Quảng Ninh đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng
Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP
Cơ sở sản xuất Bảo Khang (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), là cơ sở nghiên cứu, nuôi trồng và phát triển sản phẩm từ đông trùng hạ thảo. Từ chỗ là một thương hiệu hoàn toàn mới, tới nay các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo, như: Rượu, sợi đông trùng hạ thảo, bột đông trùng hạ thảo... đã được nhiều người biết tới. Các sản phẩm từ đông trùng hạ thảo không chỉ nâng cao hiệu quả phòng bệnh của hệ miễn dịch, giải độc thận mà còn bổ cho chức năng gan và tăng cường sinh lực.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm và từng bước đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường, năm 2018, Cơ sở sản xuất Bảo Khang đã thực hiện thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm cho phù hợp và đưa ứng dụng phần mềm quét mã vạch, ngày sản xuất, hạn sử dụng trên bao bì tự động thay cho việc in ấn thủ công trước đây.
Cùng với đó, cơ sở cũng đầu tư mua sắm các loại trang thiết bị, như: Phòng nuôi cấy vô khuẩn, tủ sấy, nồi hấp tuyệt trùng, máy lắc giống, máy sấy... vào phục vụ quá trình sản xuất.
Cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP - Đông trùng hạ thảo Bảo Khang (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) |
Ông Vũ Ngọc Thành, chủ Cơ sở sản xuất Bảo Khang, cho biết: Bắt đầu từ năm 2017, khi sản phẩm được đưa ra thị trường, chúng tôi đã không ngừng nghiên cứu, đầu tư và hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
“Mới đây, thông qua cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV, sản phẩm Rượu đông trùng hạ thảo và Nấm đông trùng hạ thảo dạng sợi khô của chúng tôi đã được xếp hạng 3 sao trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh”, ông Thành nhấn mạnh.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, định hướng của tỉnh, nhiều cơ sở sản xuất OCOP đã mạnh dạn đầu tư, đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đảm bảo độ an toàn, chính xác và nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Điển hình như Cơ sở sản xuất rau thủy canh 188 Green Farm (thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Mạo Khê 188) đã ứng dụng công nghệ để sản xuất rau.
Theo đó, toàn bộ rau của cơ sở đều được trồng trên các máng thủy canh khoét lỗ, đặt cách ly với mặt đất, trong nhà màng đều có hệ thống mái che, quạt gió, lọc nước... Từ công đoạn ươm, trồng, chăm sóc, cung cấp chất dinh dưỡng cho cây đến thu hoạch, đóng gói sản phẩm, đều được thực hiện theo quy trình khắt khe của rau thủy canh.
Vừa qua, các sản phẩm rau cải bó xôi, rau cải ngọt, xà lách mỡ, xà lách tím và xà lách xanh của cơ sở cũng đã được xếp hạng 3 sao trong danh mục sản phẩm OCOP của tỉnh.
Tới nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cũng đã tự ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới mục tiêu gắn sao, nhằm giúp cho nhà sản xuất, người tiêu dùng định vị được chất lượng, danh tiếng của sản phẩm, từ đó nâng cao giá trị, lợi nhuận và chiếm lĩnh thị trường.
Thông qua mỗi cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP, Quảng Ninh lại có thêm nhiều sản phẩm dự thi đáp ứng được các quy định của Bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng chương trình OCOP của tỉnh. Hiện, toàn tỉnh đã có 196 sản phẩm được xếp hạng từ 3 đến 5 sao, trong đó có 8 sản phẩm đạt 5 sao, 62 sản phẩm 4 sao và 126 sản phẩm 3 sao.
Nỗ lực tạo ra các dấu ấn riêng
Chương trình OCOP được tỉnh Quảng Ninh khởi đầu triển khai từ năm 2013, là tỉnh đầu tiên của nước ta phát xây dựng Chương trình OCOP. Chương trình được coi là thương hiệu riêng có của Quảng Ninh và được nhân rộng ra toàn quốc năm 2017.
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh luôn đẩy mạnh xúc tiến đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng |
Việc xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP đã khẳng định hướng đi đúng trong việc khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của các địa phương trong việc sản xuất các mặt hàng, sản phẩm đặc trưng nhằm tạo ra các dấu ấn riêng, đồng thời góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị các sản phẩm, thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển bền vững gắn kết với phát triển dịch vụ, du lịch trên địa bàn...
Ông Vũ Thành Long, Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh cho biết: Qua theo dõi, hiện nay công tác hoàn thiện, chuẩn hóa, nâng cấp, đổi mới và đa dạng hóa sản phẩm OCOP, đảm bảo quy định theo Bộ tiêu chí OCOP tỉnh đang được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chú trọng thực hiện. Qua đó, đã giúp sản phẩm được đảm bảo về chất lượng, cũng như mẫu mã, bao bì và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của tỉnh, Ban sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, tạo điều kiện và triển khai hỗ trợ giúp cho các đơn vị sản xuất hoàn thành các quy định theo Bộ tiêu chí OCOP của tỉnh. Nhằm tạo cơ hội cho thêm nhiều sản phẩm OCOP tiếp tục được gắn sao, góp phần triển khai hiệu quả việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP.