Phát triển sản phẩm OCOP gắn liền với truyền thống, văn hóa địa phương
Phát triển sản phẩm OCOP theo hướng chuyên nghiệp
Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Thị Thu Hiền, đến hết năm 2023, huyện Đan Phượng có 100 sản phẩm được công nhận 3 sao trở lên, trong đó, 27 sản phẩm đạt 4 sao, 73 sản phẩm đạt 3 sao, tiêu biểu như sản phẩm nấm của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh, nem Phùng Thái Cam, kẹo lạc Bảo Ngọc...
Tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm, chủ thể được tư vấn, hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm về bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...
Các sản phẩm đã công nhận đạt sao được hỗ trợ tham gia các sự kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm do thành phố tổ chức, được tập huấn kiến thức, kỹ năng bán hàng online..., góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Tham gia đánh giá, phân hạng lần này, huyện Đan Phượng có 6 sản phẩm đến từ 5 chủ thể. Ảnh: Minh Phú |
Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, năm 2024, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành chuyên môn và UBND các xã tuyên truyền và hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm đăng ký dự thi chương trình OCOP năm 2024.
Tham gia đánh giá, phân hạng lần này, có 6 sản phẩm đến từ 5 chủ thể. Trong đó, có 3 sản phẩm đánh giá lại và 3 sản phẩm đánh giá lần đầu.
Cụ thể, 3 sản phẩm đánh giá lại gồm: Nấm hương của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng), nem chua và nem Phùng của hộ kinh doanh Hải Phở (thị trấn Phùng).
3 sản phẩm đánh giá lần đầu: Mật ong Hoa Nhãn của Hợp tác xã ong Tuấn Minh (xã Đan Phượng), nem Phùng bà Thành Mắm của hộ kinh doanh Nem Phùng bà Thành Mắm (thị trấn Phùng), kẹo lạc Như Ngọc của hộ kinh doanh Đỗ Văn Ngọc (xã Song Phượng).
Kết quả, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP của huyện Đan Phượng đã đánh giá một sản phẩm OCOP tiềm năng 4 sao là nấm hương của chủ thể Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh (xã Đan Phượng); 5 sản phẩm còn lại của các chủ thể đạt OCOP 3 sao.
Theo Phòng Kinh tế huyện Đan Phượng, huyện có 7 làng đã được UBND thành phố công nhận làng nghề và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, còn có hàng chục làng khác có nghề. Đây là tiềm năng rất lớn để phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, xây dựng Nông thôn mới.
Hỗ trợ xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP
Thực hiện Chương trình OCOP, huyện Đan Phượng đã đẩy mạnh tuyên truyền và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ cá thể phát triển ý tưởng, đăng ký tham gia. Theo UBND huyện Đan Phượng, trên địa bàn huyện có 100 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận; trong đó, nhóm thực phẩm có 69 sản phẩm, nhóm đồ uống có 9 sản phẩm, nhóm thảo dược có 7 sản phẩm, nhóm thủ công mỹ nghệ có 15 sản phẩm.
Sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, các chủ thể tiếp tục được thành phố, huyện hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, hỗ trợ tem OCOP có gắn mã QR. Các chủ thể cũng được cung cấp thông tin và hỗ trợ tham gia các chương trình kết nối, trưng bày quảng bá sản phẩm do trung ương và thành phố tổ chức. Huyện cũng kết nối cho các chủ thể gặp gỡ các nhà bán lẻ là trung tâm thương mại, siêu thị để liên kết, đưa sản phẩm tới người tiêu dùng...
Nấm sò nâu của Hợp tác xã nấm Nghĩa Minh đạt chuẩn OCOP 4 sao năm 2023. |
Ông Nguyễn Văn Long (làng nghề chế biến nông sản Bá Dương Nội, xã Hồng Hà) chia sẻ: Sau khi sản phẩm rượu nếp được chứng nhận OCOP, việc sản xuất của gia đình duy trì ổn định và có tăng trưởng hơn về giá trị. Còn với sản phẩm hoa đồng tiền của Hợp tác xã Hoa đồng tiền Đồng Tháp có doanh thu trung bình 2 tỷ đồng/năm, nhiều hơn so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP.
Tuy nhiên, việc thực hiện Chương trình OCOP ở Đan Phượng cũng còn những khó khăn, hạn chế nhất định. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chưa thực sự mặn mà tham gia. Nguyên nhân do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính thời vụ, không đáp ứng được nhu cầu số lượng lớn và thường xuyên của thị trường; nhiều hộ sản xuất chưa thấy được lợi ích nên chưa tích cực, chủ động tham gia.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, thời gian tới, UBND huyện Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, trực tiếp là Phòng Kinh tế phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn người dân tham gia Chương trình OCOP.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết: “Trong năm 2024, huyện đánh giá 5 sản phẩm OCOP và tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chọn lợi thế của địa phương, gia đình, đặc biệt là sản phẩm từ làng nghề truyền thống để dự thi. Đồng thời, huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện ra thị trường”.