Tập đoàn Thái Tuấn chậm thanh toán hơn 840 tỷ đồng tiền gốc và lãi trái phiếu
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn vừa công bố tin về tình hình thanh toán gốc và lãi trái phiếu trong năm 2022.
Theo đó, Tập đoàn Thái Tuấn có lô trái phiếu là TTDCH2122001 và TTDCH2122002 được phát hành vào tháng 4 và 5/2021 với cùng kỳ hạn 18 tháng có tổng mệnh giá 800 tỷ đồng nhưng công ty chưa thanh toán.
Trong đó, lô trái phiếu TTDCH2122001 có mệnh giá phát hành 300 tỷ đồng với ngày thanh toán theo kế hoạch là 12/10/2022. Còn lô trái phiếu TTDCH2122002 có mệnh giá 500 tỷ đồng dự thanh toán vào 20/11/2022.
Một showroom của Thái Tuấn. (Ảnh: Thái Tuấn Fashion) |
Mặc dù thời hạn thanh toán đã qua đi nhiều tháng nhưng công ty vẫn chưa thanh toán được tiền gốc. Ngoài ra, tổng số tiền lãi mà Tập đoàn Thái Tuấn còn chậm thanh toán theo đúng kỳ hạn vào tháng 4, 5/2022 là 43 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tiền gốc và lãi mà Tập đoàn Thái Tuấn chưa thanh toán là hơn 840 tỷ đồng. Nguyên nhân công ty chưa thanh toán gốc và lãi số trái phiếu trên do chưa thu xếp được nguồn tiền.
Được biết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Tuấn tiền thân là Công ty Cổ phần Tập đoàn Thời trang Thái Tuấn, do doanh nhân Thái Tuấn Chí thành lập năm 2007. Theo thông tin đăng ký doanh nghiệp thay đổi gần nhất, công ty có vốn điều lệ 1.680 tỷ đồng, ông Trần Hoài Nam (SN 1983) làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật.
Theo tìm hiểu, ông Thái Tuấn Chí (SN 1963) là nhà sáng lập và đã có nhiều năm ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn. Sau đó, tháng 10/2020, ông Chí chuyển giao vị trí Tổng Giám đốc cho ông Trần Hoài Nam.
Tập đoàn Thái Tuấn nổi tiếng với thương hiệu vải Thái Tuấn, là một trong những doanh nghiệp dệt may cung cấp sản phẩm và dịch vụ thời trang hàng đầu Việt Nam, chuyên sản xuất vải dệt jacquard, vải in bông trên công nghệ in digital, vải đơn sắc, vải đa sắc…
Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã có nhiều bài viết mang tính cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó đã thông tin việc có nhiều doanh nghiệp đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp với số tiền lên tới hàng trăm tỷ, hàng nghìn tỷ đồng. Mặt khác, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính cũng đã liên tục đưa ra cảnh báo việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang bộc lộ nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và có nguy cơ gây mất an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Từ năm 2019 đến nay, Bộ Tài chính đã triển khai trên 30 đoàn kiểm tra tại các doanh nghiệp phát hành, công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại. Qua kiểm tra, cơ quan quản lý đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các biện pháp khắc phục hậu quả đối với nhiều đơn vị, thậm chí có vụ việc đã có dấu hiệu hình sự và cơ quan chức năng đã khởi tố như vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát. Thực tế, thời gian qua cũng đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp đã không thể thanh toán tiền gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư. Trong đó các công ty đều trong tình trạng mất cân đối tài chính, đặc biệt là việc nợ vượt vốn chủ sở hữu. |