Thành phố đắt đỏ nhất thế giới năm 2021 “soán ngôi” Paris
Lần đầu tiên trong lịch sử của bảng xếp hạng, Tel Aviv trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới (Ảnh: AFP) |
Đây cũng là lần đầu tiên Tel Aviv trở thành nơi đắt đỏ nhất, soán ngôi Paris (Pháp) - năm nay đứng đồng hạng 2 với Singapore. Tiếp theo sau là Zurich (Thuỵ Sĩ) và Hong Kong (Trung Quốc) lần lượt ở vị trí thứ 4 và 5. New York (Mỹ), Geneva (Thuỵ Sĩ), Copenhagen (Đan Mạch), Los Angeles và Osaka (Nhật Bản) chiếm các vị trí còn lại trong top 10.
Ngoài 10 thành phố trên, các thứ hạng tiếp theo hầu hết thuộc về các quốc gia phát triển ở Châu Âu và Châu Á. Những thành phố xếp hạng thấp nhất chủ yếu nằm ở Trung Đông, Châu Phi và các nước đang phát triển ở Châu Á.
Chỉ số Chi phí Sinh hoạt toàn cầu năm 2021 theo dõi chi phí sinh hoạt tại 173 thành phố khắp thế giới, nhiều hơn 40 quốc gia so với năm ngoái và được so sánh giá của hơn 200 sản phẩm và dịch vụ hàng ngày (bao gồm: Thực phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình, giá thuê nhà, phương tiện đi lại và giải trí).
Paris (Pháp) năm nay xếp thứ hai trong bảng xếp hạng (Ảnh: Getty) |
Tiêu chuẩn đem ra để so sánh là mức chi phí tại New York (Mỹ). Do đó, những thành phố sử dụng tiền tệ đang có tỉ giá mạnh hơn đồng đô la Mỹ có thể đạt thứ hạng cao hơn trong bảng xếp hạng.
Năm nay, Tel Aviv là thành phố đắt đỏ nhất thế giới do chi phí thực phẩm và đi lại tăng cao và đồng shekel (Israel) mạnh hơn đồng USD. Khoảng một phần 10 hàng hóa tại Tel Aviv tăng giá.
Bên cạnh đó, đồng Shekel đã tăng vọt “so với đôla Mỹ do chính sách tiêm vắc-xin thành công của Israel”.
Israel là một trong những nước có chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 nhanh nhất thế giới. Theo thống kê, 62% dân số nước này đã được tiêm đầy đủ. Tính đến tháng 11, đồng Shekel của Israel tăng 4% so với USD. Tuy nhiên, đồng tiền này gần đây đã giảm giá.
Theo các chuyên gia, nhìn chung những vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu đã góp phần làm tăng giá cả trong khi đại dịch Covid-19 cũng như các hạn chế xã hội vẫn đang ảnh hưởng đến sản xuất và thương mại trên khắp thế giới. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron cũng gây ra nhiều lo ngại và các chuyên gia dự đoán những khó khăn trên có thể còn kéo dài.
Thành phố Osaka (Nhật Bản) xếp ở ở vị trí thứ 10 (Ảnh: Getty) |
Giá dầu tăng cao chỉ là một phần của vấn đề, vì nó kéo theo giá của chi phí vận tải và một loạt các mặt hàng khác. Chi phí vận tải có mức tăng giá lớn nhất, với giá xăng không chì tăng 21%. Trong khi đó, Hong Kong (Trung Quốc) vẫn là thành phố có giá xăng đắt nhất thế giới với một lít xăng không chì được bán với giá 2,50 USD.
Theo báo cáo của EIU, trung bình giá của sản phẩm và dịch vụ trên toàn thế giới đã tăng 3,5% so với mức 1,9% vào năm 2020.
Bà Upasana Dutt, nhà nghiên cứu kinh tế tại EIU, cho biết: “Mặc dù hầu hết các nền kinh tế trên thế giới hiện đang phục hồi khi vắc-xin ngừa Covid-19 được triển khai, nhiều thành phố lớn vẫn đang chứng kiến số ca mắc tăng đột biến, dẫn đến các hạn chế xã hội. Điều này đã làm gián đoạn nguồn cung cấp hàng hóa, dẫn đến tình trạng khan hiếm và giá cả cao hơn”.
Trong những năm sắp tới, chi phí sinh sống dự tính sẽ còn tăng cao hơn nữa tại nhiều thành phố, khi mức lương ở nhiều ngành đang gia tăng.
Báo cáo EIU dự báo, lạm phát giá tiêu dùng toàn cầu trung bình khoảng 4,3% vào năm 2022. Chi phí sinh hoạt ở hầu hết các nền kinh tế lớn sẽ ổn định nếu gián đoạn chuỗi cung ứng giảm xuống và tình trạng phong tỏa được nới lỏng.
Singapore, Hồng Kông, Paris cùng giữ vị trí thành phố đắt đỏ nhất thế giới TTTĐ – Đây là kết quả khảo sát Chi phí sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living Survey) do tổ chức nghiên cứu kinh ... |
Thượng Hải vượt Hồng Kông trở thành thành phố đắt đỏ nhất châu Á TTTĐ – Đây là kết quả trong Báo cáo tài sản châu Á do Tập đoàn Ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Julius Baer vừa ... |