Tham gia giao thông - để không... phải cáu!
Kiên quyết xử lý tình trạng rào chắn gây ùn tắc giao thông Đảm bảo an toàn giao thông Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV Hơn 8.800 vi phạm trật tự đô thị, an toàn giao thông bị xử lý |
Muôn nỗi bực mình
Sáng hôm ấy, anh Thịnh đã đến văn phòng với gương mặt hằm hằm khó coi. Tất nhiên, vì anh là người đi muộn nhất phòng, quá giờ làm 15 phút nên anh bị phạt.
Trưa hôm ấy, mọi người xúm vào hỏi han. Anh Thịnh được thể "trút xả" nỗi niềm với giọng rất cám cảnh: "Bực không thể chịu được. Sáng nay mình đã cố đi sớm rồi nhưng trên cầu vẫn tắc cứng. Xe chậm chạp nhích từng tí một.
Đã vậy lại có một chiếc ô tô xi nhan phải rồi dừng lại giữa cầu Chương Dương. Còn mỗi một khe hẹp, mình và dòng người vội vã lách qua. Vội lắm nhưng mình thoáng nhìn vào trong xe thì thấy trời ơi, hoá ra một "trung niên phụ nữ" ngồi ghế lái đang ung dung dùng miệng cắn thật lực một quả xoài.
Chị ta ăn rất cẩn thận, đúng kiểu không bỏ phí đồ ăn. Mãi sau, dường như thấy hạt xoài đã không còn gì để gặm, chị ta mới điềm tĩnh hạ cửa kính, ung dung ném xuống sông. Sau đó, xe lại nhẹ nhàng lăn bánh, hoà vào dòng người vào phố.
Mỗi người hãy tuân thủ Quy tắc ứng xử nơi công cộng để việc tham gia giao thông được thoải mái, thuận tiện hơn (Ảnh minh họa) |
Thời gian chị ăn quả xoài cộng thêm vài chỗ ùn ứ nữa chính là khoảng thời gian mình bị muộn làm. Bị phạt vì lí do trời ơi ấy có phải là muốn phát cáu không"?
Mọi người phá ra cười. Những tình huống oái oăm, tréo ngoe như vậy không phải là hiếm gặp trong cuộc sống. Chị Nga cũng bức xúc góp một câu chuyện. Hôm đó, chị đã dừng sát lề đường trước đèn đỏ mà một cậu thanh niên đằng sau cứ bấm còi inh ỏi. Xe ở chiều đèn xanh đang ào đến rất đông, nhiều xe khách và xe bus to đi ầm ầm, lấn cả vào vạch trắng trước mặt chị Nga.
Thế mà, cậu thanh niên vẫn vừa bấm còi vừa gào lên: "Này chị trên kia, nhích lên tí cho người ta rẽ". "Nhích lên thì va đầu vào xe bus ngay, mình tất nhiên giả điếc, tảng lờ không để ý đến lời vừa vô lí vừa vô lễ của cậu ấy. Thế mà cậu ấy cứ liên tục húc vào đằng sau xe mình, rồ ga ầm ĩ, thái độ rất hung hăng. Mình vừa sợ vừa bực. Rất may lúc ấy đèn đã chuyển xanh, mình không thèm ngoái lại, phóng đi luôn. Thế mà về nhà vẫn bực, không ăn nổi cơm", chị Nga ấm ức kể.
Còn chị Mai Trang (Gia Lâm, Hà Nội) cũng góp thêm tình huống khó chịu mà mình gặp phải. Đang bầu những tháng cuối, chị đi xe máy rất chậm và cẩn thận thế mà vẫn bị một người đàn ông đi ô tô đâm vào khiến chị ngã xoài ra. Vừa đau vừa sợ, người lại nặng nhọc mãi mới nhấc người dậy được, chiếc xe máy vẫn đổ chỏng chơ.
Người đàn ông kia ra khỏi ô tô, ngó nghiêng xong trề môi: "Bầu à, đen thế. Trông thế kia chắc cũng bị nhẹ thôi nhưng anh đang vội, em cứ cầm ít tiền đi chiếu chụp đi nhé". Nói rồi, anh ta rút ví ra đưa chị Trang mấy tờ tiền. Chị Trang bực mình quát lên: "Anh đi đi, tôi không cần tiền". Người đàn ông kia cũng vội vàng lên xe bỏ đi. Mấy người xung quanh cứ đứng chặn xe anh ta lại, bảo phải đưa chị đi khám xem có làm sao không rồi mới được đi nhưng chị Trang chán nản lắc đầu để anh ta đi.
