Tết và những lần “đầu tiên”
“Tết quê hương” đong đầy yêu thương Tết ấm áp trong vòng tay đồng đội Tết xa nhà của người trẻ Việt |
Du lịch xuyên Tết
Đặng Hồng Anh (27 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng quyết định dành trọn vẹn những ngày Tết để đi du lịch tại Hội An (Quảng Nam) và Quy Nhơn (Bình Định). Bạn đồng hành cùng chàng trai trẻ trong chuyến hành trình đáng nhớ này là bố và mẹ, những người thân yêu nhất của anh.
Hồng Anh cho biết, gia đình anh khởi hành từ ngày 19/1 (tức 28 Tết Âm lịch) và trở về Hà Nội vào ngày mùng 6 Tết. Mọi năm, anh cùng bố mẹ đều về quê tại Thái Bình để đón Tết. Chuyến du lịch năm nay chính là lần đầu tiên gia đình Hùng có sự thay đổi về thói quen ăn Tết.
"Trong năm vừa qua, công việc của mình thực sự rất bận, số ngày thức thâu đêm có lẽ không thể đếm được. Mình không có nhiều thời gian cho gia đình trong khi bố mẹ đã lớn tuổi lại chỉ có mỗi mình mình. Họ hàng ở quê cũng ít nên ông bà cũng không có nhiều người để trò chuyện cùng.
Hồng Anh cùng bố mẹ đã có một trải nghiệm đón năm mới khác lạ bằng việc đi du lịch xuyên Tết |
Bố mẹ mình thường nói muốn được đi du lịch với mình vì sợ sau này có tuổi sẽ không đi được nữa. Vì vậy, đợt nghỉ lễ năm nay, mình gợi ý bố mẹ cùng đi du lịch xuyên Tết. Đây là một món quà mình thực sự mong muốn được dành tặng cho bố mẹ", Hồng Anh chia sẻ.
Đối với Hồng Anh, trải nghiệm du lịch dịp Tết năm nay rất đáng nhớ và thú vị. Thay vì ở nhà tiếp khách và ngủ như mọi năm, gia đình Hồng Anh được đi chơi, ngắm cảnh, trải nghiệm những thứ mới lạ. Đây cũng là một cách giúp anh nạp năng lượng rất tuyệt vời sau một năm 2022 làm việc hết công suất.
Đi du lịch những ngày này, Hồng Anh được trải nghiệm cảm giác rất mới lạ về những thành phố lần đầu tiên anh và bố mẹ đặt chân đến. Dù thời tiết tại Hội An những ngày Tết không quá đẹp, một số hàng quán nổi tiếng cũng đóng cửa từ sớm nhưng nơi này vẫn có rất nhiều thứ giúp Hùng có một kỳ nghỉ tuyệt vời.
“Cảnh vật tại Hội An rất nên thơ, những ngôi nhà cổ, hoạt động đi thuyền thả hoa đăng… hay món ăn ngon như cao lầu, bánh mì Phượng, trà Mót... khiến mình thực sự rất hài lòng. Ngày mai mình sẽ tới khu nghỉ dưỡng ở Quy Nhơn, chắc chắn là nó sẽ giúp mình thư giãn và giải tỏa rất nhiều áp lực.
Quan trọng nhất, dù ở một nơi xa quê nhưng mình vẫn được ở cùng bố mẹ trong khoảnh khắc chuyển giao năm mới. Sau tất cả những gì đã trải qua trong cuộc sống, gia đình luôn là điều tuyệt vời nhất sưởi ấm tâm hồn và mang lại động lực cho mình", Hồng Anh nói thêm.
Tết đầu tiên không về nhà
Với chàng trai trẻ Nguyễn Quang Huy (24 tuổi, quê Thanh Hóa), đây là năm đầu cậu bạn quyết định ở lại Hà Nội làm việc xuyên Tết. Từ 23 âm lịch, Quang Huy đã chuẩn bị một ít quà bánh, hoa quả tươi gửi về quê cho ba mẹ.
Ban đầu, bố mẹ Huy không đồng ý để con xa nhà trong dịp quây quần. Tuy nhiên, nhờ nỗ lực thuyết phục của mình, bố mẹ Huy cũng gật đầu với điều kiện phải video call đón giao thừa, xem pháo hoa cùng nhau.
Năm nay là năm đầu tiên Quang Huy không đón Tết cùng gia đình |
“Là con trai lớn trong nhà, mình thấu hiểu sự lo lắng và nỗi nhớ của gia đình. Chính mình cũng có phần lo lắng, không rõ sẽ vượt qua cái Tết xa nhà đầu tiên ra sao. Dù vậy, mùa lễ hội là dịp tốt để bartender trẻ như mình có cơ hội thử thách, rèn luyện kỹ năng pha chế và xử lý tình huống phát sinh trong công việc.
Tất nhiên, công việc cũng nặng hơn ngày thường khi lượng khách đổ về cao ít nhất gấp đôi ngày thường. Song, mức thù lao, tips và các chi phí hỗ trợ khác rất xứng đáng với công sức bỏ ra.
