Phóng viên: Những chiến binh thầm lặng
Chuyện tác nghiệp của phóng viên thời Covid |
Xông pha vào tâm dịch
Tháng 4 vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng khủng khiếp các ca nhiễm Covid-19 mới tại Ấn Độ. Đây cũng là khoảng thời gian khó khăn đối với các nhà báo, phóng viên tại quốc gia này.
Cùng với đội ngũ y tế, nhà báo là những người đầu tiên có mặt tại các điểm nóng để đưa tin, cảnh báo trường hợp lây nhiễm đến người dân. Vì vậy, họ thuộc đối tượng nguy cơ cao dễ nhiễm dịch bệnh.
Theo số liệu chính thức của Viện Nghiên cứu Nhận thức (IPS) trụ sở tại Delhi, chỉ tính riêng trong tháng 4/2021, 52 phóng viên tại nước này đã thiệt mạng vì Covid-19. Trong khi đó, con số này suốt cả năm 2020 là 101 người. Điều này có nghĩa là trong tháng 4 vừa qua, mỗi ngày có hai nhà báo qua đời vì đại dịch Covid-19.
Nhà báo Kakoli Bhattacharya từng là nhà nghiên cứu, phiên dịch, trợ lý tin tức và cộng tác với The Guardian từ năm 2009, tích cực hỗ trợ các nhà báo, phóng viên phụ trách khu vực Nam Á tại Ấn Độ. Cô là một trong những trường hợp qua đời trong làn sóng Covid-19 thứ hai thảm khốc ở Ấn Độ cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người kể từ khi nó bùng phát vào tháng 3.
Một phóng viên đang tác nghiệp tại tâm dịch Covid-19 Ấn Độ (Ảnh: AFP) |
Ellis-Petersen, nhà báo phụ trách khu vực Nam Á của The Guardian chia sẻ: “Các nhà báo là những người đã có mặt tại hiện trường, phơi bày tình trạng thiếu oxy và giường bệnh... Những gì đang xảy ra với Ấn Độ là một lời cảnh báo rõ ràng đối với phần còn lại của thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây đang tăng tốc tiêm chủng. Lời cảnh báo đó là đại dịch vẫn chưa biến mất và đây không phải là lúc để chủ quan”.
Các hãng tin và cơ quan truyền thông hoạt động không ngừng nghỉ kể từ khi đại dịch bùng phát ở Ấn Độ. Kota Neelima, người sáng lập IPS, cho biết: “Các nhà báo không chỉ đưa tin về cuộc khủng hoảng y tế của quốc gia mà còn phải đối mặt với nó hàng ngày. Không những thế, họ vừa phải nỗ lực đưa thông tin về làn sóng dịch bệnh và vừa phải chăm lo cho sức khỏe người thân”.
Suhasini Raj, nữ phóng viên làm việc cho văn phòng New York Times ở New Delhi, kể lại rằng khi đang đi viết bài, cô nhận được tin bố chồng mắc bệnh và nồng độ oxy trong cơ thể giảm mạnh. “Trong lúc đi viết bài, tôi cũng phải chạy đi chạy lại để sắp xếp giường bệnh cho người thân”, cô nói.
Cô cho biết không ai chuẩn bị tinh thần sẵn sàng trước một thảm họa như vậy ở Ấn Độ. Thách thức lớn nhất trong quá trình tác nghiệp của cô là phải tập trung đưa tin và không bị chuyện cá nhân ảnh hưởng. Thậm chí, một nhà báo khác đã nhận được tin vợ mình tử vong khi đang đi đưa tin hiện trường về tình trạng thiếu oxy trong bệnh viện.
Phóng viên chiến trường
Dù các cuộc chiến tranh xâm lược hay bảo vệ đất nước đã lùi xa nhưng thế giới hiện nay vẫn còn rất nhiều điểm nóng xung đột, nội chiến. Vì thế, ở đó cũng không thể thiếu sự có mặt của lực lượng phóng viên chiến trường. Họ là những người hàng ngày phải lăn lộn ở những nơi có tiếng súng, tiếng bom nhằm cung cấp đến độc giả những thông tin, hình ảnh, đoạn video mới nhất về những gì đang xảy ra.
