Những sản phẩm OCOP đặc sắc văn hóa Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đi thăm và kiểm tra các gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của Thủ đô |
Qua kiểm tra và khảo sát, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá cao sự chỉn chu và thẩm mỹ của các gian hàng. Đồng thời, đồng chí nhấn mạnh, đây là dịp rất thuận lợi, là cơ hội để đại diện các làng nghề, doanh nghiệp giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của Thủ đô đến với người dân TP Hồ Chí Minh và du khách trong, ngoài nước.
“Gian hàng cần phải chuẩn bị chu đáo và trưng bày đa dạng những sản phẩm của Thủ đô, giới thiệu tường tận về nguồn gốc lịch sử từng sản phẩm đến với du khách và người dân TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đối với các gian hàng ẩm thực cần chú trọng về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng nán lại thưởng thức trà và kem cốm tại gian hàng của Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tuyết.
Tiếp Phó Chủ tịch UBND TP, nghệ nhân Phạm Thị Tuyết cho biết: “Tôi tự hào và vinh dự khi được TP lựa chọn để mang những sản phẩm đặc trưng, những tinh hoa văn hóa ẩm thực của người Hà thành vào TP Hồ Chí Minh giới thiệu”.
Cũng theo nghệ nhân Phạm Thị Tuyết, vì Hà Nội đang vào Thu nên bà mang đến cho người dân TP Hồ Chí Minh và du khách những sản phẩm mang đặc trưng của mùa thu Hà Nội, đó là cốm và sen (trà sen, bánh cốm, kem cốm).
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền trò chuyện và thưởng thức trà tại gian hàng của Nghệ nhân Nhân dân Phạm Thị Tuyết |
Bà Phạm Thị Tuyết là người đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể năm 2022. Bà được biết đến với những đóng góp thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của ẩm thực Hà Nội.
Qua bàn tay của bà, các món ăn truyền thống Việt Nam như phở, nem, bún chả... vốn đã đặc sắc lại trở nên đầy sức sống với sự cầu kỳ và đặc biệt tinh tế .
Đóng góp của bà được ghi nhận qua các hoạt động phong phú, từ kinh doanh nhà hàng ẩm thực truyền thống; hướng dẫn thực hành nấu ăn và huấn luyện chuyên sâu về các món ăn truyền thống Hà Nội; hiện diện trên các phương tiện truyền thông để giới thiệu, lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc trong ẩm thực tới thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế; tham gia các hiệp hội nghề nghiệp để góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị ẩm thực truyền thống…
Đối với người nghệ nhân, tình yêu quê hương đất nước, với các món ăn truyền thống chứa đựng đầy ắp các trị văn hóa, là động lực lớn nhất trong hành trình hơn 60 năm làm nghề.
Đa dạng các gian hàng OCOP được Phó Chủ tịch TP Hà Nội khảo sát |
Còn theo nghệ nhân Nguyễn Thị Hiền - chủ nhân của gian hàng ẩm thực “Bún ốc bà ngoại”: Tham gia chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, bà vô cùng xúc động. Trước khi chuẩn bị món ăn để mang vào phục vụ đồng bào và du khách tại TP Hồ Chí Minh, bà Hiền cảm thấy hào hứng như muốn trở về với những người thân của mình mỗi lúc đi xa.
“Mỗi món ăn của gia đình nhà tôi và cũng như các nghệ nhân ở đây đều chứa đựng những tình cảm thân yêu từ trái tim đối với người dân TP Hồ Chí Minh. Riêng món "Bún ốc bà ngoại" của của gia đình, nó chứa đựng tất cả những tinh hoa của người Hà thành.
Trong bát bún ốc này không chỉ đơn giản là con cá, lá rau, con ốc… mà còn mang hương vị ngát mùi đất nước. Tất cả thực khách đã ăn bát bún ốc này, dù người đi xa, kẻ ở gần cũng đều cảm thấy sự bình dị của văn hóa Việt Nam, điều đó rất đáng tự hào”, bà Hiền nói.
Tương tự, Nghệ nhân Ưu tú Phan Thị Thuận chia sẻ: “Tôi rất vinh dự khi được UBND TP Hà Nội lựa chọn, mời tham gia chương trình “Những ngày Hà Nội ở TP Hồ Chí Minh”.
Qua chương trình, tôi có thêm cơ hội giới thiệu về những sản phẩm làng nghề truyền thống gia đình để lại đó là trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa với du khách và người dân TP Hồ Chí Minh. Ngoài việc giới thiệu các sản phẩm, chúng tôi cũng biết thêm về văn hóa của người dân thành phố mang tên Bác, qua đó gắn kết thêm tinh thần đoàn kết dân tộc Việt Nam”.
Trong khi đó, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử - đại diện cơ sở thủ công mỹ nghệ lược sừng Mười Sử trải lòng: “Chúng tôi rất vinh hạnh khi được Ban Tổ chức tin tưởng, lựa chọn để mang những sản phẩm từ làng nghề truyền thống của Hà Nội vào miền Nam triển lãm, trưng bày, giới thiệu nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Những sản phẩm của chúng tôi đều được chế tác từ nguyên liệu tự nhiên.
Đây là những sản phẩm rất an toàn, thân thiện, đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ của người dùng. Dù chương trình chưa chính thức khai mạc nhưng hiện đã có rất nhiều người dân và du khách ghé thăm, mua sản phẩm”.
Ghi nhận của phóng viên trong buổi đầu diễn ra chương trình “Những ngày Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh”, nhiều du khách trong và ngoài nước đã rất thích thú, ấn tượng với không gian trưng bày, tiểu cảnh tái hiện những di tích lịch sử như: Cầu Long Biên, chùa Một cột, Khuê Văn Các… mang đậm nét văn hóa Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.
Chia sẻ với phóng viên, bạn Như Ngọc đến từ tỉnh Long An cho biết: “Tôi rất ấn tượng với không gian trưng bày của chương trình. Tôi cũng chưa có dịp ra thăm Thủ đô Hà Nội nhưng qua chương trình này đã biết thêm nhiều về văn hóa, ngành nghề, món ăn… mang đậm nét Thủ đô ngàn năm văn hiến”.
Chương trình “Quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết hợp quảng bá xúc tiến du lịch liên kết Thủ đô Hà Nội - TP Hồ Chí Minh” diễn ra từ ngày 23 - 25/8 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1). Chương trình sẽ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc gồm: Sản phẩm “xưa” thể hiện giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống và sản phẩm “nay” thể hiện sự hội nhập, phát triển, như: Gốm sứ Bát Tràng; gỗ và sơn son thếp vàng Sơn Đồng; đúc đồng Ngũ Xã; lụa Vạn Phúc; sơn mài Hạ Thái; mây tre đan Phú Vinh; tơ tằm Phùng Xá; kim hoàn Hàng Bạc… Ngoài ra, chương trình còn có trình diễn của một số làng nghề khác như: Chuồn chuồn tre Thạch Xá; nón Làng Chuông; tò he Phượng Dực… Du khách tham quan khu vực trưng bày giới thiệu sản phẩm còn được nghe các nghệ nhân, thợ giỏi trình diễn nghề, kể những câu chuyện về sản phẩm; được trải nghiệm làm thử sản phẩm… |