Phát triển sản phẩm OCOP gắn với giá trị của làng nghề truyền thống
Nhiều tiềm năng để phát triển
Với lợi thế có 1.350 làng nghề truyền thống và làng có nghề, Hà Nội rất tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như tại huyện Chương Mỹ, chính quyền địa phương đã khai thác lợi thế từ các làng nghề truyền thống. Huyện đã lựa chọn, đánh giá được 104 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó, chiếm số lượng lớn là các sản phẩm mây, tre, giang đan của các nghệ nhân làng nghề Phú Vinh (xã Phú Nghĩa).
Mỗi sản phẩm của làng nghề truyền thống đều mang dáng dấp và vẻ đặc trưng riêng của vùng miền. Như làng nghề mây tre đan Phú Vinh, việc đan mây tre đã gắn bó với người dân nơi đây từ lâu đời. Các sản phẩm đan truyền thống làng Phú Vinh tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc. Từ đó tạo nét khác biệt cho các sản phẩm này so với những sản phẩm trên thị trường, nhất là kỹ thuật đan.
Các sản phẩm đan truyền thống làng Phú Vinh tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt và không có yếu tố của máy móc |
Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Việt Quang cho biết: Các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có.
Bên cạnh làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng nghề gốm sứ Bát Tràng - một trong những làng nghề có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước đã và đang phát triển nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đạt chất lượng cao. Hiện các sản phẩm của làng nghề Bát Tràng không chỉ đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước mà còn tiếp cận tới nhiều thị trường khó tính và khắt khe trên thế giới, từ đó đưa thương hiệu gốm Bát Tràng ngày càng phát triển.
Theo bà Hà Thị Vinh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ mỹ nghệ xuất khẩu Quang Vinh trụ sở tại Bát Tràng Gia Lâm cho biết: Giá trị của chương trình OCOP là để thúc đẩy các sản phẩm của địa phương, ở các vùng miền có những đặc sản, có truyền thống. Như gốm Bát Tràng được sản xuất bởi các chủ thể của làng Bát tràng, họ sẽ có những bí kíp riêng để nạp lên những sản phẩm độc quyền. Từ đó, giá trị thương hiệu sản phẩm sẽ rất cao.
Theo Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, lũy kế đến nay, thành phố đã có 2.167 sản phẩm OCOP được công nhận. Trong đó có 1.871 sản phẩm OCOP còn hiệu lực (bao gồm 6 sản phẩm 5 sao, 11 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.162 sản phẩm 4 sao, 692 sản phẩm 3 sao).
Với số lượng này, Hà Nội không chỉ là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP (đạt từ 3 sao trở lên), mà số sản phẩm OCOP cấp quốc gia đạt 5 sao cũng nhiều nhất.
Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Hiện nay, Hà Nội còn 806 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 321 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Hà Nội cũng có hơn 11.000 sản phẩm nông sản, thực phẩm đã gắn mã truy xuất nguồn gốc QR Code; Có 164 mô hình ứng dụng công nghệ cao; 149 mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp… Đó là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm OCOP.
Làng nghề gốm sứ Bát Tràng - một trong những làng nghề có số lượng nghệ nhân đông nhất cả nước đã và đang phát triển nhiều sản phẩm độc đáo, tinh xảo và đạt chất lượng cao |
Không chỉ với các sản phẩm nông sản, sản phẩm làng nghề ở ngoại thành, ngay trong nội thành, các địa phương cũng có những lợi thế riêng. Chẳng hạn, các sản phẩm OCOP độc đáo, như: Trà sen Tây Hồ, bánh trung thu Bảo Phương, cá kho chợ Hàng Bè, đào, quất Nhật Tân, bún ốc Bà Ngoại… đã được đánh giá, phân hạng OCOP các năm qua.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cũng lưu ý các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ các chủ thể đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm đã hết thời hạn (36 tháng). Tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp những sản phẩm OCOP đã được đánh giá, phân hạng hằng năm để dự thi nâng hạng sản phẩm OCOP.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.
Với sự vào cuộc đồng bộ, chủ động của các cấp, các ngành và các chủ thể, chắc chắn thành phố sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Bài viết được hoàn thành với sự hỗ trợ của cộng tác viên Nguyễn Doãn Đức |
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |