SFORA Hà Đông: Ngôi nhà thứ hai của những thiên thần nhỏ
Vốn là một dược sĩ với 20 năm kinh nghiệm, song với tình yêu thương của một người mẹ, chị Ngô Thị Hạnh đã từ bỏ công việc yêu thích để đồng hành cùng cậu con trai mắc chứng bệnh tự kỉ. Hành trình nuôi dưỡng và chăm sóc con giúp chị Hạnh nhận ra rằng, chị nên làm một điều gì đó có ý nghĩa cho các cháu nhỏ mắc chứng tự kỉ, chậm phát triển. Sau thời gian dài cân nhắc, suy nghĩ, chị Hạnh đã quyết định mở Trung tâm giáo dục và đào tạo nghề cho các bạn trẻ.
Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông không chỉ là hộ kinh doanh cơ sản xuất đơn thuần, nơi đây còn là ngôi nhà thứ hai chăm sóc, nuôi dưỡng các bạn nhỏ chậm phát triển đồng thời đào tạo, hướng dẫn các bạn nhỏ tạo ra những sản phẩm thơm ngon, giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ như dầu lạc, kẹo lạc, lạc rang,…
Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông đã đào tạo nghề và hướng nghiệp cho nhiều trẻ đặc biệt |
Có mặt tại Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông, chứng kiến các “thiên thần” nhỏ vừa vui chơi, học tập, vừa làm những công việc nhỏ, tôi đã nhận thấy rõ tình yêu thương, trách nhiệm của chị Ngô Thị Hạnh, đó giống như sự quan tâm, chăm sóc ân cần một người mẹ đối với những đứa con của mình.
Chia sẻ về ngôi trường đặc biệt này, chị Ngô Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông cho biết: Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông là cơ sở đào tạo kỹ năng và hướng nghiệp cho trẻ rối loạn phát triển được Viện khoa học giáo dục Đông Nam Á thành lập năm 2016.
Những năm qua, với kinh nghiệm và năng lực chuyên môn, Trung tâm đã nhận đánh giá, can thiệp sớm , trị liệu bằng âm nhạc, điều hoà cảm giác, đào tạo kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng xã hội, hướng nghiệp dạy nghề cho các trẻ rối loạn gồm trẻ chậm phát triển, trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ khó khăn học tập.
“Mục tiêu trung tâm giúp cho các trẻ dần trở thành những lao động có ích tạo ra những sản phẩm phục vụ cộng đồng, để giảm gánh nặng cho các gia đình và xã hội. Trẻ tự kỉ tuổi mầm non có thể phát triển và tham gia đầy đủ vào cuộc sống gia đình và cộng đồng của mình nếu được hỗ trợ và khích lệ đúng thời điểm, đúng phương pháp, cách thức của nhà giáo dục, kết hợp với sự phối hợp tích cực của cha mẹ trẻ và người chăm sóc để trẻ có được cơ hội phát triển tốt nhất”, chị Hạnh nhấn mạnh.
Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông là cơ sở đào tạo kỹ năng và hướng nghiệp cho trẻ rối loạn phát triển |
Cùng với việc chăm sóc, nuôi dưỡng, can thiệp sớm , trị liệu bằng âm nhạc, Trung tâm còn tạo ra nhiều việc làm phù hợp với từng độ tuổi và khả năng của các em nhỏ. Theo đó, xuất phát từ ý tưởng đưa lạc củ bóc vào luyện tay trong tiết vận động tinh cho trẻ tự kỉ, thấy trẻ rất kiên trì và bóc ngày một nhanh và khéo hơn.
Trăn trở với việc lớn lên các con sẽ làm gì, ai sẽ nhận các con vào làm việc nên giám đốc Trung tâm đã mạnh dạn thành lập một cơ sở sản xuất nhỏ ngay tại trung tâm, đầu tư máy móc thiết bị để sản xuất các sản phẩm từ lạc, tạo công ăn việc làm cho lao động và cho các trẻ tự kỉ. Đối với các trẻ bị bệnh nhẹ có thể làm công đoạn phức tạp, các trẻ bị bệnh nặng sẽ làm công đoạn đơn giản như bóc lạc, xúc lạc vào máy, rót dầu, dán nhân, đóng thùng.
