Thanh Oai xây dựng thành công nhiều mô hình chuyển đổi phù hợp với thế mạnh địa phương
Tập trung phát triển kinh tế trang trại
Những năm gần đây, phát huy thế mạnh của từng địa phương, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai đã xây dựng thành công nhiều mô hình chuyển đổi phù hợp. Huyện cũng đưa vào nuôi trồng những giống cây con giá trị kinh tế cao; Đồng thời định hướng cho bà con nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, mở rộng trang trại, sản xuất kinh doanh quy mô lớn cho giá trị kinh tế cao.
Hiện nay, huyện Thanh Oai đang triển khai mô hình chăn nuôi gà mía lai tại 3 xã. Đến nay mô hình chăn nuôi gà mía đã được các hộ chăn nuôi và chính quyền địa phương đánh giá cao về tốc độ sinh trưởng, phát triển và hiệu quả kinh tế.
Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện Thanh Oai tổ chức, gia đình ông Trần Văn Ngũ, thôn Lai Xá, xã Xuân Dương, huyện Thanh Oai đã áp dụng tốt quy trình chăn nuôi bảo đảm yêu cầu về tiêm phòng và chăn nuôi theo yêu cầu an toàn sinh học.
Gà mía vừa cho năng suất cao lại đem lại hiệu quả kinh tế |
Ông Ngũ cho hay: “Nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, gia đình tôi đã chuyển đổi sang nuôi gà mía, vừa cho năng suất, chất lượng cao lại đem lại hiệu quả kinh tế. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ chú trọng đến việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi".
Với hiệu quả kinh tế cao, hiện nay nhiều hộ nông dân trong xã Xuân Dương cũng đang triển khai chăn nuôi gà mía, từng bước nhân rộng ra toàn xã, tạo hướng phát triển chăn nuôi ổn định cho bà con nông dân. Mặt khác đây cũng là giống gà đang được thị trường Thủ đô ưa chuộng nên thông qua mô hình này gia đình ông Ngũ và các hộ chăn nuôi tại huyện Thanh Oai đã tìm ra được một giống gà mới chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao và an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh mô hình chăn nuôi gà mía, huyện Thanh Oai cũng đang đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản với việc triển khai mô hình nuôi trồng thủy sản nuôi ghép cá chép với cá Rô phi được triển khai tại xã Liên Châu, huyện Thanh Oai.
Anh Lê Văn Trẻo, thôn Châu Mai, xã Liên Châu, huyện Thanh Oai chia sẻ, với thế mạnh nuôi trồng thủy hải sản, kết hợp với chăn nuôi vịt phát triển mạnh, xã Liên Châu đang triển khai hơn 120 ha chăn nuôi cá vịt, hoặc cá vịt kết hợp trồng cây ăn quả.
Trang trại trồng hoa lan tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai |
Từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích, gia đình anh Lê Văn Trẻo đã mạnh dạn thuê đất của xã để đầu tư phát triển mô hình kinh tế trang trại, xây dựng mô hình chăn nuôi cá - vịt.
Trên diện tích 10ha, hiện nay, trang trại của gia đình anh đang chăn nuôi ổn định khoảng 17.000 con vịt đẻ trứng, một ngày cho khoảng 12.000 - 13.000 quả trứng và khoảng 100 tấn cá/năm. Chăn nuôi quy mô lớn, mỗi năm cũng cho gia đình anh thu nhập khoảng từ 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 7 lao động địa phương.
Đẩy mạnh sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ
Ông Bùi Văn Sáng, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết, sau khi được phê duyệt quy hoạch, các xã, thị trấn đã chuyển đổi được 1.457,82ha. Nhiều mô hình chuyển đổi cho giá trị thu nhập cao gấp hơn 5 lần so với cấy lúa truyền thống, như: Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp thủy cầm cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/ha/năm; Mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư mang lại 1 tỷ đồng/ha/năm...
Đặc biệt, huyện đã hình thành một số mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở Tam Hưng; Nuôi tôm càng xanh, cá chép theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi ếch theo công nghệ vi sinh ở Liên Châu…
“Thời gian tới, huyện tập trung duy trì các vùng nuôi trồng thủy sản, sản xuất rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi tập trung và phấn đấu mở rộng diện tích chuyển đổi thêm 95ha. Đồng thời tăng cường công tác xúc tiến thương mại để hỗ trợ các cơ sở, người sản xuất nắm bắt nhu cầu thị trường, ký kết được những hợp đồng liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản ổn định, góp phần nâng cao hơn nữa thu nhập cho nông dân", ông Bùi Văn Sáng thông tin thêm.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội |
Nói về tính hiệu quả của việc chuyển đổi mô hình kinh tế phù hợp với từng địa phương, ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi Cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Việc triển khai xây dựng các vùng chuyển đổi, đa dạng các mô hình kinh tế cho hiệu quả kinh tế cao đã giúp các hộ chăn nuôi ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập trên mỗi ha diện tích.
Ngoài ra, để tạo nguồn vốn vay ưu đãi cho nông dân, các hộ chăn nuôi, chủ trang trại cũng sẽ được tiếp cận với nguồn vốn quỹ khuyến nông để đầu tư mở rộng trang trại chăn nuôi. Cùng với đó là được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi để nâng cao hiệu quả, nâng cao giá trị kinh tế trên mỗi đơn vị diện tích.
Có thể thấy, các mô hình chuyển đổi được thực hiện trên địa bàn huyện Thanh Oai trong thời gian qua đã phát huy được lợi thế, điều kiện sản xuất đặc thù của mỗi vùng, đồng thời hướng dẫn cho người nông dân sản xuất gắn liền với thị trường tiêu thụ, góp phần quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nền nông nghiệp Thủ đô hiệu quả, an toàn, bền vững.