Sân bay Long Thành chậm tiến độ do dịch COVID-19 là chưa thuyết phục
Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình thế kỷ Chính phủ đề nghị giảm mức đầu tư dự án sân bay Long Thành Nhất trí kéo dài thời gian thu hồi đất xây sân bay Long Thành |
Nhiều khó khăn khi triển khai
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, trong quá trình triển khai, một số nội dung của dự án có thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Vì vậy, Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua một số nội dung thay đổi trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng báo cáo về các thay đổi so với chỉ tiêu chủ yếu đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 53/2017/QH14 gồm: Giảm tổng mức đầu tư; giảm diện tích đất thu hồi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024; bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân do thu hồi đất để thực hiện đầu tư 2 tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.
Trong đó, tổng mức đầu tư được đề nghị giảm từ 22.938 tỷ đồng xuống hơn 19.207 tỷ đồng (giảm hơn 3.730 tỷ đồng). Diện tích đất thu hồi cũng được đề xuất giảm từ hơn 5.399ha xuống hơn 5.317ha (giảm 82ha).
Về lý do điều chỉnh kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội thì thời gian thực hiện dự án hoàn thành trong năm 2021.
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án chưa đáp ứng yêu cầu do trong 2 năm 2020, 2021 dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khu vực huyện Long Thành nói riêng và tỉnh Đồng Nai nói chung, nhiều lần phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc phối hợp với người dân trong công tác đo đạc, kiểm đếm, lên phương án bồi thường đất gặp rất nhiều khó khăn, bị kéo dài.
Đồng thời, dự án có quy mô khối lượng công việc thực hiện rất lớn, tính phức tạp do quan đến người dân, chế độ, chính sách xã hội... đòi hỏi phải cẩn trọng, tỷ mỷ và phối hợp của nhiều ban, ngành liên quan. Nhiều hộ dân bị vướng mắc về giấy tờ đất, cần phải kéo dài thời gian xác minh và gặp nhiều khó khăn trong công tác đền bù.
Đối với các dự án có cấu phần xây dựng, ngoài nguyên nhân nêu trên còn do giá cả vật tư, vật liệu tăng cao; nguồn cung ứng sản xuất vật tư, vật liệu bị đứt gãy; lực lượng lao động khan hiểm sau giãn cách đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Cần làm rõ nguyên nhân
Trong phiên thảo luận tại tổ ngày 27/10, đa số đại biểu Quốc hội tán thành việc Chính phủ kiến nghị điều chỉnh một số nội dung Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, một số ý kiến tỏ ra băn khoăn khi tờ trình của Chính phủ chưa phân tích kỹ nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của Chính phủ, địa phương và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện dự án.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương |
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, hồ sơ cũng như các báo cáo đã trình của Chính phủ chưa đánh giá một cách thuyết phục và kỹ lưỡng các nguyên nhân dẫn đến việc điều chỉnh dự án này, đặc biệt là việc chậm trễ về thời gian.
Sau khi rà soát, nguyên nhân lớn nhất được ghi nhận là do dịch bệnh COVID-19, chỉ rõ điều này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu rõ, tuy dịch bệnh có tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội nhưng không nên lạm dụng nguyên nhân này để lý giải cho mọi sự chậm trễ.
Theo đại biểu, thời gian triển khai dự án theo Nghị quyết 53/2017/QH14 bắt đầu từ năm 2017, trong khi đó, đến cuối năm 2020, dịch bệnh COVID-19 mới trở nên trầm trọng. Vì vậy, bà Nga cho rằng, việc nêu nguyên nhân chính của chậm trễ do dịch bệnh COVID-19 là chưa thuyết phục.
Bên cạnh đó, trong các báo cáo của Chính phủ cũng nêu nhiều nguyên nhân khách quan song một phần của vấn đề cũng xuất phát từ nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể, khi lập dự án, năng lực dự báo chưa tốt nên phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị, trong quá trình rà soát, phải đánh giá một cách chính xác hơn nữa các nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan để có thể tìm ra giải pháp.
Qua nghiên cứu báo cáo nghiên cứu khả thi, thuyết minh chung các nội dung điều chỉnh, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ băn khoăn với một số vấn đề như công tác triển khai các dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tổ chức lại cuộc sống cho người dân thuộc phạm vi bị ảnh hưởng của dự án.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, toàn bộ dự án dù được triển khai từ năm 2017 tới nay, mới chỉ dừng lại ở mức điều tra, khảo sát, cấp phiếu khảo sát nhu cầu đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các hộ gia đình bị thu hồi đất, tổ chức hội nghị tuyên truyền, tư vấn, tuyển sinh đào tạo nghề, phát phiếu đăng ký học nghề…
Tuy nhiên, các công tác này chưa hề có kết quả nào rõ rệt, thời gian còn lại để thực hiện dự án không nhiều. Mặt khác, các cơ quan chức năng cũng chưa chú trọng đúng mức đến việc giải quyết quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng do phải bàn giao đất, di dời chỗ ở để thực hiện dự án.