Phong trào thi đua yêu nước ngày càng đổi mới, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực
Sáng 10/12, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, báo cáo tóm tắt tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng trong 5 năm (2016 - 2020), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch nước - Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực tiếp tục phát triển sâu rộng, có nhiều đổi mới, sáng tạo và hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhất là từ đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 xảy ra trên toàn cầu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, xã hội của các quốc gia, trong đó có Việt Nam; Thực hiện lời dạy của Bác “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các ngành, các cấp và Nhân dân cả nước đã ra sức thi đua phấn đấu, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra, kiểm soát được đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Thứ nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đọc báo cáo tổng kết phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020 |
Đặc biệt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động đã trở thành nòng cốt trong phong trào thi đua của cả nước, được các cấp, các ngành, các địa phương và đông đảo quần chúng Nhân dân hưởng ứng tham gia.
Điển hình là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng Nông thôn mới”, với nhiều mô hình mới, sáng tạo được thực hiện hiệu quả từ một đến một vài địa phương đã lan tỏa ra cả nước như: Mô hình “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP"; Mô hình “Xây dựng khu dân cư Nông thôn mới kiểu mẫu”, “Vườn mẫu” tại tỉnh Hà Tĩnh...
Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực vươn lên của các hộ gia đình đã được triển khai ở tất cả các vùng, miền, địa phương trong cả nước, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả nước xuống dưới 3%...
Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” được triển khai hiệu quả, khuyến khích khởi nghiệp, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong 5 năm qua, có hơn 630.000 doanh nghiệp thành lập mới và ngày càng nhiều các doanh nghiệp đạt các danh hiệu "Doanh nghiệp có sản phẩm, dịch vụ công nhận Thương hiệu quốc gia", "Doanh nghiệp vì người lao động"...
Phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, trách nhiệm, chuyên nghiệp, phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Các phong trào đua trong giai đoạn 2016 - 2020, với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.
Phó Chủ tịch nước cũng cho biết, công tác tuyên truyền, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến là điểm nổi bật trong 5 năm qua, góp phần tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển... Từ các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong 5 năm qua, đã khen tặng 343.727 Huân, Huy chương; 25.920 danh hiệu vinh dự Nhà nước…
Đại biểu dự Đại hội |
Có thể khẳng định, từ sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX đến nay, công tác Thi đua Khen thưởng đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần là động lực trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố tổ chức của hệ thống chính trị vững mạnh; Phong trào thi đua yêu nước được đổi mới về nội dung, hình thức, ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn; thi đua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực trong 5 năm qua…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế công tác thi đua, khen thưởng. Trong đó, một số nơi, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu chưa thật sự quan tâm công tác Thi đua - Khen thưởng; Đặc biệt là việc chỉ đạo tổ chức phong trào thi đua hoặc có nơi còn hình thức, chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị; Có nơi phát động phong trào thi đua nhưng thiếu kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết, kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tấm gương điển hình tiêu biểu…
Trong 5 năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới, phát huy truyền thống thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thành quả 5 năm qua, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tiếp tục thực hiện chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, với những nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp trọng tâm như: Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, đặc biệt là người đứng đầu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác Thi đua Khen thưởng; Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, với hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực; Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chủ trương, chính sách, pháp luật về thi đua yêu nước…