Tạo đà để bứt phá từ chuyển đổi số
Thực hiện bài bản, khoa học
Xác định chuyển đổi số là chìa khóa để huyện bứt phá trên các lĩnh vực, năm qua, huyện Gia Lâm đã tập trung dồn lực cho CĐS.
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, năm 2024, huyện đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch của UBND Thành phố như: Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 08/02/2024 về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024”; Kế hoạch số 245/KH-UBND ngày 15/8/2024 về “Triển khai thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Kế hoạch số 259/KH-UBND ngày 29/8/2024 về “Khắc phục một số tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội trong năm 2024” và các văn bản hướng dẫn của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội.
Đồng chí Đặng Thị Huyền - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo về công tác chuyển đổi số trên địa bàn |
Cụ thể, UBND huyện Gia Lâm đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo yêu cầu và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đáng chú ý, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo; thực hiện rà soát, kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án 06 tại thôn, tổ dân phố và Tổ công nghệ số cộng đồng với tên gọi mới là Tổ Chuyển đổi số cộng đồng. Đến nay, 100% các xã, thị trấn trên địa bàn đã thực hiện ban hành Quyết định.
Nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm là Trưởng ban chỉ đạo CCHC, CĐS và Đề án 06 của huyện; trực tiếp chủ trì các cuộc họp giao ban của BCĐ huyện. Huyện cũng chỉ đạo 100% các cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn trên địa bàn có phân công nhiệm vụ bố trí cán bộ, kiêm nhiệm CĐS, CNTT đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.
Đặc biệt, về trụ cột chính quyền số, năm 2024, huyện đặt ra 26 chỉ tiêu và đã hoàn thành 100%. Để có thành tựu này, UBND huyện đã đầu tư đầy đủ hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu thành chính quyền số huyện Gia Lâm tương tác, minh bạch, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Người dân quét mã QR tìm hiểu về thủ tục hành chính tại Bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm |
Dấu ấn trong cải cách hành chính
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, lãnh đạo huyện Gia lâm cho biết, hiện nay, 100% các văn bản của huyện được xử lý trên phần mềm quản lý văn bản của Thành phố (trừ các văn bản mật) theo quy trình quy định. Huyện đã thực hiện số hóa toàn bộ kết quả giải quyết hồ sơ hành chính đối với 100% các hồ sơ tiếp nhận tại Bộ phận Một cửa huyện và xã, thị trấn.
Tại Bộ phận Một cửa huyện và 22 xã, thị trấn đều duy trì tốt hệ thống camera kết nối tập trung; được trang bị đầy đủ thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu theo Quyết định số 4379/QĐ-UBND ngày 10/11/2022 của UBND TP Hà Nội về việc Phê duyệt Đề án Mô hình Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đoàn kiểm tra của TP Hà Nội đánh giá cao về việc triển khai thực hiện quy tắc ứng xử tại Bộ phận Một cửa tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm |
Đặc biệt, huyện Gia Lâm là một trong những huyện đi đầu của TP triển khai sáng kiến sử dụng quét mã QR để đánh giá sự hài lòng tại Bộ phận Một cửa. Điều này mang đến chuyển biến tích cực, sự phấn khởi cho cá nhân, doanh nghiệp đến thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn huyện.
Anh Nguyễn Văn Đạo, ở thôn Lại Hoàng, xã Yên Thường cho hay, khi làm thủ tục xin cấp bản sao giấy khai tử cho người nhà, anh nhận được sự hướng dẫn chu đáo của công chức Bộ phận Một cửa xã, nhờ đó, thủ tục được giải quyết nhanh gọn chỉ trong ít phút.
“Việc thanh toán bằng cách quét mã để trả phí giải quyết TTHC rất hữu ích, thuận tiện. Sáng kiến quét mã QR để người dân đánh giá sự hài lòng cho thấy sự cầu thị của cán bộ công chức trên địa bàn. Ai không tận tình, thái độ làm việc ra sao đều được người dân đánh giá trực tiếp. Điều này làm tăng sự minh bạch và công khai, khiến cán bộ, công chức nâng cao ý thức và trách nhiệm phục vụ dân”, anh Nguyễn Văn Đạo đánh giá.
Đến nay, 100% dịch vụ công của huyện Gia Lâm được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Với mô hình "Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn" được triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, toàn huyện Gia Lâm đã tiếp nhận và giải trung bình 2.528 hồ sơ/tháng. Điểm sáng tạo, đổi mới của “Ngày thứ ba không viết, không giấy hẹn” chính là cá nhân, tổ chức đến thực hiện TTHC không phải tự viết tờ khai, mà có đội ngũ tình nguyện viên nhập dịch vụ công cho TTHC và viết giúp tờ khai (mọi thao tác liên quan dịch vụ công trực tuyến đều do công chức thực hiện). Công dân được lấy kết quả của TTHC chỉ trong vòng 2 giờ kể từ khi nộp hồ sơ (khi hồ sơ thỏa mãn điều kiện), trong đó nhiều thủ tục chưa đến 2 giờ đã được nhận kết quả.
