Tác giả Trần Đức Hiển - chiêm nghiệm đời sống để có trang văn
Ra mắt ấn phẩm song ngữ Việt - Anh của hai tác giả nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam |
- Văn chương là con đường dài và nhọc nhằn, anh có thể chia sẻ chuyện anh bước vào văn chương?
- Văn chương quả thật đến với tôi như một điều không định trước. Thực ra tôi không nghĩ là mình lại trở thành người viết văn. Đây không phải ước mơ của tôi hồi trẻ bởi ngày xưa chúng tôi thường rất mơ hồ về tương lai, định hướng của mình. Hầu hết chỉ mơ ước đỗ được một trường đại học hay cao đẳng nào đó chứ ít người “có khả năng” (từ điều kiện kinh tế đến khả năng kiến thức) theo đuổi ước mơ sở thích của mình. Bởi ngày ấy đa số là phải đi học thêm ngoài rất nhiều mới may ra có hy vọng, mà tôi thì đến mua sách học còn khó, đấy là chưa nói đến mua sách tham khảo, sách nâng cao, thỉnh thoảng mượn được cuốn là may lắm rồi.
Tác giả Trần Đức Hiển |
Khi tôi đi làm công nhân, thỉnh thoảng lại di chuyển chỗ làm nhưng hành trang của tôi lúc nào cũng có vài cuốn sách. Tôi cũng có sở thích cứ đến một chỗ làm mới ở một vùng đất mới là tôi phải mua ít nhất một cuốn sách ở đó để làm kỉ niệm. Và mặc dù ở nơi công trường, việc đọc sách cũng như việc viết là không phù hợp, nhưng tôi may mắn được gặp anh cùng công ty cũng có sở thích giống tôi, đó là anh Đinh Ngọc Hùng, cùng chia sẻ những trang viết.
Anh Hùng đã có nhiều bản thảo. Rồi do công việc, anh em gián đoạn liên lạc mấy năm nhưng chính anh là người cho tôi biết về Trường viết văn Nguyễn Du, khi ấy đã là Khoa Sáng tác-Lý luận và Phê bình văn học của trường ĐH Văn hóa Hà Nội (thật sự trước đó tôi chẳng hề biết gì về nó) và tận tình giúp đỡ tôi khi anh đã là sinh viên K8, còn tôi vẫn là công nhân. Tôi lại càng có động lực và quyết tâm để cuối cùng cũng toại nguyện trở thành học viên ở đây.
- Với bản thân, anh thấy đi theo văn chương những năm tháng này khó hay dễ?
- Theo tôi nghĩ thì viết văn không bao giờ là dễ cả. Nó là cả một hành trình đầy khổ hạnh. Chắc chắn những người đã theo con đường văn chương đều thấu hiểu viết là một quá trình sống với cô đơn, cô đơn đến tột cùng nếu như không mốn nói là cô độc để sống cùng nhân vật. Hơn nữa viết văn chương thường là nghèo mà thực sự thì “cơm áo không đùa với khách thơ” nên khi người khác nhìn vào, thậm chí ngay cả với người thân, bạn bè cũng đều có vẻ cám cảnh.
Khi người ta lấy kinh tế là thước đo thì kẻ viết văn đúng là một sự không thức thời và xa rời thực tế, thậm chí là không bình thường nên tất nhiên cũng chả mấy được coi trọng. Nên đúng là nếu chỉ đơn thuần sống bằng văn chương, bằng những con chữ kiệt cùng là rất khó khăn.
Tập sách "Vầng sáng" của tác giả Trần Đức Hiển |
- Trong tập truyện “Vầng sáng” của anh, đa số nhân vật đều xuất thân nghèo khổ, tật bệnh, tại sao vậy?
- Tôi nghĩ mỗi người viết văn đều xuất phát từ một sự việc, hiện tượng nào đó khiến họ bị ám ảnh, bức xúc hoặc bất lực… Tôi sinh ra và lớn lên ở nông thôn, bố mẹ tôi đều là nông dân. Thế hệ 8X ở nông thôn như tôi chắc ai cũng được sống những ngày nghèo khó, từng trải qua những bữa cơm độn khoai, sắn. ngay từ nhỏ thì tôi đã được chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh khổ cực và sự thiệt thòi của những số phận người nghèo.
Cái nghèo khiến họ đi đâu cũng có vẻ khúm núm, tự ti, không dám ngẩng cao đầu. nhất là khi họ phải đến các “cửa quan” thì dường như chả thấy có sự tôn trọng nào dành cho họ. và họ vẫn được gọi là “nhà quê’ hoặc “đồ nhà quê”. Bản thân tôi cũng từng rất tự ti và cũng từng bị gọi là “đồ nhà quê” nên có thể nói là tôi cũng là một nhân vật “thấp cổ bé họng”.
Phải nói là tôi rất dị ứng với từ nhà quê ấy và có lẽ chính điều ấy đã tạo chất liệu cho tôi viết văn. Bởi tôi luôn cảm thấy bất lực trước những hoàn cảnh và số phận khổ cực, bi ai trong xã hội, để giải tỏa những căng thẳng ấy, tôi viết!
- Với tập truyện này, anh kỳ vọng gì?
- Ban đầu tôi chưa định ra tập truyện. Sau đó tôi được sự động viên khích lệ của một số anh em bạn bè, nhất là sự thúc giục và giúp đỡ tận tình của một nhà văn trẻ nên cuốn sách đã ra đời. Đây là tập hợp những truyện ngắn của tôi trong khoảng 10 năm nay, cũng có thể coi là đánh dấu một chặng đường.
Đó là thời gian tôi cố gắng tìm tòi, thể nghiệm một số kĩ thuật viết, kể cả một số truyện còn viết theo bản năng nên chắc rằng chưa hoàn hảo như mong muốn. Chỉ mong tập truyện giúp bạn đọc có thêm một chút để giải trí, có thể cùng suy ngẫm, chiêm nghiệm và thấu cảm hơn với những số phận đa dạng ở đời sống thực là vui rồi.
- Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!
Trần Đức Hiển sinh năm 1982. Ngoài một số tập truyện ngắn in chung, “Vầng sáng” là tập truyện đầu tay. Anh đã đạt giải Nhì cuộc thi viết tùy bút "Điểm tựa cuộc sống" trên tập san Áo Trắng do báo Tuổi trẻ tổ chức năm 2013; Giải khuyến khích cuộc thi Sáng tác cho thiếu nhi do Ban mục vụ văn hoá Giáo phận Qui Nhơn tổ chức năm 2019; 2 Giải khuyến khích cuộc thi viết "Các vấn đề gia đình thời nay" do báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức năm 2019, 2020. Hiện anh là phóng viên tại Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao Sóc Sơn. |