Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học
30/30 trường học có bếp ăn không xảy ra ngộ độc tập thể
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng; các thành viên Ban chỉ đạo An toàn thực phẩm huyện; lãnh đạo UBND, trưởng công an các xã, thị trấn; đại diện Ban giám hiệu, nhân viên y tế, trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh các trường học công lập trên địa bàn...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết: Thời gian qua, Phòng Y tế huyện phối hợp Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các đơn vị trường tập trung thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào cho bếp ăn bán trú.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Bình |
Đặc biệt, nhiều năm qua, huyện, các xã, thị trấn, trường học đã rất coi trọng nội dung này thông qua hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên nuôi dưỡng, các nhà cung cấp thực phẩm.
Năm học 2023 - 2024, trên địa bàn huyện có 55 trường học công lập, trong đó, mầm non 19 trường, tiểu học 20 trường, trung học cơ sở 16 trường; 40.006 học sinh và 2.623 cán bộ, giáo viên.
Hệ thống bếp ăn tập thể của các trường công lập có tổ chức ăn bán trú đều được bố trí trang thiết bị, dụng cụ, cơ sở vật chất bảo đảm tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đáp ứng cung cấp suất ăn cho gần 35.000 học sinh; 100% cơ sở giáo dục đều ký cam kết, cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm...
Qua kiểm tra, giám sát, 30/30 trường học có bếp ăn tập thể trên địa bàn huyện không xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho các trường học trên địa bàn huyện năm học 2024 - 2025 và những năm tiếp theo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đào Thị Hồng đề nghị các phòng, ban, ngành huyện, UBND các xã, thị trấn, trường học đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định; xử lý nghiêm và công khai tên cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với các điểm bán hàng ăn uống lưu động, sạp bán hàng rong tại các trường, khu vực xung quanh cổng trường học, đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện giao Ban Chỉ đạo 197 huyện, các xã, thị trấn triển khai dẹp bỏ, nhằm bảo đảm an ninh ngoài trường học và an toàn thực phẩm cho học sinh.
Các ngành, địa phương: Y tế, giáo dục và UBND các xã, thị trấn cung cấp đường dây nóng phản ánh sự cố mất an toàn thực phẩm trong và xung quanh trường học để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nâng cao ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội trao đổi kinh nghiệm, giải pháp trong chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể.
Bà Lê Thị Hằng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội. Ảnh: Thanh Bình |
Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội) Lê Thị Hằng cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể trường hợp của TP luôn được đẩy mạnh. Mục tiêu là 100% cơ sở được kiểm tra, giám sát theo quy định, cụ thể trong năm 2023 đạt tỷ lệ 84,5% cơ sở được kiểm tra.
Đặc biệt, trong năm 2023, qua công tác kiểm tra của các đoàn kiểm tra của Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, ý thức phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể của các trường học được nâng cao hơn.
Bếp ăn tập thể trường học cần đảm bảo an toàn thực phẩm trong suốt chuỗi cung cấp thức ăn (sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể); nâng cao kiến thức và thực hành về an toàn thực phẩm cho người quản lý, chế biến thức ăn và cho người tiêu dùng tại bếp ăn tập thể; kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm thường xuyên trong chế biến, bảo quản và sử dụng thức ăn tại bếp ăn tập thể; lưu mẫu thức ăn theo quy định; lưu trữ các dữ liệu về bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể (nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu, thực phẩm đã chế biến, hồ sơ sức khỏe, kế hoạch, báo cáo kêt quả kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm...). Các trường cần xây dựng phương án xử lý khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Xác định nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng, đồng chí Lê Thị Hằng nhấn mạnh: Các nhà trường cần ký hợp đồng nhập thực phẩm từ các cơ sở cung ứng thực phẩm, có chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở áp dụng "Thực hành nông nghiệp tốt - GAP"; Viet GAP, cơ sở kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc kiểm soát nguyên liệu thực phẩm tại nơi sản xuất vùng nguyên liệu (vùng trồng trọt và chăn nuôi) là rất quan trọng. Khi tiếp nhận nguyên liệu, nhà trường cần có chứng chi (thẻ hàng) của bên cung cấp và kiểm tra nguyên liệu khi nhập như: Thực hiện kiểm thực 3 bước (trước khi nhập, trước khi nấu và trước khi ăn); kiểm tra bằng cảm quan và test nhanh (Rapid test...).
Qua buổi tập huấn, các học viên đã được cung cấp các kiến thức về các quy tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tuyên truyền, phổ biến nghiệp vụ các văn bản pháp luật về công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các trường học năm 2024; góp phần nâng cao ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các trường học, đảm bảo sức khỏe và quyền lợi của các học sinh.