Thanh Hóa: Quyết liệt triển khai cải cách hành chính công
Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 95%
Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Thanh Hoá, sự quan tâm đầu tư của các ngành, các địa phương, công tác cải cách hành chính (CCHC) những năm gần đây đã có bước chuyển biến tích cực, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).
Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tập trung thực hiện quyết liệt, triển khai đồng bộ cơ chế một cửa, một cửa liên thông từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn.
Thanh Hóa cũng tập trung triển khai theo nhiều cách làm sáng tạo nhằm loại bỏ những rào cản giữa công dân với chính quyền địa phương. Nổi bật như mô hình “hòm phiếu đánh giá sự hài lòng”; “hòm thư góp ý”; công khai xin lỗi khi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) chậm trễ... Sau những năm thực hiện mô hình “Hòm phiếu đánh giá sự hài lòng” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là 95%.
Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa đi vào hoạt động tại địa chỉ https://dichvucong.thanhhoa.gov.vn đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính mọi lúc, mọi nơi. Bên cạnh đó, việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn tiết kiệm thời gian, chi phí và công khai, minh bạch hoạt động giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều lĩnh vực khi triển khai theo hình thức trực tuyến đã có số lượng hồ sơ lớn như lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội; Cấp giấy phép xây dựng nhà ở; Chứng thực; Tài nguyên và môi trường; Cấp giấy khai sinh; Cấp giấy đăng ký kết hôn… Quá trình trả kết quả giải quyết hồ sơ cũng nhanh chóng, tạo thuận lợi cho người dân.
Chia sẻ về hiệu quả dịch vụ công trực tuyến được triển khai tại địa phương, chị Dương Thị Nga người dân tại phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn cho biết: “Tôi rất hài lòng với việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thủ tục đều có các hướng dẫn cụ thể, người dân chúng tôi chỉ cần ngồi nhà để thực hiện và đều được nhận kết quả gửi về tận nơi rất nhanh. So với trước đây thì đúng là có sự thay đổi rõ rệt”.
Theo thống kê của Cổng dịch vụ công tỉnh Thanh Hóa, trong tháng 9/2021, tổng hồ sơ: 91.836, hồ sơ đã xử lý: 72.012 đạt tỉ lệ 97.74% đúng hạn; tháng 10/2021 tổng hồ sơ 98.511, hồ sơ đã xử lý: 76.300, đạt tỉ lệ 97.16% đúng hạn; tháng 11/2021 (tính đến ngày 10/11): tổng hồ sơ 44.595, hồ sơ đã xử lý: 22.398; đạt tỉ lệ đúng hạn 95.64%.
Tăng cường cơ sở vật chất công nghệ thông tin
Tuy nhiên, công tác triển khai dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Thanh Hoá còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các huyện miền núi với phần đông dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Người dân gửi thư góp ý bày tỏ sự hài lòng về công tác cải cách hành chính và sử dụng dịch vụ hành chính công tại thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa |
Tại các khu vực này, người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với internet và thiếu kỹ năng thao tác trên các thiết bị hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính.
Do vậy, cùng với tuyên truyền hướng dẫn trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tuyên truyền lưu động, cấp phát tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các cán bộ tại các xã, huyện đã lựa chọn một số thủ tục dễ thực hiện, phát sinh nhiều hồ sơ để trực tiếp hướng dẫn người dân tạo tài khoản và đăng ký nộp hồ sơ qua hình thức trực tuyến.
Trong năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng tổ chức 5 hội nghị tập huấn nâng cao kỹ năng tiếp nhận, xử lý thủ tục hành chính trên hệ thống Cổng dịch vụ công trực tuyến, sử dụng chữ ký số, chứng thư số trên thiết bị di động (ký SIM), hệ thống quản lý văn bản và điều hành, dịch vụ công trực tuyến cho lãnh đạo, cán bộ cấp xã - lực lượng nòng cốt làm công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ sở.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua chủ yếu được đầu tư thông qua các chương trình Quốc gia, Đề án tin học hóa quản lý hành chính nhà nước giai đoạn 2002 - 2005 hoặc do các đơn vị chủ động mua sắm bổ sung, nâng cấp để đảm bảo duy trì hoạt động, phục vụ công tác chuyên môn.
Tuy nhiên, do nguồn kinh phí đầu tư hạn hẹp nên việc mua sắm, bổ sung trang thiết bị còn nhiều hạn chế. Đa phần các máy trạm tại các đơn vị có cấu hình thấp, hoạt động kém ổn định và chưa được cài đặt, thiết lập theo mô hình đảm bảo an toàn thông tin.
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa cũng tiếp tục đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; triển khai cấp bổ sung máy tính, trang thiết bị cần thiết phục vụ xây dựng chính quyền điện tử cho các huyện, xã trên địa bàn để đảm bảo vận hành, kết nối các phần mềm dùng chung của tỉnh.
Để đẩy nhanh quá trình đổi mới quy trình làm việc từ môi trường giấy sang môi trường điện tử, giai đoạn 2021 - 2023 dự kiến tỉnh Thanh Hóa sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ để mua sắm, nâng cấp hệ thống trang thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và xã.
Việc đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước từ huyện đến cơ sở; nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.
* Đây là bài viết tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021