Tạm dừng đổ thẳng bùn thải từ hói Phát Lát xuống ao hồ
Khu vực nạo vét bùn thải từ hói Phát Lát (Ảnh: Đ.Minh) |
Người dân xã Thủy Bằng (thị xã Hương Thủy, TP Huế) phản ánh, những ngày qua hàng nghìn m3 bùn thải chưa qua xử lý chưa qua xử lý được nạo vét từ công trình thi công hói (kênh) Phát Lát đi qua 2 phường An Đông và phường Xuân Phú (TP Huế), sau đó đổ thẳng xuống khu vực hồ nước Bàu Năng thuộc thôn Bằng Lãng (xã Thủy Bằng).
Hàng nghìn m3 bùn thải chưa qua xử lý nạo vét từ hói Phát Lát đưa đến tập kết và đổ xuống khu vực ao hồ thôn Bằng Lãng, xã Thuỷ Bằng (Ảnh: Đ.Minh) |
Ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại khu vực đổ thải một lượng lớn bùn thải đã được đổ thải xuống ao hồ cách UBND xã Thuỷ Bằng không xa, bùn thải còn được tập kết ngay bên lề đường Cơ Thánh, nơi có nhiều phương tiện qua lại mỗi ngày.
Một số hộ dân địa phương có trang trại chăn nuôi sát khu vực đổ thải chia sẻ, số bùn này bốc mùi hôi thối khiến người dân lo lắng về mức độ nguy hại môi trường, sức khỏe vì việc đổ bùn thải trên. Hôm nay vì thời tiết nắng nóng nên bùn thải khô và đã bớt mùi. Trước đó, trong quá trình đổ thải bùn còn nước, mùi hôi thối bốc ra từ bùn thải rất khó chịu, ngột ngạt.
Một số người dân khác có trang trại gần đó còn sử dụng khu vực này để nuôi ếch lồng lưới, thả cá trắm nuôi… |
Theo người dân địa phương, khu vực ao hồ này được gọi là Bàu Năng. Ở đây nguồn nước vốn sạch và rất nhiều tôm cá tự nhiên. Người dân vẫn thường đến khu vực này để câu cá, đánh lưới, một số người dân khác có trang trại gần đó còn sử dụng khu vực này để nuôi ếch lồng lưới, thả cá trắm nuôi…
Ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 11/4 đơn vị đã tiến hành lấy mẫu bùn thải nạo vét từ hói Phát Lát được đổ xuống ao hồ ở xã Thủy Bằng, TP Huế để gửi đến cơ quan có chuyên môn phân tích các thông số liên quan.
“Trước đó, vào ngày 10/4, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Huế chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát và chấn chỉnh việc quản lý, vận chuyển, xử lý bùn nạo vét của công trình khơi thông hói Phát Lát theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường” ông Đặng Phước Bình thông tin.
Ước tính tổng khối lượng bùn đổ thải khoảng 11.000m3 (Ảnh Đ.Minh) |
Ngoài Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện lực lượng thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã tiến hành lấy mẫu bùn thải nạo vét từ hói Phát Lát được đổ xuống ao hồ ở xã Thủy Bằng để gửi đi phân tích các thông số nhằm làm rõ trong bùn thải này có chất nguy hại hay không, dự kiến trong 10 ngày sẽ có kết quả, lúc đó mới có hướng xử lý tiếp theo, từ đó có căn cứ để có phương án xử lý cho phù hợp.
Theo ông Trương Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng, trước khi chở bùn thải nạo vét từ hói Phát Lát đến đổ ở xã Thủy Bằng, các cơ quan liên quan thuộc UBND thành phố Huế và Công ty HEPCO đã có biên bản làm việc ngày 30/3/2024 giữa các bên liên quan, khu vực đổ bùn thải là khu vực Bàu Năng, xã Thủy Bằng (thuộc tờ bản đồ số 16, xã Thủy Bằng) có sức chứa khoảng 56.000 m³ do UBND xã Thủy Bằng quản lý.
Lực lượng chức năng đã tiến hành lấy mẫu bùn thải nạo vét từ hói Phát Lát được đổ xuống ao hồ ở xã Thủy Bằng để gửi đi phân tích (Ảnh: Đ.Minh) |
Bên cạnh đó, theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc phê duyệt và công bố danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp trên địa bàn tỉnh Thừa - Thiên Huế, khu vực Bàu Năng không thuộc danh mục niêm yết. Do đó, HEPCO đề xuất vị trí trên đổ bùn nạo vét của dự án khơi thông hói Phát Lát, với khối lượng bùn đổ thải ước khoảng 11.000 m³.
Do đó, theo đề xuất của Phòng TN&MT thành phố Huế, UBND thành phố Huế đã có văn bản thống nhất vị trí đổ khoảng 11.000m3 (tương đương 16.000 tấn) bùn thải tại vị trí nói trên.
Được biết, công trình khơi thông hói Phát Lát được thực hiện nhằm khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị xung quanh khu vực hai bên hói Phát Lát do Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế (HEPCO) làm chủ đầu tư kiêm đơn vị thi công, tổng mức đầu tư hơn 5,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước.
Hói Phát Lát nối sông An Cựu và sông Như Ý (thuộc phường An Đông và Xuân Phú, TP Huế) dài hơn 1.700m là nơi có mức độ ô nhiễm bậc nhất ở Huế (Ảnh: PV) |
Ngoài nạo vét toàn bộ lòng hói từ cửa vào tại sông An Cựu đến cửa ra tại sông Như Ý với chiều dài 1.746m, chiều sâu nạo vét xuống đến đáy hói cũ, bề rộng đáy hói nạo vét trong phạm vi giữa hai tường chắn mái kè, thì đơn vị thi công còn vớt rác, bèo…Dự án được kỳ vọng sẽ khơi thông dòng chảy, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chỉnh trang đô thị xung quanh khu vực hai bên kênh Phát Lát.
Kênh Phát Lát nối sông An Cựu và sông Như Ý (thuộc phường An Đông và Xuân Phú, TP Huế) dài hơn 1700m lâu nay vẫn được biết là con kênh có mức độ ô nhiễm bậc nhất ở Huế. Năm 2021, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành khảo sát thực địa đồng thời lấy 5 mẫu nước mặt tại con kênh này để đo đạc, phân tích. Kết quả cho thấy, chất lượng nguồn nước mặt tại kênh Phát Lát có 2 thông số Amoni và Coliform vượt quy chuẩn. Do đó, HĐND thành phố Huế đã thông qua tờ trình của UBND thành phố Huế về việc khơi thông kênh Phát Lát. |