Tăng cường thông tin diễn biến mưa lũ đến người dân Thủ đô
Báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội cho thấy: Từ chiều 7/9/2024, một số huyện mất điện diện rộng gây ảnh hưởng đến chất lượng sóng di động trên địa bàn thành phố như: Chương Mỹ, Thạch Thất, Ba Vì, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Mê Linh, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Thanh Oai.
Ngay sau khi ngớt mưa và có điện trở lại, các đơn vị đã tổ chức ứng cứu thông tin, đến nay cơ bản các trạm đã được cấp điện hoạt động trở lại (một số trạm đang tiếp tục chạy máy nổ chờ cấp điện lưới). Các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã, Tổng Công ty điện lực thành phố tiếp tục khắc phục sự cố, đảm bảo thông tin liên lạc kịp thời.
Thiệt hại do cây đổ, cột điện bị gẫy làm đứt các tuyến cáp quang (loại cáp 48Fo, 96Fo) tại một số huyện trên địa bàn: Hà Đông, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hoàng Mai,… VNPT Hà Nội và các doanh nghiệp đã khắc phục sự các cố, đảm bảo thông tin liên lạc, phục vụ khách hàng.
Hệ thống đài truyền thanh cơ sở tại một số huyện như Mê Linh (Đại Thịnh: 22/38 cụm loa), Phúc Thọ (28 cụm loa), Ứng Hòa (1 cụm loa) bị mất điện.
Nhiều phương án đã được triển khai để ứng phó với mưa lũ theo phương châm "4 tại chỗ" |
Trong ngày 11/9/2024, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đoàn công tác thị sát, kiểm tra công tác đảm bảo thông tin liên lạc dọc tuyến đê sông Hồng qua các địa bàn các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Bắc Từ Liêm theo chỉ đạo của UBND thành phố.
Qua kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, Sở Thông tin và Truyền thông ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của chính quyền và Nhân dân các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Bắc Từ Liêm trong việc đảm bảo an toàn thông tin liên lạc trong trường hợp xảy ra mưa lũ lớn. Các doanh nghiệp đã đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền thành phố trong công tác khắc phục hậu quả bão, lũ.
Sở Thông tin và Truyền thông liên tục cập nhật, cung cấp thông tin qua các nhóm Zalo cho các phóng viên báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội các văn bản chỉ đạo (Điện của Thường trực Thành ủy Hà Nội; các Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn TP Hà Nội,…), các bản tin cảnh báo của Tổng cục Khí tượng thủy văn, Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN. Đồng thời, Sở phối hợp, hỗ trợ kết nối các báo, đài với các cơ quan của thành phố để ghi nhận, phản ánh công tác phòng, chống bão của thành phố Hà Nội.
Các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và Hà Nội liên tục thông tin về công tác chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về ứng phó với cơn bão số 3; các giải pháp phòng, chống bão, hỗ trợ người dân của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội; cập nhật các bản tin về diễn biễn, dự báo tốc độ của bão, cấp độ rủi ro thiên tai; hướng dẫn các kỹ năng phòng, chống bão; khuyến cáo của chính quyền và các cơ quan, chức năng; thông tin về tình hình khắc phục thiệt hại do mưa bão…
Đến ngày 11/9/2024, các cơ quan báo Hà Nội có 1990 tin, bài thông tin, tuyên truyền ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố, trong đó: Báo Tuổi trẻ Thủ đô: 593 (tính đến 17h ngày 11/9). Báo Kinh tế và Đô thị: 538 (tính đến 17h ngày 10/9). Báo HàNộimới: 325 (tính đến 24h ngày 10/9).
Để tiếp tục thông tin tình hình mưa lũ đến đông đảo người dân, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tăng cường thông tin, tuyên truyền diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai tới người dân thông qua các báo, đài trung ương, địa phương và Hà Nội, hệ thống thông tin cơ sở, mạng xã hội, zalo,…
Cùng với đó, Sở cũng chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính viễn thông theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai để chủ động ứng phó kịp thời, đảm bảo thông tin liên lạc ứng phó cơn bão 3 và khắc phục hậu quả sau bão.