Thanh niên lao động tiền trạm xây dựng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, Sông Bé- Bài 6: Món nợ dai dẳng…
![]() |
75 tuổi đời thì có tới 20 năm ông Giản kiên trì với hành trình kêu gọi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng như của Trung ương xem xét thực hiện quyền lợi chính đáng cho anh em thanh niên tiền trạm. Hành trình nhọc nhằn và nhiều khi là buồn phiền, thất vọng và chán nản ấy ông gọi là “món nợ dai dẳng”…
*Bài 5: Thương thay cũng một kiếp người
Dằng dặc tâm thư, dằng dặc nỗi niềm
Sau khi lớp thanh niên tiền trạm Hà Nội hoàn thành 3 năm lao động tại vùng kinh tế mới, hầu hết anh em trở về quê nhà. Người ra đi từ ruộng thì trở về với ruộng, người ra đi từ phố lại trở về với phố. Một số không nhiều, khoảng hơn 200 anh em ở lại gắn bó với quê hương mới, trong đó có ông Phan Hữu Giản, lúc đó là Bí thư Đoàn Thanh niên đầu tiên của Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng. Là một trong số ít cán bộ vào Lâm Đồng còn trẻ tuổi, ông Giản đã tình nguyện ở lại với mảnh đất còn nhiều gian khó này bởi ông thấy nơi đây còn ngổn ngang quá, đời sống của bà con Hà Nội mới di dân vào còn vô cùng gian nan vất vả. Ông thấy nơi này cần ông hơn. Vậy là đi được hơn 1 năm thì ông Giản đón vợ con cùng vào vùng kinh tế với mình.
![]() |
Cựu Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Thị Ngà trao tặng giải thưởng Cống hiến cho ông Phan Hữu Giản
Gắn bó với mảnh đất gian khó giữa cao nguyên, ông Giản trải qua nhiều cương vị quan trọng như: Phó trưởng Ban xây dựng vùng kinh tế mới (KTM) Hà Nội tại Lâm Đồng; Nguyên Bí thư Huyện ủy Lâm Hà đầu tiên (1987-1993). Vì thế, ông có sự gắn bó mật thiết nhất với các anh em thanh niên tiền trạm Hà Nội. Ngay cả khi lên Đà Lạt sống, đảm nhiệm cương vị mới trong Thành ủy Đà Lạt vào năm 1993, ông Giản vẫn luôn dõi theo đời sống, tâm tư, nguyện vọng của anh em đồng đội năm xưa. Ông luôn tâm niệm, với lớp thanh niên tiền trạm Hà Nội, ông là một người cán bộ nên phải có tinh thần trách nhiệm đối với quần chúng. Những người sống đã vất vả, thiệt thòi lắm rồi, lại còn một số trường hợp đã hi sinh, một số khác thì bị thương trong khi làm nhiệm vụ nhưng họ không được công nhận là thương binh hay liệt sĩ. Điều này là rất thiếu công bằng với họ. Nghĩ vậy nên nhiều năm nay, ông Giản cứ lặng lẽ hết lần này đến lần khác, năm này qua năm khác, hết tâm thư này đến tâm thư kia, gặp cán bộ này, lãnh đạo nọ để đề nghị giải quyết quyền lợi và danh dự cho anh em đồng đội.
75 tuổi đời thì có tới 20 năm ông Giản kiên trì với hành trình kêu gọi các cơ quan chức năng của TP Hà Nội cũng như của Trung ương xem xét thực hiện quyền lợi chính đáng cho anh em thanh niên tiền trạm. Hành trình nhọc nhằn và nhiều khi là buồn phiền, thất vọng và chán nản ấy ông gọi là “món nợ dai dẳng”. Ông thấy mình phải có trách nhiệm trả “món nợ”cho các đồng đội. “Đó là danh dự chung của cả một thế hệ, làm sao tôi có thể bỏ cuộc được. Chừng nào anh em còn chưa được đánh giá, ghi nhận xứng đáng cho những cống hiến của họ thì tôi còn tiếp tục hành trình của mình” – ông Giản tâm sự.
Vậy là bao bức tâm thư đã được ông Giản gửi tới cơ quan này, ban ngành kia, đã được đọc lên trong lễ kỉ niệm trọng đại này hay một cuộc gặp gỡ nọ. Ông chẳng nhớ nổi ông đã viết bao nhiêu bức tâm thư, gửi cho bao nhiêu người, trực tiếp gặp gỡ bao nhiêu cán bộ lãnh đạo nữa. Mỗi lần ra Hà Nội công tác hoặc có việc riêng, ông cũng tranh thủ tận dụng mọi cơ hội gặp gỡ, kêu cầu quyền lợi cho anh em. Năm tháng cứ chảy trôi, nước thời gian cứ gội bạc những mái đầu của lứa thanh niên tiền trạm Hà Nội nhưng ông Giản và đồng đội của mình vẫn chỉ nhận được một tiếng “chờ”.
Lễ kỉ niệm 40 năm thanh niên tiền trạm Hà Nội lại sắp tới gần, bao nhiêu hi vọng, thấp thỏm chờ trông lại rộn lên trong lòng những thanh niên tiền trạm còn đang sống với nỗi chờ đợi dai dẳng mấy chục năm trời. Hàng trăm đồng đội của họ đã phải “bỏ cuộc chơi” rồi và không biết tiếp theo sẽ còn những ai tiếp tục “đầu hàng” nỗi chờ đợi.