"Sau khi được mọi người dựng xe lên hộ cho, mình cố gắng đi về nhà. Hôm sau đi khám thì may không vấn đề gì, chỉ thâm tím, xước xát một vài chỗ. Sao lại có người trông rõ ràng sang trọng mà nhân cách kém như thế chứ", chị Trang bày tỏ nỗi cám cảnh với thái độ ứng xử của người đàn ông này.
Vì người khác và cũng vì chính mình
Mỗi ngày chúng ta đều phải di chuyển khá nhiều các chặng đường khác nhau. Kéo theo đó là rất nhiều vấn đề phải suy nghĩ, lo toan. Tham gia giao thông trên đường cũng là một áp lực với các yêu cầu như kịp thời gian, đúng quy định của pháp luật, an toàn... Có được tất cả những điều ấy thì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người.
"Luật giao thông đường bộ, các quy định, nghị định... thì chúng ta đều được phổ biến và nắm rõ rồi nhưng theo mình bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại điều 10 "Khi tham gia giao thông" là sự cụ thể hóa và cũng chính là cách khơi gợi nên ý thức của mỗi người. Những điều nên làm và không nên làm được viết tại đây bao gồm cả ý tứ, cả tính nhân văn và sự văn minh mà người Hà Nội hiện nay cần phải có. Từ hơn 6 năm nay mình thường xuyên đọc lại bộ quy tắc này và thấy rằng mỗi người nên lấy đây làm kim chỉ nam cho ý thức của mình", chị Phương Hà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.
Chị Hiền Anh (Hoàng Mai, Hà Nội) thì rất tâm đắc với hướng dẫn "Có thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện khi tham gia giao thông". Chị Hiền Anh chia sẻ: "Thái độ, hành vi ứng xử văn minh, thân thiện rất quan trọng. Nó quyết định đến sự an toàn, tâm trạng và sự thành công của mỗi chuyến đi, chặng di chuyển trên đường, dù là dài ngay ngắn, xa hay gần.
Rõ ràng, nếu đi cả chặng đường xa, đi từ đầu này sang đầu kia của thành phố mà gặp những người cũng như mình, vui vẻ, thân thiện thì sẽ hầu như không xảy ra va chạm, tâm trạng mình cũng rất vui vẻ, đi đến nơi, về đến chốn. Còn nếu ai cũng phóng nhanh vượt ẩu, ào ào bất chấp, chỉ muốn "đường là của mình", lấn lướt người khác thì tất nhiên nguy cơ va quệt, tai nạn xảy ra nhiều hơn. Điều đó cũng khiến mình dù có đi từ nhà ra chợ cũng thấy ức chế, khó chịu".
Do đó, sự tử tế, văn minh khi tham gia giao thông là vì người khác nhưng cũng chính là vì bản thân mình. Trong khi đó, nếu không may để xảy ra va quệt, tai nạn, thái độ ứng xử của hai bên và kể cả những người xung quanh cũng rất quan trọng.
"Nếu mình cố gân cổ lên, cãi cho bằng được, đổ lỗi cho người kia bằng được thì đôi khi câu chuyện trở nên căng thẳng. Theo mình, phải xem mức độ nghiêm trọng của sự việc đến đâu. Nếu chỉ là đổ xe, ảnh hưởng nhẹ đến phần mềm và thái độ bên kia cũng hòa nhã, biết lỗi thì nên xuề xòa bỏ qua cho xong. Còn nếu mức độ nghiêm trọng và thủ phạm gây tai nạn giao thông có ý định chạy trốn hoặc gây gổ thì chúng ta cần báo ngay cho cơ quan chức năng", anh Phạm Hải (Long Biên, Hà Nội) cho ý kiến.
"Sợ nhất là bản thân mình hoặc người gây ra tai nạn cho mình không nhận ra sai lầm, cố tình mắng át, đổ lỗi cho người kia. Nhiều người không giữ được bình tĩnh, chỉ va quệt nhẹ mà thành cà khịa, dẫn đến đánh nhau, vừa khiến cho chuyến đi trở nên dài hơn, phức tạp hơn mà còn ảnh hưởng đến những người xung quanh", chị Kiều Thu (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ quan điểm.
Nhiều người cũng cho rằng, thái độ của đám đông xung quanh cũng rất quan trọng khi xảy ra tai nạn giao thông. Lúc này, cần phải nắm rõ tình hình, đưa ra những lời khuyên can kịp thời cho đương sự, đừng "mang xăng đi chữa cháy, đổ thêm dầu vào lửa" dẫn đến tình hình phức tạp thêm.
Tất cả những điều ấy đều được ghi rõ ràng trong Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng, mong rằng mỗi người đều ghi nhớ và thực hiện để mỗi cung đường là một niềm vui.