Quà vặt, đồ uống phát miễn phí cổng trường không còn là chuyện "vặt"
Cảnh giác với quà vặt, đồ uống "ăn thử" miễn phí tại các cổng trường
Trong những năm qua, những vụ ngộ độc tập thể liên quan đến đồ ăn vặt cổng trường, hàng rong vỉa hè vẫn xảy ra dù đã có nhiều cảnh báo về sự mất an toàn thực phẩm của các loại thức ăn đường phố. Đối với lứa tuổi học sinh, ăn quà vặt cổng trường cũng trở thành thói quen khó bỏ.
“Bủa vây” cổng trường là hàng trăm các loại thức ăn đường phố hấp dẫn như cánh gà rán, xúc xích, bánh kẹo, bim bim… với mức giá “siêu rẻ”.
Đủ loại quà vặt, đồ uống không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm "bủa vây" cổng trường |
Thậm chí, nhiều nhãn hàng đồ ăn vặt, thức uống giải khát cũng chọn khu vực cổng trường, luôn tập trung đông đúc học sinh để quảng cáo, phát miễn phí các loại đồ ăn vặt, đồ uống miễn phí, quảng cáo chào mời các em ăn thử sản phẩm.
Thực tế cho thấy, học sinh đã được các giáo viên nhắc nhở về vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm, phụ huynh cũng nhận thức rất rõ nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các loại quà vặt bán tràn lan tại cổng trường.
Tuy nhiên, không ít phụ huynh vẫn tặc lưỡi cho rằng đấy chỉ là chuyện “vặt” cho đến khi những sự việc đáng tiếc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của con em mình xảy ra.
Chị Nguyễn Thu Thuỷ (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Vụ việc các em học sinh ở trường THCS Bình Minh (huyện Thanh Oai) bị ngộ độc thực phẩm sau khi sử dụng nước ngọt đóng chai được phát miễn phí ở gần cổng trường khiến tôi rất lo lắng. Con tôi cũng thường xuyên có thói quen ăn các loại thức phẩm bán tại cổng trường bởi rất khó cấm trẻ. Các loại quà vặt luôn hấp dẫn các con thêm vào đó bạn bè rủ rê “ăn cho vui”.
Tôi cũng rất chủ quan trước nguy cơ trẻ bị ngộ độc thực phẩm bởi chỉ nghĩ nếu trẻ bị “miệng nôn trôn tháo”, dùng thuốc tiêu hoá là có thể tự khỏi. Sau những vụ việc trên đây, tôi sẽ cảnh báo các con về nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cũng như ảnh hưởng đến sức khoẻ sau này khi bị ngộ độc thực phẩm để con có ý thức lựa chọn thực phẩm an toàn”.
Chung tay “siết chặt” quà vặt cổng trường
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, các loại thực phẩm “siêu rẻ” bán tại các hàng rong cổng trường đa phần những thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được bảo quản, chế biến đúng quy cách sẽ dễ gây ra các nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài nguy cơ ngộ độc cấp tính, gây tiêu chảy, nôn mửa, đau đầu, khó thở… các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, sản xuất không đúng quy trình bày bán ở gần cổng các trường học còn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại lâu dài cho sức khỏe mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, gây ra các bệnh mạn tính như: Béo phì, tim mạch, đái tháo đường…
Về lâu dài, việc tiêu thụ các thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể.
Đặc biệt, những chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng… còn tồn dư trong thực phẩm không nguồn gốc sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây bệnh ung thư.
Thậm chí, nhiều vụ việc cơ quan chức năng đã phát hiện xuất hiện tình trạng nhiều loại ma túy nguy hiểm bị trà trộn vào các loại đồ uống, bánh kẹo cho giới trẻ nên nhiều học sinh vô tình ăn phải gây ngộ độc.
Sản phẩm Trà Boncha được phát miễn phí cho học sinh Trường THCS Bình Minh (Huyện Thanh Oai) |
Ngay sau vụ việc trên, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã gửi thông tin cảnh báo tới các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã về hiện tượng học sinh bị đau bụng khi sử dụng nước uống được phát miễn phí ở khu vực gần cổng trường.
Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường quán triệt các nhà trường tuyên truyền đến học sinh không sử dụng các sản phẩm phát, tặng không rõ nguồn gốc; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để quản lý các khu vực xung quanh cổng trường và trên địa bàn; tăng cường quản lý chỉ đạo bảo đảm công tác vệ sinh an tàn thực phẩm, an toàn trong trường học.
Từ sự việc này, ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đưa ra cảnh báo các đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền cho cộng đồng, phụ huynh học sinh về kiến thức việc sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khi có biểu hiện nghi ngờ sử dụng thực phẩm không an toàn, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai các nội dung theo chức năng, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 3527/KH-SYT ngày 30-7-2024 của Sở Y tế Hà Nội về chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Về phía gia đình, các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm quan tâm đến sức khỏe con em mình, hạn chế việc để con em mình sử dụng đồ ăn, quà vặt không rõ nguồn gốc được bày bán hay phát miễn phí cho học sinh ăn thử trước cổng trường.
Thay vào đó, cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh để chế biến cho con em ăn uống ở nhà đầy đủ và mang theo các đồ ăn nhẹ sử dụng trong giờ nghỉ.
Bên cạnh đó, người sản xuất, người trực tiếp kinh doanh thực phẩm, kinh doanh mặt hàng ăn uống tại các cổng trường phải có trách nhiệm, đạo đức cao trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm để góp phần phòng tránh hiệu quả ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm cho cả cộng đồng.