Sơn La: Giúp đồng bào “nói không” với tái trồng cây thuốc phiện
Để loài cây “độc” không còn đất sống
Thực hiện Nghị quyết 06 của Chính phủ năm 1993 và sau này là Chỉ thị 06 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 1996, phong trào bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện được diễn ra một cách quyết liệt. Ngay sau khi đưa ra chủ trương dẹp bỏ cây thuốc phiện, Đảng, Nhà nước ta đã có hàng loạt các chính sách kịp thời, hỗ trợ người dân ổn định sản xuất thông qua các Chương trình 134, 30a...
Tại tỉnh Sơn La, những năm qua, người dân được cán bộ xã, cán bộ biên phòng quan tâm hỗ trợ con giống, cây nuôi, cũng như việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để phát triển kinh tế… Bà con cũng được Nhà nước hỗ trợ làm nhà; kéo điện, làm đường, trường, trạm... nhờ đó góp phần nâng cao đời sống Nhân dân, giúp người dân “đoạn tuyệt” với cây có chứa chất ma túy một cách bền vững.
Các lực lượng tham gia phá nhổ cây thuốc phiện |
Nếu như những năm trước bà con dân bản chỉ biết trồng ngô, trồng sắn thì nay nhiều gia đình cũng đã biết chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao. Những vùng trước đây vốn là nơi ngự trị của cây thuốc phiện, giờ đã được xã xây dựng thành vùng chuyên canh cây mận, cây đào. Từ đó, loài cây “độc” không còn đất sống.
Trước đây, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La), từng nổi danh là vùng đất của cây thuốc phiện, với không ít người rơi vào cảnh nghiện ngập... Thế nhưng ngày nay, thay vào cảnh đó là những đồi chè, mận, đào… xanh ngắt, đang mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi nhà.
Chỉ tay về phía những đồi chè xanh ngắt trải dài trên các triền đồi, ông Mùi Văn Hoạt, người dân xã Vân Hồ vẫn còn nhớ như in những câu chuyện của nhiều năm trước, hầu hết ở những khu vực này đều là nương thuốc phiện. “Từ năm 1990 trở về trước, hầu hết nhà nào cũng trồng cây thuốc phiện. Theo thống kê vào thời điểm đó, trên địa bàn xã Vân Hồ có hơn 300 ha trồng thuốc phiện, rất nhiều người nghiện. An ninh trật tự địa phương luôn trong tình trạng bất ổn, nạn trộm cắp gia súc, gia cầm… hoành hành”.
Giờ đây, những câu chuyện đó không còn nữa, nạn nghiện ma túy, trộm cắp đã trở thành quá khứ. Người dân sống đoàn kết, chăm chỉ lao động sản xuất, biết phát huy tiềm năng thế mạnh địa phương trồng chè, trồng cây ăn quả để phát triển kinh tế gia đình.
Tạo sinh kế bền vững giúp đồng bào “nói không” với tái trồng cây thuốc phiện |
Đặc biệt, từ sau khi thực hiện Nghị quyết 06/NQ/CP về chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cùng sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân xóa bỏ cây thuốc phiện và định hướng cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng chè, trồng cây ăn quả thay thế cho cây thuốc phiện. Từ đó, tình trạng trồng cây thuốc phiện ở Vân Hồ được dứt bỏ.
Cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành
Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), bên cạnh một số đối tượng cố ý trồng cây thuốc phiện để kiếm lời, không ít trường hợp người dân trồng cây thuốc phiện do thiếu hiểu biết pháp luật. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây ma túy theo phong tục tập quán hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay, một số nước đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế, dễ tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng. Vì vậy, nếu không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì tình trạng trồng, sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy sẽ có nguy cơ lan rộng, bị tội phạm lợi dụng vào hoạt động sản xuất ma túy trái phép gây phức tạp về anh ninh trật tự.
Lực lượng chức năng tuyên truyền tác hại của cây có chứa chất ma túy tới người dân |
Để thực hiện việc xóa bỏ cây chứa chất ma túy, cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Do đó, chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; cần có những phương án để phát triển hạ tầng, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào thay thế, tạo nên những mô hình kinh tế có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả cao, nâng cao đời sống với mục đích xóa bỏ những nhu cầu thu lợi từ các loại cây có chứa chất ma túy của người dân.
Đối với các lực lượng Công an, cần chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng và thường xuyên phối hợp, rà soát, kiểm tra, phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy để kịp thời ngăn chặn, triệt xóa và phòng, chống tái trồng, đặc biệt là việc rao bán hạt giống, hướng dẫn phương thức, cách trồng cây có chứa chất ma túy trên mạng internet (qua các mạng xã hội Zalo, Facebook, Instagram…).
Ngoài ra, lực lượng công an cơ sở (nhất là Công an cấp xã) phải thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú… để nắm chắc địa bàn, đối tượng, không để tồn tại tình trạng người từ địa phương này qua địa phương khác trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; người nước ngoài đến thuê đất để thâm canh, trồng cây ăn quả, nhưng thực chất lại lén lút trồng cây cần sa, cây thuốc phiện… Qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời và đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi phạm.