Bên cạnh đó, mình và bạn cùng phòng cũng dành thời gian đi chợ ngắm hoa, sắm ít kẹo bánh, thực phẩm dự trữ cho mấy ngày lễ. Mình cũng chuẩn bị mâm cơm nhỏ để cúng giao thừa từ sớm, sau đó nhanh chóng hòa mình vào guồng quay bận rộn cùng quầy bar và bình shake. Mọi thứ khá lạ lẫm khi không có gia đình bên cạnh, nhưng đây sẽ là động lực để mình tự lập và trưởng thành hơn”, Quang Huy chia sẻ.
Tết đầu tiên làm dâu
Với Trần Hoa Phương (25 tuổi, sống tại quận Thanh Xuân, Hà Nội), Tết năm nay rất đặc biệt. Đây là năm đầu tiên cô gái trẻ đảm nhiệm vai trò người vợ và nàng dâu của gia đình. Dù vậy, Trần Phương không cảm thấy quá lo lắng bởi được bố mẹ 2 bên gia đình hỗ trợ rất nhiều.
Cô gái 25 tuổi chia sẻ, những ngày cận Tết, chưa cần hai vợ chồng phải làm gì, bố mẹ hai bên đã sắm sửa cho gia đình trẻ rất nhiều thứ, từ bánh chưng, giò chả cho đến từng nắm lá mùi già.
“Ngoài mua thêm cành đào, cây quất cho mái ấm riêng của hai đứa, chúng mình chỉ cần chia nhau dọn dẹp nhà cửa. Mình nhận phần việc nhiều hơn bởi chồng mình phải đi làm hết 28 Tết.
Cái Tết làm dâu đầu tiên của Trần Phương |
Nhìn chung, mọi công đoạn chuẩn bị Tết đều suôn sẻ. Trước khi lấy chồng, mình đã trải qua “lớp huấn luyện” của mẹ suốt nhiều năm nên gần như không có gì làm khó mình, trừ việc chặt gà. Tuy nhiên, chồng đã xung phong đảm nhận nhiệm vụ này”, Trần Phương nói.
Theo Trần Phương, khó khăn duy nhất cô gặp phải có lẽ là phải tự cân đối chi tiêu dịp Tết. Trước đây, Phương có thể thoải mái mua sắm bởi bố mẹ là “chủ chi”. Nhưng bây giờ, cô gái trẻ dành thời gian cân nhắc kỹ từng món đồ về cả chất lượng lẫn giá cả, thay vì mua theo sở thích cá nhân. Hơn nữa, ngoài chăm chút cho nhà mình, vợ chồng Phương còn chuẩn bị quà cho 2 bên nội ngoại và phong bao lì xì chúc Tết.
“Năm nay cũng sẽ là năm đầu tiên mình không dành toàn bộ kỳ nghỉ Tết với gia đình mình. Tuy nhiên, nhờ bố mẹ chồng tâm lý và hai bên gia đình ở cùng thành phố, vợ chồng mình có thể thu xếp để mùng 1 thăm nhà nội, mùng 2 thăm nhà ngoại”, Trần Phương chia sẻ.
Tết đầu tiên sau 2 năm xa xứ
Dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Thu Hương (23 tuổi, du học sinh Việt tại Bỉ) cũng giống như nhiều du học sinh khác chỉ có thể ngậm ngùi đón giao thừa cùng gia đình qua màn hình máy tính. Do đó, đây có thể được xem là cái Tết đặc biệt nhất của tôi trong suốt 23 năm qua.
Để tạo bất ngờ cho bố mẹ, Thu Hương quyết định bay về Việt Nam sớm hơn thông báo. Đúng như dự đoán, hai vị phụ huynh từ ngơ ngác chuyển sang mừng rỡ khi thấy con gái đứng trước nhà sau thời gian dài xa cách.
Những ngày cuối năm, Thu Hương cùng gia đình dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị thức ăn cho năm mới. Sau đó, cô gái trẻ vào bếp phụ giúp mẹ nấu những món ăn truyền thống mà Hương đã được “học online” từ mẹ khi đón Tết nơi xứ người.
Sau 2 năm không thể về quê ăn Tết, Thu Hương đã được trở về trong vòng tay ấm áp của gia đình |
“Thú thật, lượng công việc trước Tết vẫn luôn khiến mình choáng váng. Song, sau 2 năm xa xứ, mình cảm thấy trân trọng từng khoảnh khắc bên cạnh người thân hơn. Mọi vất vả dường như nhẹ nhàng hơn, nhường chỗ cho cảm giác ấm cúng, thân thương mà mình luôn nhung nhớ.
Những năm trước, tôi và một số du học sinh Việt Nam cùng gói bánh chưng, bánh tét để đỡ nhớ nhà. Dù vậy, mọi thứ vẫn khó có thể so sánh với việc được mẹ sai vặt trong bếp, phụ ba sắp xếp bàn ghế hay cùng các chị dạo phố sắm sửa.
Nỗi cô đơn đã được gác lại khi tôi được hòa mình vào không khí Tết tại quê hương. Dù chỉ về nhà 5 tuần, tôi vẫn kỳ vọng sẽ tạo được nhiều kỷ niệm đẹp bên gia đình, để bù lại cho 2 năm chỉ có thể gặp nhau online”, Thu Hương chia sẻ.