Tiểu thương tại thị trấn Trâu Quỳ cùng người dân đã quen với việc thanh toán không dùng tiền mặt mỗi khi mua sắm |
Ngoài ra, huyện triển khai thành công nhiều mô hình thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt. Đến nay, tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt cấp huyện đạt 95%, cấp xã đạt từ 70 - 90%. Điển hình nhất là, Kho bạc Nhà nước Gia Lâm đã đảm bảo việc hoàn thuế điện tử cho các đối tượng thụ hưởng nhanh chóng, chính xác và an toàn. Việc chuyển từ hoàn thuế bằng phương pháp thủ công sang hoàn thuế điện tử đã nhận được sự đồng thuận cao của người dân và doanh nghiệp.
Kho bạc Nhà nước Gia Lâm đã phối hợp chuyên thu với 11 hệ thống ngân hàng; 100% các đơn vị đều gửi chứng từ tới Kho bạc qua chương trình dịch vụ công trực tuyến. Toàn bộ hồ sơ giao dịch được tiếp nhận và giải quyết đúng hạn; 100% các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch qua Kho bạc Nhà nước Gia Lâm không thanh toán bằng tiền mặt.
Theo Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Gia Lâm Phạm Thị Hồng Hải, lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt trong thủ tục hành chính là đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; minh bạch hóa các giao dịch thanh toán, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Điểm sáng về số hóa di tích, phát huy tiềm năng di sản
Theo báo cáo của huyện Gia Lâm, với 59 nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó có 35 nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, 24 nhiệm vụ về kinh tế số và xã hội số có, đến nay, huyện đã hoàn thành 100%.
Không chỉ ở lĩnh vực cải cách hành chính, ở lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa của huyện, dấu ấn chuyển đổi số khá rõ nét và hiệu quả.
Cụ thể, về kinh tế số, kênh thương mại điện tử gialamshop.com đã cập nhật được 139 sản phẩm của 13 đơn vị. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, cơ sở kinh doanh trên địa bàn; thí điểm thành công mô hình chợ thông minh không dùng tiền mặt theo chương trình chuyển đổi số tại thị trấn Trâu Quỳ. Đến nay, 84/84 hộ kinh doanh tại chợ đã sử dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện giao dịch, thanh toán đạt tỷ lệ 100%.
Huyện đã triển khai xây dựng 20 bảng mã QR tra cứu thông tin, ứng dụng thuyết minh tự động tại các di tích trên địa bàn huyện gắn với tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch |
Đăc biệt, trong lĩnh vực văn hóa, huyện Gia Lâm trở thành điểm sáng của TP Hà Nội về số hóa di tích, phát huy tiềm năng di sản. Huyện đã triển khai xây dựng 20 bảng mã QR tra cứu thông tin, ứng dụng thuyết minh tự động tại các di tích trên địa bàn huyện gắn với tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch. Tính đến hết năm 2024, toàn huyện có 125 bảng gắn mã QR.
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, với nhiệm vụ chuyển đổi số, năm 2024, huyện có tổng số 37 chỉ tiêu.Trong đó, huyện có 36 chỉ tiêu hoàn thành (đạt tỷ lệ 97,3%). |
Bên cạnh đó, huyện Gia Lâm tích cực quảng bá sản phẩm du lịch ảnh 3600 đối với các di tích tiêu biểu và các điểm du lịch trên Cổng thông tin điện tử huyện, tại chuyên mục “Gia Lâm - Du lịch 3600”; khai thác dữ liệu kiểm kê hiện vật, số hóa các hiện vật tại 287 di tích; dữ liệu dập, dịch văn bia và các tư liệu Hán nôm tại các di tích.
Trong lĩnh vực đào tạo, các trường trên địa bàn khai thác và sử dụng có hiệu quả 6 hệ thống phần mềm chính để thực hiện công tác quản lý điều hành chung và nhiều phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, hỗ trợ giảng dạy, giao bài cho học sinh như: phần mềm Zoom, Office 365, Azota, Quizizz, Imindmap, E-learning; ứng dụng AI vào trong giảng dạy.
Bên cạnh đó, các nhà trường đều duy trì hoạt động phần mềm Thư viện điện tử 28/28 trường Tiểu học đã hoàn thành triển khai thí điểm Học bạ số. 100% các trường MN, TH, THCS cập nhật hồ sơ giảng dạy, hồ sơ của tổ chuyên môn lên hệ thống hồ sơ điện tử: hsdttruong.qlgd.edu.vn.
Ông Đặng Xuân Lợi - Tổ trưởng Tổ dân phố Thành Trung trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về việc triển khai mô hình Tổ dân phố số Thành Trung. |
Đặc biệt, huyện triển khai thí điểm giáo dục kỹ năng công dân số tại 2 trường Tiểu học Kim Sơn và Yên Viên và dự kiến hoàn thành vào tháng 5/2025.
Được biết, huyện Gia Lâm đang triển khai thí điểm mô hình Tổ dân phố số Thành Trung và xã nông thôn mới thông minh Dương Xá. Với những bước đi bài bản, khoa học, có trọng điểm, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, ban ngành huyện và người dân, huyện Gia Lâm chắc chắn sẽ tiếp tục “ghi điểm” trong lĩnh vực CĐS, tạo đà để huyện bứt phá khi lên quận trong thời gian tới.