Tăng cường kỷ luật kỷ cương và đẩy mạnh phân cấp ủy quyền
Chiều 7/7, cuối phiên chất vấn của kỳ họp thứ 7, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành hoạt động của UBND TP Lê Hồng Sơn đã tiếp thu và làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện kế hoạch đầu tư công
Theo đó, về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của TP, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Thành ủy, trực tiếp là đồng chí Bí thư Thành ủy hết sức quan tâm và đã có những chỉ đạo rất cụ thể. Ngày 5/7, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Quyết định số 2913 về việc thành lập Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP.
Căn cứ chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP đang tập trung triển khai quyết liệt. Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TP lần thứ 8, UBND TP đã tổ chức họp giao ban chuyên đề với các Sở, ban, ngành và UBND 30 quận, huyện, thị xã để chỉ đạo thực hiện các giải pháp đẩy nhanh các dự án đầu tư.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành hoạt động của UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn phát biểu cuối phiên chất vấn |
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, UBND TP sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung 6 nhóm nhiệm vụ.
Trong đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, xem xét trách nhiệm cá nhân, tập thể thiếu chủ động, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ; Tăng cường đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch đầu tư công, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, công tác giải phóng mặt bằng...
Cùng với đó, TP sẽ tăng cường vai trò, trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân khi được phân cấp, giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án; Nâng cao trách nhiệm, quyết tâm và tính chủ động của các chủ đầu tư trong phối hợp các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã để triên khai dự án; Đẩy mạnh công tác điều hành nguồn vốn kế hoạch đầu tư công;
TP cũng sẽ tập trung triển khai ngay các bước thực hiện Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội theo tiến độ; Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa...
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai ngay các thủ tục theo quy định
Về hoạt động xúc tiến đầu tư của TP, theo Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Hà Nội, UBND TP đã chỉ đạo rà soát kết quả thực hiện các chương trình, dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các biên bản ghi nhớ, cam kết thực hiện tại các hội nghị hợp tác đầu tư và phát triển giai đoạn từ năm 2016 đến nay.
Tính đến nay còn 32 biên bản ghi nhớ, tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15,172 tỷ USD (336,6 nghìn tỷ đồng), đã có 8 biên bản ghi nhớ được hoàn thành với tổng vốn 2,931 tỷ USD, chiếm 14,5% tổng giá trị biên bản ghi nhớ đã ký; 5 biên bản ghi nhớ đang triển khai, tổng vốn 4,497 tỷ USD, chiếm 29,64% tổng giá trị biên bản ghi nhớ đã ký. Số còn lại chưa được tổ chức thực hiện.
Trong thời gian tới, UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo tiếp tục rà soát, phân loại các biên bản ghi nhớ có khả năng triển khai. Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục quan tâm và đủ năng lực triển khai, UBND TP có giải pháp cụ thể để hỗ trợ nhà đầu tư triển khai ngay các thủ tục theo quy định. Đối với nhà đầu tư không có khả năng triển khai, UBND TP sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành.
Đối với danh mục các biên bản ghi nhớ đã ký theo quốc gia, khu vực, TP chủ động trao đổi các đối tác về khả năng triển khai để quyết định việc kêu gọi các đối tác mới.
Quang cảnh phiên chất vấn |
Kiên quyết thu hồi các diện tích nhà, đất sử dụng không đúng quy định
Về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP cho biết: UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện ngay 5 nhóm nhiệm vụ: Hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà, đất đối với các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; Rà soát, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP; Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
TP Kiên quyết thu hồi để xử lý theo quy định các diện tích nhà, đất không sử dụng, sử dụng không đúng quy định; Phân loại, xử lý dứt điểm những trường hợp vi phạm thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài.
TP sẽ tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý tài sản công các cấp, bảo đảm đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ; Tăng cường sự phối hợp trong quản lý tài sản công giữa các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã;
Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, sử dụng và khai thác tài sản công là nhà, đất. Trước mắt, TP tập trung cập nhật đầy đủ, chính xác hồ sơ, tài liệu về nhà, đất vào Cơ sở dữ liệu về tài sản công của TP, đồng thời xây dựng phần mềm để quản lý, khai thác hiệu quả dữ liệu tài sản công về nhà, đất phục vụ công tác quản lý của TP.
TP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên đề, đột xuất việc chấp hành quy định về quản lý, sử dụng tài sản công; Kịp thời điều chỉnh những bất cập trong cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng nhà, đất...
Đẩy mạnh phân cấp ủy quyền và TTHC
Về nội dung phân cấp ủy quyền thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực hạ tầng kinh tế - xã hội và phân cấp về thủ tục hành chính (TTHC), Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP cho biết: Nội dung này đã được thống nhất qua kỳ họp này và sẽ xem xét thông qua đề án phân cấp vào kỳ họp tháng 9 của HĐND TP tới đây, cụ thể hóa nội dung phân cấp.
Về giải pháp, đồng chí Lê Hồng Sơn cho biết, TP sẽ đẩy mạnh phân cấp ủy quyền nhiệm vụ và TTHC; Thực hiện một cách thực chất, bền vững, hiệu quả việc đơn giản hóa TTHC, tăng cường dịch vụ công trực tuyến mà trọng tâm là Đề án 06 của Chính phủ để phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Trước mắt, TP tập trung vào những TTHC thiết yếu, gồm 25 TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp. Hà Nội được lựa chọn là đơn vị làm mẫu thí điểm triển khai để từ đó nhân rộng ra toàn quốc. TP đã thành lập ban chỉ đạo và triển khai khẩn trương, quyết liệt, bước đầu có kết quả trong thực hiện 25 dịch vụ công thiết yếu trên nền tảng trực tuyến.
“Thước đo cho sự thành công trong cải cách hành chính được UBND TP xác định chính là sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp” - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách điều hành UBND TP Lê Hồng Sơn khẳng định.