Tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh với nạn buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã
Sửa đổi bổ sung khung pháp lý để ngăn chặn việc săn bắt, buôn bán động vật hoang dã Ngăn chặn tình trạng buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã |
Lực lượng chức năng thu giữ tang vật một vụ buôn bán động vật hoang dã |
Tòa án nhân dân nhiều tỉnh đã đưa các vụ việc ra xét xử
Theo Cục Kiểm lâm, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm đã đạt nhiều kết quả tích cực, số vụ vi phạm về động vật hoang dã đã giảm qua các năm.
Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ việc nghiêm trọng với thủ đoạn ngày càng tinh vi. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong hai năm 2018 và 2019, lực lượng kiểm lâm toàn quốc đã xử lý hơn 560 vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật rừng. Trong đó, lập hồ sơ xử lý hình sự hơn 40 vụ, tịch thu 945 cá thể và 15.760 kg động vật rừng, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,2 tỷ đồng.
Đáng nói, các vụ việc liên quan vận chuyển, buôn bán ngà voi, sừng tê giác có số lượng lớn xảy ra tại địa bàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng… Do đó, lực lượng chức năng cả nước đã triệt phá, xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến hoạt động vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép động vật hoang dã. Trong đó, đưa ra xét xử nhiều vụ án nghiêm trọng, được dư luận đồng tình.
Đơn cử, trong năm 2019, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã đẩy mạnh công tác điều tra, khám phá các vụ án, kịp thời đưa các đối tượng vi phạm pháp luật về động vật hoang dã ra xét xử. Cụ thể, ngày 7/3, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã xét xử vụ án tàng trữ ngà voi trái phép và tuyên án 10 năm, sáu tháng tù giam đối với hai đối tượng. Số ngà voi tang vật đã được tiêu hủy theo đúng quy định pháp luật.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm, đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cầm đầu đường dây buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi từ châu Phi về Việt Nam cũng đã bị tuyên phạt 16 tháng tù giam.
Ngày 26/2/2019, một đối tượng khác ở Hà Nội bị tuyên án hai năm tù giam. Đối tượng này bị các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ khi đang vận chuyển một cá thể tê tê bằng xe khách vào tháng 10/2018.
Ngày 31/1/2019, Tòa án nhân dân thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định đã tuyên phạt 11 năm, sáu tháng tù giam đối với một đối tượng vận chuyển trái phép 10 cá thể rái cá vuốt bé.
Ngày 7/6/2019, Tòa án nhân dân huyện Phú Quốc (Kiên Giang) xét xử và tuyên án một chủ bè và một ngư dân trên địa bàn tổng cộng 10 năm, ba tháng tù giam do hành vi nuôi nhốt trái phép 12 cá thể vích với tổng khối lượng 165,5 kg. Cơ quan chức năng đã phát hiện các cá thể vích trên một nhà bè vào tháng 9/2018.
Trong số các loài động vật hoang dã đang bị buôn bán bất hợp pháp thì nổi cộm là nhóm loài: Voi, tê tê, tê giác, các loài rùa nước ngọt, rùa biển và các loài mèo lớn. Số vụ việc liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã được phát hiện và xử lý hằng năm vẫn tăng và còn diễn biến phức tạp khiến các cơ quan thực thi pháp luật cần có các nỗ lực mạnh hơn nữa để ngăn chặn và xử lý triệt để các đối tượng tội phạm này.
Tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm
Để giảm tình trạng vi phạm về động vật hoang dã, bên cạnh những công cụ mang tính chất ràng buộc và pháp lý quốc tế mà Việt Nam là thành viên như Công ước Đa dạng sinh học có tầm quan trọng quốc tế, Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, Việt Nam còn thúc đẩy các mối quan hệ với các đối tác để huy động sự hợp tác, phối hợp của các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc phòng chống buôn bán, tiêu thụ trái phép và bảo vệ các loài hoang dã. Đồng thời, Việt Nam cũng xây dựng các trung tâm bảo tồn gấu và các loài động vật hoang dã khác.
