Sớm đưa Đan Phượng về đích Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Sáng 5/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị thời gian qua, nhiệm vụ thời gian tới, trọng tâm là công tác xây dựng Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn huyện.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy và lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.
Trước khi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Đan Phượng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cùng đoàn công tác thành phố đã thăm, kiểm tra tại Hợp tác xã rau hữu cơ Cuối Quý (xã Đan Phượng); Cơ sở ươm trồng hoa lan của Công ty CP Đầu tư Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao Toàn Cầu (xã Phương Đình) và thăm, kiểm tra cơ sở vật chất nhà văn hóa thôn La Thạch, xã Phương Đình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham quan mô hình sản xuất rau hữu cơ Cuối Quý, huyện Đan Phượng (Ảnh: Q.T) |
Chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới không ngừng được nâng cao
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn cho biết, năm 2021, Huyện ủy Đan Phượng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiều giải pháp thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và nhiều nhiệm vụ trọng tâm khác.
Tổng giá trị sản xuất của huyện Đan Phượng đạt 15.232 tỷ đồng, đạt 97,6% kế hoạch và tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch tích cực. Đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng của huyện chiếm 46,76%; Thương mại - dịch vụ chiếm 46,5%; Nông nghiệp còn 6,83%. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đạt 864,5 tỷ đồng, đạt 111,4% dự toán...
Về công tác xây dựng Nông thôn mới, với mục tiêu hoàn thành xây dựng 15/15 xã Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, xây dựng huyện đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu trước khi phát triển lên quận, ngay từ đầu năm 2021, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu và tiêu chí các phường để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng xã.
Trong đó, huyện chọn xã Đan Phượng phấn đấu đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu Thủ đô và 4 xã (Song Phượng, Liên Hà, Tân Hội, Thọ Xuân) đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 1 xã so với tiêu chí thành phố giao.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại buổi làm việc |
Kết quả, cả 5 xã trên đều có sự thay đổi rõ rệt về các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao và được đoàn thẩm định của thành phố chấm điểm đủ điều kiện trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu.
Đối với 10 xã còn lại, chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới đều được nâng cao. Đến nay, cơ bản đạt 3 tiêu chí về văn hóa, y tế, giáo dục và hộ nghèo theo Quyết định 691/QĐ-TTg ngày 5/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Tại buổi làm việc, huyện Đan Phượng kiến nghị với thành phố 7 nội dung, liên quan đến quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo nguồn thu cho ngân sách huyện...
Đáng chú ý, huyện kiến nghị bổ sung quy hoạch Cụm công nghiệp Phương Đình (quy mô 50ha), Cụm công nghiệp Hồng Hà (74ha); Sớm triển khai đầu tư 2 bệnh viện chuyên khoa cấp thành phố (Bệnh viện Răng Hàm Mặt và Bệnh viện Tai Mũi Họng); Nghiên cứu triển khai 3 trạm xử lý nước thải với công suất 5.000m3/ngày - đêm để xử lý nước thải cho cụm các xã phía Tây đường vành đai 4...
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện Đan Phượng phát triển lên quận vào năm 2025, huyện cần xác định mục tiêu, lộ trình để đạt chuẩn Nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2023, đồng thời tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, huy động sự vào cuộc của người dân.
Huyện cũng cần rà soát lại toàn bộ các tiêu chí, tiếp tục củng cố 6 tiêu chí chưa đạt, nhất là công tác quy hoạch, từ đó giải quyết tất cả bài toán về đầu tư, thu hút nguồn lực, xây dựng cơ sở hạ tầng.
Nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí xây dựng huyện thành quận
Kết luận buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, đánh giá cao kết quả xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại huyện Đan Phượng thời gian vừa qua.
Nổi bật, cùng với việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, toàn huyện đã không còn hộ nghèo. Huyện cũng đã thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với 74 sản phẩm.
Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, môi trường, huyện Đan Phượng cũng đã đạt những kết quả nổi bật với tổng số trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 là 53/54 trường; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Nâng cao hoạt động của mô hình bác sĩ gia đình, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Đến nay, huyện cũng đã hoàn thành 21/27 tiêu chí để xây dựng huyện thành quận; Có 5 xã đăng ký hoàn thành Nông thôn mới kiểu mẫu trong năm 2021 và đủ điều kiện trình công nhận đạt yêu cầu.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận buổi làm việc |
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng đề nghị huyện Đan Phượng đặc biệt lưu ý, nỗ lực hoàn thiện 6 tiêu chí chưa đạt nhằm xây dựng huyện thành quận. Trong đó, huyện cần có kế hoạch rất rõ ràng để có thể tự cân đối ngân sách, hỗ trợ, tạo điều kiện để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư về với Đan Phượng.
Với các tiêu chí về tỷ lệ cơ sở y tế, giao thông đô thị, nước thải đô thị… cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện trước năm 2025, qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng đề nghị huyện Đan Phượng tập trung đầu tư phát triển các chuỗi sản xuất chất lượng cao để có thêm các sản phẩm OCOP. Cùng với đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Đan Phượng sớm về đích xây dựng Nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu theo đúng mục tiêu, kỳ vọng của thành phố. Trong quá trình thực hiện, cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân sinh như: Y tế, nước sạch, vệ sinh môi trường, đầu tư hoàn thiện các trường học đạt chuẩn, xây dựng đô thị văn minh.
Với những kiến nghị của huyện Đan Phượng liên quan đến quy hoạch, đầu tư, quản lý đất đai, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Ban Cán sự Đảng UBND thành phố và các Sở, ngành tiếp tục phối hợp hỗ trợ Đan Phượng cũng như 4 huyện đang trong quá trình xây dựng thành quận hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, tiến tới xây dựng huyện thành quận vào năm 2025.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải khẳng định sẽ cụ thể hóa các chương trình hành động để đưa Đan Phượng sớm hoàn thành xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao, hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện thành quận vào năm 2025.