Sản xuất nông nghiệp hữu cơ: Hướng đi hiệu quả, bền vững
Xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại
Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn.
Hiện nay, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thủ đô đã định hình được vị thế, sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp Hà Nội mở ra hướng đi mới, từ đó phát triển hiệu quả, bền vững.
Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như rau, lúa, hoa quả... đã có chỗ đứng trên thị trường. Tiêu biểu như: Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng); Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn); Nông trại hữu cơ Tuệ Viên (quận Long Biên); Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ)...
Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu |
Thông tin về mô hình nông nghiệp hữu cơ của địa phương, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt thông tin: Vụ mùa năm 2021, hợp tác xã sản xuất hơn 40ha lúa hữu cơ và được doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm ký hợp đồng liên kết thu mua với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường.
Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, hợp tác xã còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây... hữu cơ. Hiện, sản phẩm gạo và đậu tương của hợp tác xã đã đạt 4 sao trong chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Ngoài mô hình tại xã Đồng Phú, hiện ở Chương Mỹ đã phát triển thêm một số mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả. Điển hình là tại xã Nam Phương Tiến và thị trấn Chúc Sơn đã hình thành vùng sản xuất hữu cơ với nhiều loại cây trồng như lúa, rau, bưởi, dưa lưới… với quy mô hơn 70ha.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng đánh giá: "Huyện Chương Mỹ đang khuyến khích người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã tập trung phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Qua nhiều năm triển khai thực hiện, chất lượng nông sản hữu cơ ngày một nâng lên, thương hiệu nông sản hữu cơ được định hình và có thị trường tốt".
Tương tự, hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Điển hình như tại huyện Đông Anh hiện có tới 50% hợp tác xã sản xuất rau truyền thống đã chuyển một phần diện tích từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ; Khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Còn tại huyện Thạch Thất, từ một mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại xã Yên Bình quy mô hơn 30ha đến nay huyện đã có hơn 500ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ với đa dạng các loại cây trồng…
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời tạo môi trường sống trong lành cho người dân.
Hướng đến phát triển bền vững
Mặc dù hiệu quả đã được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội còn hạn chế. Đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ của thành phố mới đạt hơn 2.000ha; Diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha. Trong chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng 14,6 nghìn con lợn, gà, bò…
Đáng nói, có một số dự án, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ dù được đầu tư triển khai, song hiệu quả không như mong đợi. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ khó nhân rộng bởi nhiều lý do, trong đó có sự thiếu kiên trì của bà con nông dân và nút thắt là phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức.
Mô hình Nông trại hữu cơ Tuệ Viên (quận Long Biên) |
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ mang lại giá trị cao, phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã tham mưu và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025.
Theo đó, mỗi năm, Hà Nội sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300 - 500ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1 - 2% tổng sản phẩm chăn nuôi, diện tích thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha... Về định hướng lâu dài, sản xuất hữu cơ của nông nghiệp Hà Nội sẽ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao.
Trước đó, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND, trong đó có hỗ trợ vùng sản xuất tập trung, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Phát triển nông nghiệp hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại.
Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ được áp dụng hiệu quả thông qua việc triển khai thực hiện nhiều mô hình khuyến nông trong những năm gần đây. Theo bà Vũ Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các hộ sản xuất tham gia mô hình khuyến nông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ được hỗ trợ 100% về chi phí cấp giấy chứng nhận nông nghiệp hữu cơ và đào tạo, tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, các hộ sản xuất cũng được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư thiết yếu thực hiện mô hình; Hỗ trợ 50% kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm, tuần lễ quảng bá, giới thiệu sản phẩm…
Ngoài ra, từ nguồn ngân sách thông qua Quỹ Khuyến nông thành phố, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông giải ngân trên dưới 50 tỷ đồng cho các chủ trang trại, hợp tác xã vay vốn phát triển sản xuất, trong đó có sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Ngày 2/3, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Thương mại và đầu tư Việt Liên tổ chức tọa đàm "Phát triển nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi hiệu quả bền vững". Tại tọa đàm, chuyên gia, nhà quản lý đã phổ biến, trao đổi, giải đáp cho các chủ trang trại, nông dân về những nội dung liên quan đến nông nghiệp hữu cơ như: Quy định về tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ; Tiêu chí đánh giá sản phẩm hữu cơ; Yêu cầu cần thiết chuyển đổi từ sản xuất truyền thống, VietGAP sang sản xuất hữu cơ; Phát triển thị trường, kết nối tiêu thụ cho sản phẩm hữu cơ; Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ. |