Thời gian tới, dựa trên kết quả thống kê, phân tích xác định phương thức thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng, đường dây, ổ nhóm, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng kế hoạch hành động, tăng cường thực thi pháp luật một cách hiệu quả, toàn diện.
Ngoài ra, một cơ quan đầu mối và hệ thống cơ sở dữ liệu chung về vi phạm liên quan đến động vật hoang dã cần được thiết lập để hỗ trợ các lực lượng, cơ quan chức năng truy xuất thông tin vi phạm về động vật hoang dã dễ dàng.
Việc tăng cường quản lý và kiên quyết không để các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về động vật hoang dã được nuôi nhốt hổ hay các loài nguy cấp quý hiếm khác vì bất cứ mục đích gì là góp phần bảo tồn các loài này trong tự nhiên.
Các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, để những đối tượng đang và có ý định sử dụng internet như một công cụ phạm pháp không thể tiếp tục coi thường pháp luật.
Các bộ, ngành, địa phương cần thường xuyên, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân ý thức phòng, chống vi phạm và tội phạm; ý thức bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Trong vấn đề này, cần chú trọng các đối tượng là cán bộ, đảng viên vì trong thực tế các sản phẩm của động vật hoang dã rất đắt đỏ, càng quý hiếm càng đắt đỏ; các cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn hoặc chủ động sử dụng, hoặc được các đối tác biếu hoặc mời sử dụng. Vì thế, nếu những người này nhận thức được nếu sử dụng là vi phạm pháp luật thì sẽ hạn chế sử dụng hoặc từ chối khi được mời, được biếu; từ đó lan tỏa ra xã hội. Trong một số hội thảo do UBTP tổ chức, một số ý kiến còn đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần ra các chỉ thị về việc cấm cán bộ, đảng viên sử dụng các sản phẩm của động vật hoang dã.
Các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao thường xuyên tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật liên quan đến quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm nhằm cập nhật thông tin cho cán bộ thực thi nhiệm vụ phòng, chống vi phạm và tội phạm về bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm; hướng dẫn các quy định mới, quy trình mới của pháp luật tố tụng hành chính, tố tụng hình sự trong xử lý các vụ việc, vụ án liên quan đến động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm, giúp các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương cập nhật thông tin và áp dụng pháp luật được thống nhất và chính xác.
Tòa án nhân dân tối cao theo thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các điều luật của BLHS, nhất là các nội dung nhằm xác định chính xác các hành vi phạm tội mà trong thực tế còn nhiều vướng mắc (sẽ đề xuất cụ thể ở phần sau). Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo thẩm quyền cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành các điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) quy định về xử lý vật chứng là động vật hoang dã, nguy câp, quý, hiếm.
Chính phủ sớm sửa đổi các quy định quy định hiện hành, bảo đảm phù hợp với quy định của BLHS năm 2015 và các nghị định về danh mục động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm. Ban hành nghị định thống nhất về danh mục loài động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thay thế Nghị định số và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý Loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ để tránh chồng chéo trong quá trình áp dụng pháp luật .
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần chủ động lập và công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định tại Điều 18 và Điều 20 Luật Giám định tư pháp để kịp thời giám định các vụ việc vi phạm xảy ra trên địa bàn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hàng năm phải dự toán khoản kinh phí để phục vụ cho hoạt động giám định, tiêu hủy vật chất , chăm sóc, bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm là tang vật của các vụ việc vi phạm hành chính và vụ án hình sự trong quá trình chờ quyết định xử lý của cơ quan tố tụng. Bố trí khoản kinh phí hàng năm cấp cho các cơ quan quản lý chuyên ngành và các trung tâm cứu hộ động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm để thực hiện công việc cứu hộ, bảo tồn, tái thả động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm thu giữ được từ hành vi vi phạm hành chính và tội phạm hình sự.
* “Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2020” |