Sóc Sơn đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu nông sản
Nâng cao hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất
Nhận thấy được hiệu quả của các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, từ năm 2020 đến nay, nhiều hộ dân ở xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) tham gia mô hình liên kết sản xuất rau hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.
Hơn một năm trước, 4 sào đất nông nghiệp được ông Khổng Văn Sáng ở thôn Đo (xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn) sử dụng để trồng lúa. Một năm canh tác được hai vụ, nhưng giá trị kinh tế hạn chế. Sản lượng gạo gần như chỉ để bảo đảm nhu cầu sử dụng hàng ngày.
Thời gian qua, được sự tư vấn, hướng dẫn của chính quyền địa phương, ông Sáng bắt tay với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã để canh tác rau theo hướng hữu cơ. Tham gia mô hình liên kết, ông Sáng được tập huấn kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch, được hỗ trợ phân bón, màng phủ nilon bảo vệ cây trồng…
Hộ ông Sáng được tham gia vào chuỗi liên kết, sản xuất trên chính mảnh đất của gia đình. Đặc biệt, hiện nay toàn bộ khối lượng rau hữu cơ làm ra đều đang được Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã thu mua với mức giá ổn định.
Không chỉ ông Sáng, 11 hộ dân khác cũng đang được hưởng lợi từ mô hình liên kết trồng rau hữu cơ với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã. HTX này hiện còn bắt tay với khoảng 50 hộ dân khác để phát triển vùng rau theo tiêu chuẩn chất lượng Viet GAP.
Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) không ngừng đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân |
Trong khi đó, tận dụng địa thế đồi gò, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Bắc Sơn (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) phát triển mạnh mô hình liên kết sản xuất chè an toàn. Giám đốc Hợp tác xã Đào Thị Quý cho biết: Đơn vị có 30 thành viên tham gia, sản xuất gần 100ha chè. Hợp tác xã đóng vai trò liên kết các hộ tham gia sản xuất ở tất cả các khâu như giống, vật tư, tập huấn kỹ thuật, chăm sóc cây trồng... Hiện chè an toàn Bắc Sơn được cấp chứng nhận VietGAP và nhãn hiệu tập thể giúp tiêu thụ thuận lợi hơn.
Ngoài các chuỗi liên kết trên, tại địa bàn huyện Sóc Sơn hiện còn phát triển được khoảng 15 mô hình liên kết sản xuất khác. Tiêu biểu như mô hình sản xuất rau hữu cơ của Hợp tác xã Rau hữu cơ Thanh Xuân, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 tấn rau, củ, quả, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng.
Hiện tại, hợp tác xã đang ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm rau hữu cơ với 12 công ty và 45 điểm bán hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hay như mô hình trồng hoa nhài ở các xã Phù Lỗ và Đông Xuân cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến chè xuất khẩu, doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng/năm…
Bên cạnh đó, huyện Sóc Sơn cũng tập trung quản lý tốt các nhãn hiệu tập thể gắn với chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, như: Bưởi sạch Sóc Sơn, nếp cái hoa vàng Sóc Sơn, gà đồi Sóc Sơn...
Khuyến khích nông dân mở rộng mô hình liên kết
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã Nguyễn Văn Thắng cho biết: Để nâng cao chất lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường, đơn vị đã đầu tư tiền tỷ xây dựng nhà sơ chế, đóng gói, bảo quản rau hữu cơ, rau VietGAP. Mỗi sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
“Hiện nay, hợp tác xã đang liên kết với một doanh nghiệp thu mua rau cho bà con. Với diện tích canh tác hiện có gần 2ha, sản lượng rau hữu cơ cung ứng mỗi ngày ra thị trường đạt hơn 150kg. Thực tế nhu cầu thu mua của đối tác còn lớn hơn, nhưng chúng tôi chưa thể đáp ứng được…”, ông Nguyễn Văn Thắng cho hay.
Những năm qua huyện Sóc Sơn luôn khuyến khích nông dân mở rộng mô hình liên kết |
Theo Phó Chủ tịch HĐND xã Trung Giã Trần Văn Luân, rau củ quả là một trong những nhóm ngành hàng nông nghiệp đang được địa phương chú trọng phát triển. Vừa qua, HĐND xã đã thảo luận, thống nhất đưa vào quy hoạch để mở rộng diện tích canh tác rau, củ, quả tại 3 thôn: Đo, Thống Nhất, Trung Kiên, với tổng diện tích khoảng 80ha.
Cũng theo ông Luân, nếu như rau hữu cơ đang được thị trường khá ưa chuộng thì đầu ra cho sản phẩm Viet GAP vẫn đang là bài toán không dễ đối với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Trung Giã. Cùng với đó là khó khăn liên quan đến nguồn nhân lực và phương thức canh tác nhỏ lẻ truyền thống khiến việc tích tụ ruộng đất gặp nhiều trở ngại.
Khẳng định sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm đang là hướng đi đúng, giúp nâng cao giá trị cây trồng và thu nhập ổn định cho nông dân, tuy nhiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cũng cho biết: Hiện nay hầu hết các mô hình liên kết sản xuất ở huyện Sóc Sơn còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Ngoài ra, sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh với sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa khuyến khích được nông dân mở rộng mô hình liên kết.
Để chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng kiến nghị, thành phố hỗ trợ địa phương phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại cây trồng, vật nuôi.
Cùng với đó, có chính sách ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực đưa công nghệ cao vào sản xuất theo hướng khép kín nhằm giúp nông dân chủ động sản xuất, tạo thuận lợi hơn nữa trong khâu tiêu thụ nông sản.