Sản phẩm OCOP mang đậm nét văn hóa đặc trưng của vùng đất trăm nghề
Đưa sản phẩm làng nghề vươn xa
Làng Sơn Thanh, xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên có làng nghề truyền thống sản xuất đồ gỗ từ bao đời nay đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân tại vùng này. Nổi bật hơn cả là hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh với nghề làm gỗ mỹ nghệ cao cấp, đặc biệt là làm đồng hồ và hộp bánh kẹo từ các loại gỗ quý.
Anh Nguyễn Văn Vịnh gắn bó với nghề làm gỗ mỹ nghệ đến nay đã gần chục năm, mỗi sản phẩm anh làm ra đều là một tác phẩm nghệ thuật, vừa có giá trị sử dụng vừa có giá trị thẩm mỹ, thể hiện tay nghề khéo léo, tài hoa của người thợ Việt Nam. Các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của anh cũng là sự kết giao giữa phương pháp thủ công tinh xảo và sự sáng tạo nghệ thuật. Mỗi sản phẩm đều mang bản sắc văn hóa của Việt Nam, truyền tải, gửi gắm tâm huyết và niềm tự hào của người thợ…
Là một trong những đơn vị uy tín trên thị trường gỗ lại là truyền nhân tại làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Thanh truyền thống, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào phong phú, đội ngũ nghệ nhân lành nghề, am hiểu sâu sắc về ý nghĩa cũng như kiến thức về gỗ phong thủy. Trong quá trình chế tác, cơ sở luôn đặt quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, doanh nghiệp luôn coi trọng tính thẩm mỹ, sự chính xác và tiến độ hoàn thành một tác phẩm.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Vịnh đã gắn bó với nghề làm gỗ mỹ nghệ đến nay đã gần chục năm |
Những năm gần đây, nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng, từ đôi bàn tay tài hoa, anh Nguyễn Văn Vịnh đã đi theo hướng phát triển mới từ nghề đồ gỗ mỹ nghệ, đó là sản xuất vỏ cây đồng hồ bằng gỗ và hộp bánh kẹo gỗ hương đá.
Đối với sản phẩm vỏ cây đồng hồ, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh đã sử dụng nhiều chất liệu gỗ khác nhau. Đặc biệt các sản phẩm ở đây đã thể hiện được sự tinh xảo từ những đường chạm khắc, kẻ chỉ đến những phần nổi mộng như chiếc lá, nhành hoa, công phượng, tứ linh, tứ quý, đèn lồng,… đòi hỏi người nghệ nhân phải thật khéo léo, tỉ mỉ trong từng động tác, mới có thể tạo ra những khối nổi mềm mại, uyển chuyển trên từng thớ gỗ khô cứng. Nó như là sự gắn liền của hơi thở, tiếng nói và đời sống tình cảm của các nghệ nhân.
Còn đối với sản phẩm hộp đựng bánh kẹo, hộ kinh doanh chủ yếu sử dụng bằng chất liệu gỗ hương đá. Các sản phẩm được sản xuất ra đều mang một nét riêng, độc đáo, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.
Theo anh Vinh, mỗi năm anh Vịnh sản xuất và bán ra thị trường khoảng 8.000 chiếc đồng hồ gỗ và 1.000 chiếc hộp đựng bánh kẹo. Hiện hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh đang tạo việc làm ổn định cho 7 người lao động.
Năm 2021, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận 2 sản phẩm OCOP 4 sao gồm: Đồng hồ đèn lồng gỗ gõ đỏ và Hộp bánh kẹo gỗ hương đá. Đây là động lực để Hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh khẳng định vị thế và thúc đẩy sự phát triển thương hiệu của đơn vị ngày càng lan tỏa.
Phát triển làng nghề gắn với du lịch
Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh cho biết, phát triển làng nghề, du lịch làng nghề của huyện luôn được thành phố và huyện quan tâm, tạo sự chuyển biến tích cực. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: May mặc Vân Từ; giày da Phú Yên; đồ gỗ ở các xã Tân Dân, Văn Nhân; khảm trai Chuyên Mỹ; mây giang đan, cỏ tế Phú Túc; tò he Xuân La… Các làng nghề phát triển mạnh và tạo việc làm thường xuyên cho lao động trong và ngoài địa phương với mức lương từ 7 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Các làng nghề của huyện Phú Xuyên hoạt động đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho 25.400 hộ với 41.000 lao động sản xuất tiểu thủ công nghiệp (chiếm 40% tổng số lao động toàn huyện), đóng góp cho ngân sách địa phương hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo ra những “phố nghề” sầm uất như: Túi xách xã Sơn Hà, giày da xã Phú Yên, nghề may xã Vân Từ, nghề mộc xã Chuyên Mỹ…, mang nét đặc trưng riêng của huyện vùng trũng phía Nam Hà Nội.
Các sản phẩm của hộ kinh doanh Nguyễn Văn Vịnh đã được chứng nhận OCOP |
Từ sự phát triển nhanh chóng của làng nghề, UBND huyện đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư xây dựng để sớm đưa 3 cụm công nghiệp làng nghề xã Phú Túc, Phú Yên, Đại Thắng vào hoạt động. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai quy hoạch cụm công nghiệp ở các xã Vân Từ, Tân Dân, Sơn Hà...
Đồng thời, huyện tích cực phối hợp với Sở Công thương và các sở, ngành triển khai quy hoạch lại 156 làng có nghề trên địa bàn theo hướng di chuyển các cơ sở sản xuất trong khu dân cư ra các cụm công nghiệp và khu sản xuất tập trung theo quy hoạch, đảm bảo môi trường.
Với định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Phú Xuyên khóa XXV tiếp tục ban hành Chương trình số 02-CTr/HU ngày 26/2/2021 về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xây dựng Nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025.
UBND huyện Phú Xuyên cũng đã ban hành Đề án “Phát triển cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của huyện Phú Xuyên giai đoạn 2021 - 2025”... Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ: Việc hình thành các cụm công nghiệp làng nghề, thúc đẩy phát triển du lịch và tập trung thực hiện chương trình OCOP sẽ góp phần đưa những làng nghề của Phú Xuyên lên tầm cao mới; Đưa sản phẩm của làng nghề vươn xa hơn.