Tăng cường kết nối online doanh nghiệp với người lao động
Kênh tuyển dụng hiệu quả phục hồi thị trường việc làm sau COVID-19
Hai năm qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19 nhưng với công nghệ trực tuyến phát triển mạnh mẽ và sự đa dạng hóa số lượng kênh tuyển dụng, kinh tế Thủ đô cũng như thị trường việc làm Hà Nội đã phục hồi mạnh mẽ.
Trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020, 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm chuyển sang hình thức cung cấp thông tin thị trường lao động, kết nối việc làm bằng hình thức trực tuyến, online cho doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Internet là kênh hiệu quả nhất để các nhà tuyển dụng và ứng viên tìm kiếm việc làm phù hợp và nhanh chóng nhất |
Nhờ đó, người lao động và doanh nghiệp có thể "gặp nhau" mà không bị phát sinh chi phí đi lại, xét nghiệm.
Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng mở kênh Zalo chính thức truyền thông thời sự về các hoạt động được người lao động quan tâm. Đây cũng là kênh quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, cá nhân tổ chức tuyển dụng lao động với các thông tin - vị trí tuyển dụng, giúp người lao động phản hồi những thắc mắc, câu hỏi cần giải đáp.
Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng tiếp tục triển khai các hoạt động chắp nối việc làm, tư vấn - giới thiệu việc làm, thu thập và cung cấp thông tin thị trường lao động theo hình thức gián tiếp và trực tuyến.
Tăng cường kết nối cung - cầu lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực
Với những hình thức hoạt động đa dạng, phong phú và liên tục đổi mới trong công tác tổ chức phiên giao dịch việc làm, trong 9 tháng năm 2022, số người lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm là 12.830 lao động; Đưa 3.638 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng.
Số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là trên 98.700 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng trên 51.500 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 44% so với 9 tháng đầu năm 2021. Riêng trong tháng 9, toàn thành phố giải quyết việc làm cho trên 14.900 lao động.
Đại diện Công ty CP 26 - BQP (quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, là doanh nghiệp sản xuất giày da, giày vải và đang thực hiện nhiều đơn hàng trong thời gian tới. Vì vậy, đơn vị đang cần tuyển dụng thêm 100 công nhân lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Mặc dù đã thông báo trên nhiều kênh khác nhau, nhưng công ty vẫn chưa tuyển được số lượng như mong muốn. Công ty cũng đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho lao động như, hỗ trợ tiền ăn ca và nhà ở cho công nhân ở xa, khám sức khỏe định kỳ hàng năm, tổ chức nghỉ mát hàng năm... mức lương dao động từ 8 - 12 triệu đồng. Với những chính sách này, doanh nghiệp mong muốn sẽ sớm tuyển dụng được đủ số lượng lao động để đi vào sản xuất ổn định.
Nhằm kết nối doanh nghiệp và người lao động, từ đầu năm đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại nhiều quận, huyện.
Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Long Biên năm 2022 thu hút đông đảo người lao động |
Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức Phiên giao dịch việc làm quận Long Biên năm 2022, thu hút hơn 84 đơn vị, doanh nghiệp với gần 9.000 chỉ tiêu tuyển dụng, tăng gấp đôi so với năm 2021.
Nhiều doanh nghiệp, nhãn hàng uy tín tham gia tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm quận Long Biên như: Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty TNHH MTV Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam, Công ty Cổ phần Nhựa cao cấp Hàng không, Công ty TNHH Nin Sing Logistics, Công ty TNHH Sản phẩm Ricoh Imaging Việt Nam, Tổng Công ty May 10…
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động là một trong những giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, đặc biệt là để hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động ổn định sau đại dịch COVID-19.
Ngoài việc tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động, các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã cũng đã tổ chức được rất nhiều hoạt động thiết thực.
Thông qua các điểm giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện, thị xã, các lao động yếu thế là người tàn tật, hộ nghèo, gia đình khó khăn, gia đình có công với cách mạng, các hộ gia đình trong diện giải phóng mặt bằng luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất trong việc cung cấp thông tin cung - cầu lao động; Được hỗ trợ việc hoạch định cơ chế chính sách phát triển kinh tế - xã hội của thành phố có liên quan đến công tác lao động việc làm.
Đồng thời, đây cũng là điểm tiếp nhận và giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trên địa bàn và các vùng lân cận.