Theo nhà báo Pháp Laurent Boussie thuộc Đài Truyền hình Frances 2, người đã trở thành phóng viên chiến trường từ năm 1987, chia sẻ: “Bạn có thể phải ngồi đợi mấy ngày không có việc gì làm nhưng rồi đột nhiên, một chuyện xảy ra và có thể bạn phải làm việc suốt 48 giờ liền để phỏng vấn, quay phim… Đối với phóng viên chiến trường thì không bao giờ có 2 ngày giống nhau, cũng như không bao giờ có hai cuộc chiến giống nhau”.
Gần đây nhất (ngày 15/5 ) là vụ việc tòa nhà 12 tầng có văn phòng của hãng tin AP, đài Al Jazeera Al Jazeera và các hãng truyền thông khác đã bị san bằng sau khi trúng tên lửa của Israel trong cuộc giao tranh với phong trào Hamas.
Phóng viên chiến trường là công việc đầy nguy hiểm (Ảnh: Holdun) |
Tiếng hét của đồng nghiệp đánh thức tôi và tiếng tim đập thình thịch át đi sự suy nghĩ của tâm trí. Chuyện gì đã xảy ra? Liệu có ai bị thương trên đường phố Gaza hay chuyện gì đó tồi tệ hơn… Đó là những gì Fares Akram, phóng viên hãng tin AP kể lại. Lúc đó là vào 13h55 thứ Bảy (ngày 15/5). Akram đang nghỉ trưa ở tầng trên của căn hộ áp mái hai tầng, từng là văn phòng của Hãng thông tấn AP ở dải Gaza từ năm 2006.
“Điều này không có gì lạ trong những ngày gần đây. Kể từ khi giao tranh bắt đầu vào đầu tháng này, tôi thường ngủ trong văn phòng tin tức cho đến đầu giờ chiều, sau đó làm việc suốt đêm”.
Tuy nhiên, tiếng la hét của đồng nghiệp đã đánh thức Akram. Anh vội vã xuống cầu thang và thấy các đồng nghiệp của mình đang đội mũ bảo hiểm và đồ bảo hộ. “Họ hét lên: Sơ tán! Sơ tán mau lên”, anh kể.
Sau này Akram mới biết quân đội Israel đã nhắm mục tiêu phá hủy tòa nhà và đưa ra cảnh báo ngắn gọn trước đó. Tới thời điểm đó, ba tòa nhà đã bị phá hủy. Cư dân được cảnh báo và có vài phút để sơ tán.
Anh nhanh chóng chộp lấy máy tính xách tay và vài món đồ điện tử khác. “Tôi nhìn không gian làm việc của mình suốt nhiều năm qua, tràn ngập những vật lưu niệm từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Tôi chỉ chọn một số ít: Chiếc đĩa trang trí có ảnh gia đình. Cốc cà phê do con gái tôi, hiện sống ở Canada cùng mẹ và chị gái tặng từ năm 2017. Giấy chứng nhận đánh dấu 5 năm làm việc tại AP”, Akram nhớ lại.
Cảnh tượng lúc đó được Akram kể lại: “Lúc đầu, tòa tháp trông giống như một thứ gì đó đang đổ sụp từng lớp một. Tôi đã nghĩ đến một chén khoai tây chiên và điều gì có thể xảy ra nếu bạn đập tay vào chúng. Rồi khói bụi bao trùm mọi thứ. Bầu trời rền vang. Tòa nhà từng là nhà, văn phòng của nhiều người và cả với tôi đã biến mất trong lớp bụi mù mịt”.
May mắn thay, mọi người đã tháo chạy kịp thời. Akram vẫn phải tiếp tục đưa tin những gì diễn ra tại đây mặc dù toà nhà giờ đây chỉ còn là dĩ vãng. Anh là nhà báo, ưu tiên hàng đầu vẫn là kể câu chuyện của người khác, những gì đang diễn ra dù có bất cứ chuyện gì.
Sau khi hồi phục Covid-19 bệnh nhân có thể bị mất hoặc loạn khứu giác TTTĐ - Sau khi phục hồi Covid-19, nhiều người đang đối mặt với chứng giảm khứu giác. Một số cho biết họ không thể ngửi ... |
Trẻ em cần được quan tâm chăm sóc trong mùa dịch TTTĐ - Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới khiến hoạt động kinh tế, sản xuất bị ngưng trệ, nhiều người lớn bị mất ... |