Từ những viên lạc xù xì, thô ráp, qua đôi bàn tay khéo léo của những bạn nhỏ đã biến thành những viên kẹo lạc thơm ngon, giòn tan, hay những củ lạc rang béo ngậy, giàu dinh dưỡng.
Chị Ngô Thị Hạnh hướng dẫn các học viên thực hiện các công đoạn |
Vừa dạy học, vừa đào tạo nghề, hiện Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông đã cho ra thị trường nhiều loại sản phẩm mang thương hiệu SFORA như: Lạc rang, kẹo lạc, dầu lạc SFORA. Đặc biệt, cả ba sản phẩm này đều được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021.
Theo chị Hạnh, sản phẩm dầu lạc hay còn gọi là dầu đậu phộng được ép trực tiếp từ hạt lạc. Sản phẩm có hương vị tự nhiên, đậm đặc nguyên chất, không chất bảo quản, thơm mùi lạc. Đặc biệt dầu lạc chịu được nhiệt độ cao khi chiên rán nên đảm bảo an toàn cho sức khỏe vì sản phẩm không bị đen cháy như các dầu ăn công nghiệp.
Để làm ra những sản phẩm đạt chất lượng thì khâu lựa chọn nguyên liệu cực kì quan trọng. Loại lạc được sử dụng để sản xuất dầu lạc, kẹo lạc phải là loại lạc ta, được trồng đủ ngày (thường là 3 tháng 10 ngày) sẽ được người nông dân thu hoạch đem về, sơ chế và phơi thật khô (khoảng 4-5 nắng) mục đích của việc này là để hơi nước chứa trong hạt đậu phộng được bốc hơi hết,chỉ còn lại tinh dầu.
Đối với lạc để ép dầu, sau khi phơi khô, lạc được đem vào máy để tách vỏ. Khi đã loại bỏ hết phần vỏ, người ta đem số đậu nhân còn lại sơ chế, loại bỏ hết những hạt đậu hỏng, mốc, đậu bị đổi màu để đảm bảo rằng được ép ra là chất lượng nhất.
Các sản phẩm của Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông đều được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng và quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021 |
Phần lạc nhân sau khi tách vỏ được đem xay thật nhuyễn. Bột lạc sau đó được cho vào lò hấp. Đây được xem là công đoạn đòi hỏi nhiều kĩ thuật và kinh nghiệm nhất, bởi nếu hấp không đủ thời gian, bột chưa chín tới sẽ cho ít dầu, ngược lại chín quá ,bột bị nhão sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc ép và chất lượng dầu lạc. Vì thế phải có một người kinh nghiệm canh lò và xới lạc đều tay để đảm bảo lạc vừa chín tới.
Bột chín khi được múc ra sẽ được gói bởi những tấm vải chuyên dụng, rồi cho vào khuôn sắt để tạo thành những bánh dầu có kích cỡ phù hợp với kích cỡ của bộng ép. Việc còn lại máy ép sẽ nén lực và cho ra những mẻ dầu vàng ươm,thơm ngon.
Tất cả các công đoạn làm ra sản phẩm đều có phần hỗ trợ của các bạn nhỏ chậm phát triển. Đây vừa là những trải nghiệm thú vị, vừa là công việc tạo ra nguồn thu nhập cho các bạn nhỏ. Thời gian tới, Trung tâm giáo dục Sfora Hà Đông mong muốn sẽ đem sản phẩm của mình đến gần hơn với người tiêu dùng Thủ đô để mọi người được cảm nhận hương vị “thật” của từng sản phẩm, đồng thời cũng góp phần nâng cao thu nhập cho các bạn nhỏ chậm phát triển.
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội |