phối, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, nông sản có chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ; Bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ thành phẩm đặc trưng vùng miền hiện đại, bền vững.
Tiếp tục quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho hay, để tiếp tục thúc đẩy hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, năm 2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương) |
Mục tiêu cụ thể của chương trình trong cả giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9 - 11% hàng năm; Phát triển các sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu là đặc trưng, đặc sản, tiềm năng, lợi thế của khu vực; Khuyến khích, phát triển thương nhân, doanh nghiệp có năng lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, mỗi năm tăng trung bình 8 - 10%.
“Chương trình hiện được triển khai thực hiện trên phạm vi 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những khu vực có đặc thù địa lý xa xôi, mật độ dân cư thưa thớt, hạ tầng chưa phát triển và nội lực còn hạn chế, gây nhiều trở ngại cho việc thu hút đầu tư và phát triển thương mại”, ông Đông thông tin.
Ông Đông cho biết thêm, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại nhưng trên thực tế, tiềm năng sản xuất hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo rất lớn bởi diện tích, vị trí địa lý trải dài từ Bắc tới Nam, từ miền núi đến hải đảo với nhiều sản vật được thiên nhiên ban tặng.
Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất tại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá có giá trị, được chứng nhận nhãn hiệu tập thể và bảo hộ chỉ dẫn địa lý, không chỉ đáp ứng nhu cầu tại địa phương mà còn được đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
“Trong đó, nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản như xoài tròn Yên Châu, vải Lục Ngạn, nhãn Sông Mã… đã được chú trọng phát triển thương hiệu và xuất khẩu thành công sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc, Châu Âu… góp phần quan trọng trong việc nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho người nông dân”, ông Đông nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm vùng miền tại các địa phương đã chia sẻ thông tin, thảo luận kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp; Đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý tiếp tục triển khai các hình thức tuyên truyền, quảng bá để kết nối hiệu quả các sản phẩm vùng miền tới gần hơn với người tiêu dùng trong và ngoài nước, hỗ trợ hoạt động sản xuất và kinh doanh sản phẩm vùng miền của các doanh nghiệp.