Sau Tết, nhiều bệnh nhân đột quỵ nhập viện
Rét đậm, gia tăng bệnh nhân đột quỵ nhập viện Cấp cứu thành công nhiều ca đột quỵ não Cứu sống bệnh nhân cùng lúc bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ Cuốn sách giải mã não bộ của người vượt qua đột quỵ |
Đột quỵ gia tăng sau Tết
TS Trần Song Giang, Trưởng Đơn vị C9, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngay từ những ngày đầu đi làm sau kỳ nghỉ Tết, đơn vị C9 đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đột quỵ phải nhập viện điều trị trong tình trạng nguy cấp, trong đó có 2 trường hợp điển hình.
Trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân, 67 tuổi, bị tăng huyết áp nhiều năm nay. Bệnh nhân vẫn uống 1 loại thuốc đều hàng ngày nhưng huyết áp vẫn thường xuyên ở mức 150/95mmHg. Vì không có dấu hiệu khó chịu nên bệnh nhân không đi khám lại để bác sĩ chỉnh đơn thuốc.
Một bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai |
Ngày 18/2/2024, sau khi uống rượu, bệnh nhân thấy đau đầu, choáng váng, tê bì nửa người phải. Bệnh nhân về nhà đo huyết áp, thấy cao (190/105mmHg), tự uống thêm 1 viên thuốc hạ huyết áp. Một lúc sau, thấy dễ chịu hơn, mặc dù vẫn còn tê bì nhẹ nửa người phải.
Ngày hôm sau, bệnh nhân thấy tay chân bên phải yếu nhiều hơn. Đến chiều ngày 19/2, tay và chân phải không cử động được nữa, bệnh nhân mới đến viện, chụp cắt lớp sọ não có hình ảnh nhồi máu não (tắc mạch não) giờ thứ 30.
Trường hợp 2 là nữ bệnh nhân nữ, 75 tuổi, được chẩn đoán tăng huyết áp nhiều năm, đang được bác sĩ của Bệnh viện Quân đội cho dùng 2 thuốc hạ huyết áp. Thỉnh thoảng, bệnh nhân quên không uống thuốc. Khoảng 1 tuần nay, huyết áp dao động lên xuống thất thường, có lúc lên tới 180/100mmHg.
Năm ngày nay, bệnh nhân đau đầu, chóng mặt, đi khám ở phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán là cơn tăng huyết áp - rối loạn tiền đình và cho đơn thuốc về điều trị ngoại trú. Cách vào viện 3 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nói ngọng... Đến khi bệnh nhân đi khám, được chụp cắt lớp có hình ảnh nhồi máu não. Lúc đó bệnh nhân đã bị liệt nửa người bên trái.
TS Trần Song Giang cho biết, nguyên nhân gây ra đột quỵ ở cả 2 bệnh nhân trên đều là do việc điều trị tăng huyết áp chưa được tốt. Huyết áp tối ưu cần đạt được khi điều trị là dưới 130/80mmHg.
Do đó, khi huyết áp còn cao trên 140/90mmHg, cần quay lại gặp bác sĩ để tăng liều thuốc hoặc thêm thuốc. Bác sĩ cũng lưu ý, bệnh nhân không được tự ý bỏ thuốc, hoặc uống thuốc không đều hàng ngày.
Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ
TS Trần Song Giang khuyến cáo, cả 2 bệnh nhân bị đột quỵ nhồi máu não nhưng nhập viện muộn. Nếu nhập viện sớm, trong giai đoạn "giờ vàng", bệnh nhân sẽ được dùng thuốc tiêu cục máu đông hoặc được hút cục máu đông gây tắc mạch não thì các dấu hiệu của đột quỵ như liệt nửa người sẽ được hồi phục nhanh chóng, thậm chí có thể trở về bình thường. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ cần đến bệnh viện ngay lập tức.
Các dấu hiệu của đột quỵ được viết tắt bằng các từ tiếng Anh - BEFAST, trong đó, B - Balance (mất thăng bằng, nhức đầu, chóng mặt); E - Eye (mờ mắt); F - Face (méo, xệ mặt một bên); A - Arms (tay, chân cùng bên tê bì hoặc yếu hơn bên kia); S - Speech (khó nói, nói ngọng); T - Time (Cần gọi ngay cứu thương hoặc đến bệnh viện càng sớm càng tốt).
“Giai đoạn “giờ vàng” được tính từ lúc xuất hiện triệu chứng bất thường cho đến khi được chẩn đoán là từ 4-6 giờ.
Như vậy, đột quỵ là tình trạng cấp cứu y tế khẩn cấp. Khi gặp những dấu hiệu trên, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cấp cứu tại các cơ sở y tế trong giai đoạn giờ vàng. Người dân cần lưu ý điều trị huyết áp cao đúng cách để hạn chế nguy cơ đột quỵ”, TS Trần Song Giang lưu ý.
PGS.TS Mai Duy Tôn (giữa) thăm khám cho bệnh nhân sau đột quỵ não. Ảnh: BVCC |
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trước Tết có các đợt rét đậm, trời lạnh khiến áp lực dòng máu tăng cao, nhiều người tăng huyết áp đột ngột gây đột quỵ. Ngoài ra, thay đổi nhiệt độ gây co mạch, môi trường lạnh khiến nhiều người mắc các bệnh nhiễm trùng hơn là nguyên nhân gây ra đột quỵ não.
Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, nhất là những người trên 64 tuổi nhưng ở Việt Nam, đột quỵ ở người trẻ có xu hướng gia tăng đáng báo động (khoảng 25% các ca đột quỵ). Nguyên nhân xuất phát từ việc lạm dụng rượu, bia và sử dụng các chất kích thích, đi kèm với lối sống lười vận động làm gia tăng tình trạng béo phì cũng như các bệnh lý khác.
Giám đốc Trung tâm Đột quy cũng cho biết thêm, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Điều đó có nghĩa, cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ não, sẽ có 25 trường hợp bị tái phát.
Còn theo Hiệp hội Đột quỵ Quốc gia Hoa Kỳ, 10% những người bị đột quỵ não phục hồi gần như hoàn toàn; 25% phục hồi với những khiếm khuyết nhỏ và 40% khác trải qua các khiếm khuyết từ trung bình đến nặng, cần được chăm sóc đặc biệt.