Phúc Thọ cần phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới điển hình, kiểu mẫu
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ làm việc với huyện Phúc Thọ |
Bí thư Thành ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện Phúc Thọ trong năm 2020. Nổi bật là kinh tế của huyện tăng 8,8% - đây là mức tăng cao so với bình quân chung của thành phố và cả nước.
Các ngành, lĩnh vực đều duy trì tăng trưởng khá, đồng đều ở các khu vực. Thu ngân sách đạt trên 415 tỷ đồng; Giải ngân vốn xây dựng cơ bản cũng đạt kết quả tích cực, ước thực hiện 93%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; An sinh xã hội được đảm bảo; Đời sống Nhân dân được nâng lên...
“Đặc biệt, mặc dù là một trong 9 quận, huyện cần phải quan tâm song Phúc Thọ đã tổ chức thành công đại hội Đảng các cấp, gắn với xử lý dứt điểm những vụ việc phức tạp, tồn đọng”, Bí thư Thành ủy đánh giá.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc |
Bên cạnh những kết quả trên, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng đề nghị huyện Phúc Thọ cần tập trung, chủ động và quyết tâm đề ra giải pháp để khắc phục những tồn tại hạn chế đã được chỉ ta trong báo cáo; Nhất là trong quản lý đất đai, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép…
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị huyện cần nhận thức rõ hơn về điều kiện, đặc thù, vị thế của Phúc Thọ. Đó là huyện nông nghiệp nằm ở cửa ngõ Tây Bắc Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô chỉ 35km, mật độ dân số không cao, giao thông khá thuận tiện. Huyện có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, nhiều di tích văn hóa giá trị, lễ hội truyền thống, nhiều làng nghề nổi tiếng...
Từ đó, huyện cần đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch. Các Sở, ngành liên quan của thành phố vào cuộc với huyện để khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng huyện Phúc Thọ, quy hoạch khu sinh thái Cẩm Đình - Hiệp Thuận và quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt đền Hát Môn.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm khu trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Phúc Thọ |
Bí thư Thành ủy cũng thống nhất với kiến nghị của huyện Phúc Thọ, giao Sở Giao thông vận tải, tổng hợp báo cáo thành phố để triển khai các dự án giao thông trọng điểm, không chỉ có ý nghĩa đối với huyện mà với sự phát triển cả khu vực Tây Bắc của thành phố; Trong đó có dự án nâng cấp quốc lộ 32 và trục Tây Thăng Long.
Đồng chí cũng giao Sở Công thương quan tâm, triển khai xây dựng các chợ còn thiếu trên địa bàn huyện Phúc Thọ để phát triển thương mại, dịch vụ; Các quận quan tâm hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa, trung tâm văn hóa huyện để diện mạo Phúc Thọ phải khởi sắc hơn.
Nhấn mạnh Phúc Thọ là vành đai xanh của thành phố, do vậy huyện cần phấn đấu trở thành huyện Nông thôn mới điển hình, kiểu mẫu của Thủ đô và cả nước. Muốn vậy, huyện cần quan tâm tái cơ cấu sản xuất, hiện thực hóa mục tiêu trở thành vùng chuyên canh để sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Đồng thời, huyện hết sức quan tâm xây dựng “môi trường xanh, nông nghiệp sạch, văn hóa đẹp”.
Bí thư Thành ủy cũng đề nghị Huyện ủy Phúc Thọ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, kiên trì thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Bên cạnh đó, huyện cần quan tâm, củng cố tổ chức cơ sở Đảng, gắn với giải quyết những vụ việc còn tồn đọng, những vấn đề dân sinh bức xúc theo tinh thần Nghị quyết 15 và Chỉ thị 15 của Thành ủy.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng báo cáo tại buổi làm việc |
Trước đó, báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Lê Thị Thu Hằng cho biết: Năm 2020, Huyện ủy Phúc Thọ đã lãnh đạo và triển khai toàn diện các nhiệm vụ, đạt kết quả tích cực. Huyện ủy Phúc Thọ đã lãnh đạo, thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Năm 2020, huyện đã hoàn thành đạt và vượt 18/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trong đó, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước đạt 415,353 tỷ đồng, bằng 133% dự toán thành phố giao. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 1.774,7 tỷ đồng, bằng 152,7% dự toán thành phố giao và bằng 140,3% dự toán HĐND huyện giao. An sinh xã hội tiếp tục được quan tâm, đảm bảo; Toàn huyện đã chi trả tiền hỗ trợ cho trên 21.000 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, với tổng số tiền trên 23 tỷ đồng.
Đặc biệt, công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Phúc Thọ được đẩy mạnh. Đến nay, toàn bộ 20/20 xã trên địa bàn huyện đã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới; Phúc Thọ cũng đạt 9/9 tiêu chí xây dựng huyện Nông thôn mới và đã hoàn thiện báo cáo, hồ sơ đề nghị Trung ương xem xét, công nhận.
Đáng chú ý, cuộc vận động 3 sạch: “Nước sạch, môi trường sạch, nông nghiệp sạch” gắn với xây dựng cụm dân cư kiểu mẫu đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo Nhân dân trên địa bàn. Toàn huyện có tổng số 48,1km tuyến đường nở hoa; 5,175km tranh bích họa, trong đó, đoạn đường tranh bích họa dài nhất là tường đê cấp 2 - Ngọc Tảo đoạn cầu Phùng về Tam Hiệp (dài 2,2km), để lại ấn tượng đẹp đối với Nhân dân, du khách.