Tạo sinh kế lâu dài cho người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển
Sau khi khắc phục sự cố môi trường biển, hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản
Bài liên quan
Không chủ quan, thỏa mãn, tiếp tục xây dựng nông thôn mới
Thúc đẩy liên kết chuỗi và ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Tận dụng hiệu quả cơ hội xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc
Liên bang Nga chuyển giao nhiều công nghệ hiện đại cho Việt Nam
Sau hơn 2 năm thực hiện, các ban, ngành chức năng của bốn tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm tạo sinh kế lâu dài, ổn định đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển.
Từng bước hỗ trợ đời sống cho người dân
Tháng 4/2016, một sự cố môi trường biển nghiêm trọng đã xảy ra tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, gây thiệt hại lớn hệ sinh thái biển, nguồn lợi hải sản, ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, đời sống của khoảng 510.000 người, khoảng 130.000 hộ dân ở 730 thôn, xóm tại 146 xã, phường, thị trấn của 22 huyện vùng ven biển của bốn tỉnh miền Trung. Nhận thức được tính phức tạp, đa ngành, đa lĩnh vực trong công tác ổn định đời sống, sản xuất kinh doanh cho nhân dân bốn tỉnh này, ngày 23/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
Từ khi thành lập đến nay, Ban Chỉ đạo đã hoạt động tích cực, sâu sát, thường xuyên tổ chức họp để nắm tình hình thực tế tại các cơ sở, kịp thời đưa ra các phương án, giải pháp để giải quyết, xử lý triệt để các tình huống phát sinh. Cụ thể, ngay từ khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo quyết liệt triển khai các biện pháp khẩn cấp ổn định đời sống nhân dân theo quyết định số 772/QĐ-TTg và Quyết định 1138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để Bộ Tài chính xuất cấp 19.335 tấn gạo, 101 tỷ đồng tiền mặt hỗ trợ ngay cho người dân bị ảnh hưởng.
Về lâu dài, Ban Chỉ đạo đã khẩn trương xây dựng và trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế”.
Nói về Quyết định số 12/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế”, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Đề án đã đưa ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ mang tính đồng bộ, toàn diện nhằm khôi phục và ổn định lâu dài đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, phục hồi hệ sinh thái một cách hiệu quả và bền vững.
Cụ thể, đó là nhiệm vụ xác định thiệt hại và bồi thường, nhóm chính sách về bảo đảm an sinh xã hội như bảo đảm sức khoẻ nhân dân và an toàn thực phẩm; chính sách hỗ trợ giáo dục và đào tạo nghề nghiệp; tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; chính sách về khôi phục sản xuất; hỗ trợ lãi suất cho khoản vay mới để khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp; xử lý nợ và hỗ trợ lãi suất; phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thuỷ sinh, nguồn lợi thuỷ sản và thuỷ sinh; dự án xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển bốn tỉnh miền Trung.
Nhiều địa phương cũng đẩy mạnh phát triển du lịch biển để tăng các nguồn lợi kinh tế |
Thực hiện Đề án của Chính phủ, sau khi xảy ra sự cố môi trường biển, UBND tỉnh Quảng Trị đã tăng cường nguồn lực hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, học nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động nhằm chuyển đổi sinh kế để ổn định cuộc sống. Cụ thể, từ tháng 6/2018, UBND tỉnh Quảng Trị có chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, thời gian đào tạo bình quân dưới 3 tháng cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Theo đó, tỉnh mở 33 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp như: đan lát, dệt may, thêu... thời gian đào tạo từ 1 - 4 tháng, mức kinh phí hỗ trợ từ 900.000 - 2,5 triệu đồng/người/khóa học, tùy ngành học.
Đối với nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, trồng sả, trồng rừng, chăn nuôi... tỉnh mở 30 lớp đào tạo, thời gian đào tạo từ 1- 2 tháng, mức kinh phí hỗ trợ từ 800.000 - 2,2 triệu đồng/người/khóa học, tùy ngành học. Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng tạm cấp hỗ trợ trên 31 tỷ đồng cho bốn huyện ven biển gồm Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng để đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động vùng biển.
Đồng thời, tỉnh Quảng Trị cũng đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động ở vùng ven biển. Sở Lao động Thương binh và Xã hội Quảng Trị đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, xuất khẩu lao động; chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động; tư vấn việc làm; mở sàn giao dịch việc làm... ở các xã vùng ven biển.
Tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Với sự chỉ đạo thống nhất, quyết liệt của Ban Chỉ đạo, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đến nay chúng ta đã cơ bản hoàn thành các nhóm nhiệm vụ nêu trên. Số kinh phí bồi thường và hỗ trợ thiệt hại của Công ty Formosa đã được giải ngân hoàn toàn, bảo đảm đúng cam kết, đúng quy định và mục tiêu đề ra. Đến nay các tổ chức, cá nhân bị thiệt hại trực tiếp do sự cố môi trường biển đã được bồi thường đầy đủ, các tổ chức và cá nhân bị ảnh hưởng đã được hỗ trợ để khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.
Đặc biệt, nguồn lợi thuỷ sản đã có sự phục hồi, người dân tiếp tục ra khơi, từng bước chuyển các nghề khai thác gần bờ sang khai thác ở vùng biển xa bờ. Số lượng tàu khai thác trên biển đã tăng trở lại bình thường, sản lượng nuôi trồng thủy sản của bốn tỉnh liên tục tăng cao. Hoạt động kinh doanh thủy sản đã trở lại bình thường, người tiêu dùng đã yên tâm sử dụng các sản phẩm hải sản. Đến nay, các khu du lịch biển, bãi tắm của bốn tỉnh miền Trung đã hoạt động trở lại bình thường.
Cùng với đó, Chính phủ cũng luôn tạo điều kiện và khuyến khích nhân dân đóng mới tàu thuyền để đánh bắt xa bờ, nâng cao năng suất, thu nhập trong bảo vệ, khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản. Kiên quyết hạn chế và chấm dứt việc khai thác thủy hải sản bằng các phương tiện đánh bắt thô sơ, ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản của đất nước.
Bên cạnh việc phát triển kinh tế bền vững, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân bốn tỉnh bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển thì công tác bảo đảm an sinh cũng được hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả. Hiện, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã hỗ trợ cấp 237.781 thẻ bảo hiểm y tế. Hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên đại học trong 2 năm từ 2016 - 2018. Đồng thời, đã đưa hàng chục nghìn người đi lao động làm việc theo hợp đồng tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Cũng theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, các nguồn thải của Công ty Formosa tiếp tục được giám sát chặt chẽ và toàn diện. Để bảo đảm an toàn thực phẩm, các giải pháp hướng dẫn phân lô, tổ chức lấy mẫu, kiểm nghiệm, đánh giá quản lý an toàn thực phẩm, hướng dẫn xử lý hải sản đông lạnh không an toàn được triển khai đồng bộ theo đúng quy định.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo về các giải pháp ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho người dân bốn tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển đề nghị các tỉnh ưu tiên hỗ trợ người dân vùng ven biển và bãi ngang; tiếp tục huy động nguồn lực hỗ trợ bà con; lồng ghép vốn từ các chương trình để đầu tư vùng ven biển; tăng cường cán bộ khoa học kỹ thuật về địa phương giúp người dân; nhân rộng mô hình chuyển đổi sinh kế đã có hiệu quả...
* Đây là bài viết tuyên truyền bảo vệ môi trường của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2019