Họ đã không được gọi đúng tên
Theo ông Giản, nhiệm vụ cũng như hình thức tổ chức, quản lí các đội thanh niên tiền trạm Hà Nội những năm 1976-1979 hoàn toàn giống với nhiệm vụ cũng như cách thức tổ chức, quản lí của các đội thanh niên xung phong. Về tổ chức, họ cũng tập trung thành các tổng đội, có chế độ phụ cấp lương thực, sinh hoạt phí; Cũng quy định nếu hoàn thành 3 năm lao động tiền trạm thì cũng coi như đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự đối với đất nước giống như thanh niên xung phong. Về nhiệm vụ, họ cũng đảm đương nhiệm vụ khó khăn, vất vả phục vụ bảo vệ, dựng xây đất nước như nhiệm vụ của thanh niên xung phong. Gọi là thanh niên tiền trạm thì chữ “tiền trạm” chỉ là cái tên của công việc, của nhiệm vụ mà những thanh niên Hà Nội đảm nhiệm ở vùng kinh tế mới.
Ông Phan Hữu Giản (hàng đầu, thứ 7 từ trái sang) cùng đoàn công tác của Thành đoàn Hà Nội.
“Đúng ra thì họ chính là thanh niên xung phong. Vì thế, nguyện vọng muốn được công nhận là thanh niên xung phong của họ là hoàn toàn chính đáng chứ chẳng phải những thanh niên tiền trạm đòi vỗ ngực xưng tên hay đòi địa vị gì” – ông Giản phân tích. Theo ông Giản, phong trào thanh niên xung phong có từ thời kháng chiến chống Pháp tới kháng chiến chống Mỹ cho đến thế hệ thanh niên xung phong thứ 3 xây dựng đất nước sau giải phóng luôn là một bài ca đẹp. Từ năm 1976-1982, tất cả những phong trào thanh niên xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới ở một số địa bàn trọng yếu còn khó khăn của đất nước sau giải phóng lại được gọi bằng cái tên “thanh niên tiền trạm”. Ông Giản khẳng định, thực chất, bài ca đẹp về các thế hệ thanh niên xung phong của đất nước không hề bị đứt đoạn, những thanh niên tiền trạm chính là những lớp thanh niên xung phong đầu tiền của thế hệ thanh niên xung phong thứ ba của đất nước.
“Họ đã không được gọi đúng tên. Rất không công bằng cho những thanh niên tiền trạm nếu họ không được công nhận là thanh niên xung phong” – ông Giản lí giải.
Nỗi lòng gửi trao
Có thể thấy, lịch sử của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lịch sử về tinh thần xung phong của tuổi trẻ sôi nổi tràn đầy lí tưởng và nhiệt huyết cống hiến. Bất cứ thời điểm khó khăn hay gian nguy nào, khi Đảng, Nhà nước gọi là đoàn viên thanh niên luôn sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì. Những thanh niên Hà Nội đi tiền trạm năm xưa cũng vậy, họ nghe theo tiếng gọi sục sôi của đất nước, sẵn sàng đi đến nơi hiểm nguy gian khó nhất, chịu vất vả hi sinh, chỉ mong sao hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc tin tưởng giao phó, không một ai “tính đếm” gì với Đất nước. Quãng tuổi xuân phơi phới của họ hiến dâng cả cho Tổ quốc, trở thành một kỉ niệm đẹp với bất cứ một thanh niên tiền trạm nào. Kỉ niệm đó sẽ đẹp hơn trong hàng ngàn thanh niên tiền trạm nếu như Đảng, Nhà nước, lớp thế hệ cán bộ hôm nay rốt ráo hơn trong việc đánh giá, ghi nhận những cống hiến của họ một cách xứng đáng.
Nếu cứ tiếp tục kéo dài nỗi trăn trở, muộn phiền này của hàng ngàn thanh niên tiền trạm Hà Nội nói riêng và hàng vạn thanh niên tiền trạm cả nước nói chung… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tin của thế hệ trẻ hôm nay. Tinh thần cống hiến, lí tưởng sống cao đẹp, phụng sự Tổ quốc của giới trẻ hôm nay liệu còn có thể được bồi đắp vững bền nếu như họ nhìn vào nỗi muộn phiền dai dẳng ấy của cha anh mình.
(còn nữa)
Hoàng Hương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Làng chài miền Tây giữa đại ngàn Tây Nguyên

Bài 5: Điểm tựa tâm linh trên đảo tiền tiêu

Bài 4: Sức sống xanh giữa mặn mòi biển cả

Bài 3: “ Mắt biển ” không bao giờ tắt

Bài 2: Lớp học đặc biệt giữa trùng khơi sóng gió

Những “cột mốc sống” ở Trường Sa

Những người lính quân hàm xanh vững vàng nơi biên cương

Hương Tết "làng" chổi đót

Bài 4: Gửi niềm tin, yêu thương ở lại
