Vùng quê Đức Vân đổi thay nhờ mô hình trồng cây dẻ
Đời sống người dân ngày càng nâng cao nhờ cây dẻ
Trước đây, khu vực phía Bắc của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chỉ có một loại cây trồng đặc trưng là cây thông. Tuy nhiên, loại cây này sau khi trồng từ 17 - 20 năm mới cho thu hoạch, giá trị cũng không cao. Do đó, người dân đã nghiên cứu kỹ về thổ nhưỡng, khí hậu và tìm hiểu các loại cây trồng khác để thay thế. Cây dẻ (hay còn gọi là dẻ ván) là một trong số những cây trồng được bà con lựa chọn vì đem lại thu nhập cao.
Bà Trần Thị Huệ, Chủ tịch UBND xã Đức Vân cho biết: Cây dẻ vốn không phải là giống bản địa song hiện nay đã, đang trở thành một loại cây đặc hữu của huyện Ngân Sơn. Cây dẻ được đưa vào trồng tại địa phương này từ những năm 2000, diện tích hiện có khoảng 70ha, trong đó gần 20ha cho thu hoạch.
Cây dẻ đang dần trở thành cây trồng chủ lực của bà con Nhân dân xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn |
Đức Vân là xã có diện tích trồng dẻ lớn nhất huyện với trên 40ha, trong đó khoảng 10ha diện tích đã cho quả. Hiện bà con Nhân dân bán hạt dẻ tại vườn với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, giá trị kinh tế thu được không hề nhỏ đối với kinh tế hộ.
Mặc dù là cây trồng mới song cây dẻ đang dần trở thành cây trồng chủ lực của xã Đức Vân. Do phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương nên khi bén rễ tại Đức Vân, cây dẻ trở nên ưu việt hơn hẳn một số nơi khác bởi mẫu mã đẹp, hạt to, vị thơm bùi đặc trưng.
Theo kinh nghiệm của các hộ trồng dẻ, nếu bình quân mỗi cân có từ 60 - 65 hạt dẻ thì trồng ở Đức Vân khoảng 40 hạt đã đạt trọng lượng một cân. Mặc dù nhận thấy giá trị kinh tế cao từ hạt dẻ song trước đây bà con vẫn canh tác theo phương thức truyền thống, chủ yếu trồng quảng canh nên có thời điểm cây bị thoái hóa, không cho thu hoạch hoặc chậm thu hoạch, hạt nhỏ.
Để nhân rộng mô hình trồng cây dẻ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân xã Đức Vân, Hợp tác xã Hợp Phát (thôn Nặm Làng, xã Đức Vân) đã không ngừng vận động bà con Nhân dân mở rộng diện tích trồng dẻ. Hiện hợp tác xã có trên 5ha cây dẻ, phần lớn là diện tích mới bói quả và mới trồng.
Tuy nhiên, khoảng 3 đến 5 năm tới, diện tích cho thu hoạch lớn, sản lượng tăng mạnh, vì vậy địa phương cần xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm ngay từ thời điểm này. Đây cũng chính là lý do mà Ban thực hiện Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ - CSSP (trực tiếp là Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản) lựa chọn hỗ trợ Hợp tác xã Hợp Phát sản xuất dẻ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ.
Khu sản xuất hạt dẻ theo tiêu chuẩn hữu cơ của Hợp tác xã Hợp Phát |
“Mới đây, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã khảo sát tại cơ sở và lựa chọn Hợp tác xã Hợp Phát để hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cây dẻ với tổng diện tích 5,35ha. Mục đích của dự án là hướng tới sản xuất dẻ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm để phát triển chuỗi giá trị hạt dẻ của tỉnh Bắc Kạn”, Chủ tịch UBND xã Đức Vân nhấn mạnh.
Phấn đấu về đích Nông thôn mới vào năm 2023
Nhận xét về tính hiệu quả của mô hình trồng cây dẻ tại xã Đức Vân, ông Phạm Kim Hiểu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Trước đây, người trồng dẻ tại xã Đức Vân thường sử dụng phân bón vô cơ, phun thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là không có thói quen ghi chép lại những tác động của con người trong quá trình sản xuất, chưa tổng hợp các biện pháp phòng bệnh.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, với sự hướng dẫn của Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, các thành viên Hợp tác xã Hợp Phát đã chuyển đổi từ sản xuất dẻ truyền thống sang sản xuất hữu cơ. Theo đó, cơ sở sản xuất phải tuân thủ đầy đủ các yêu cầu như: Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, giống cây chuyển đổi gen.
Các bình phun thuốc trừ sâu trong sản xuất thông thường không được sử dụng cho sản xuất hữu cơ. Mỗi cơ sở sản xuất phải có mã số nông hộ. Người dân thường xuyên ghi chép các hoạt động sản xuất, nguyên liệu sử dụng như: Giống, phân bón, chăm sóc, thu hoạch… để truy xuất được nguồn gốc; Thiết lập vùng đệm nhằm tránh nhiễm bẩn từ bên ngoài vào khu sản xuất.
Cây dẻ giống được ghép tại vườn ươm xã Đức Vân. |
Nhận thức rõ việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ sẽ tạo ra sản phẩm có chất lượng, an toàn, duy trì độ màu mỡ của đất, đồng thời bảo vệ sức khỏe của người sản xuất, người tiêu dùng và bảo vệ môi trường sinh thái nên các hộ tham gia chuỗi giá trị đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình sản xuất. Mỗi hộ đều có sổ nhật ký ghi chép đầy đủ các tác động của con người đến khu sản xuất, nhằm mục đích truy xuất được nguồn gốc, tạo ra sản phẩm sạch trước khi đưa ra thị trường.
Nhờ có cây dẻ, đời sống của người dân xã Đức Vân ngày càng được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đang là 20 triệu đồng/người/năm. Hiện xã đã đạt 13/19 tiêu chí xã Nông thôn mới. Đức Vân đang xây dựng lộ trình về đích Nông thôn mới trong năm 2023.
"Để khơi dậy tiềm năng và phát triển bền vững cây trồng này, huyện Ngân Sơn đang tập trung mở rộng diện tích để đưa cây dẻ ván Đức Vân trở thành cây chủ lực, đem lại giá trị kinh tế cao.
Từ nay đến năm 2025, huyện phấn đấu trồng mới 100ha cây dẻ, tập trung tại các xã Đức Vân, Cốc Đán, Thượng Ân, Bằng Vân và Vân Tùng. Việc nhân rộng diện tích gắn với sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ chính là hướng phát triển bền vững, hiệu quả trong hành trình gây dựng thương hiệu sản phẩm hạt dẻ của Ngân Sơn", ông Phạm Kim Hiểu nhấn mạnh.
Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương |