Thanh thơi mua sắm thực phẩm trong những ngày Hà Nội giãn cách xã hội
Hàng hóa đầy ắp, giá cả ổn định
Ghi nhận ngày 28/7 cho thấy, hàng hóa tại các chợ và siêu thị phong phú, trong khi người mua thưa thớt. Đặc biệt, những nơi này đều rất chú trọng công tác phòng, chống dịch bệnh.
Tại chợ Kim Giang, quận Thanh Xuân (Hà Nội) sáng 28/7 rau, củ, quả vẫn đầy đủ. Khoảng 10h sáng, các sạp hàng vẫn còn đủ các chủng loại cho người tiêu dùng lựa chọn. Người mua khá thưa thớt.
Người dân trong chợ Kim Giang vẫn đủ mặt hàng cung cấp cho người dân |
Đáng lưu ý, giá cả các mặt hàng tại chợ vẫn không thay đổi so với trước giãn cách. Một chủ sạp hàng rau tại chợ Kim Giang cho hay: “Giờ đang giãn cách, ai cũng khó khăn, chúng tôi không tăng giá vì nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào, chưa có sự khan hiếm. Người dân cũng không còn tâm lý tích trữ như các lần dịch trước. Nhất là rau xanh, chúng tôi khuyến khích người dân không nên mua nhiều vì để lâu cũng hỏng. Mua cho 2-3 ngày ăn là được”.
Giá bí xanh tại các chợ hiện vẫn giữ mức 30.000 đồng/kg, khoai tây 20.000 đồng/kg. Giá các mặt hàng rau xanh không biến động: Rau mồng tơi có giá 8.000 đồng/mớ, cải canh 8.000 đồng/mớ, rau ngót 7.000-8.000 đồng/mớ.
Chợ Kim Giang sáng 28/7, hàng hóa vẫn dồi dào |
Giá các mặt hàng thủy, hải sản vẫn giữ ổn định: Cua đồng 180.000-200.000 đồng/kg, tôm 170.000-200.000 đồng/kg, ngao 20.000 đồng/kg, cá trắm trắng 65.000 đồng/kg…
Tuy nhiên, đáng chú ý, giá mặt hàng trứng gia cầm vẫn ở mức cao. Trứng gà ta 45.000-50.000 đồng/chục, trứng gà công nghiệp 33.000 đồng/chục, trứng vịt 45.000 đồng/chục, trong khi trứng cút có giá thấp 6.000-7.000 đồng/chục. Theo tiểu thương, sức cầu về trứng gia tăng do Rằm tháng Tám đang đến gần, được dùng để làm nhân bánh Trung thu. Những ngày qua, người dân đến chợ hỏi mua nhiều nhưng có thời điểm không có hàng để bán.
Tương tự, tại các siêu thị, mặt hàng trứng cũng khan hiếm. Tại siêu thị Vinmart Thăng Long sáng 28/7, chị Nông Thị Hương cho biết: “Nhà tôi đi siêu thị vài lần hôm nay mới mua được 1 khay trứng 10 quả duy nhất còn sót lại. Các mặt hàng rau củ quả vẫn nhiều, tôi thấy giá cả cũng không thay đổi”.
Các địa phương đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu
Cùng với các chợ truyền thống trên địa bàn TP, thì các siêu thị như: Lan Chi, Vinmart… cũng đã chủ động đảm bảo đầy đủ các mặt hàng phục vụ Nhân dân.
Siêu thị Vinmart Thăng Long sáng 28/7 khá vắng khách |
Theo đại diện huyện Phú Xuyên, hiện nay, lượng hàng hóa của các siêu thị đã được nhập về tăng gấp 2- 3 lần so với thời gian trước khi giãn cách xã hội. Các mặt hàng thực phẩm dồi dào, phong phú với giá cả ổn định đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân tại địa phương.
Phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên đã chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ở các cấp độ dịch bệnh Covid-19 để luôn đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân trong mọi tình huống khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn huyện; Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn người dân không cần thiết mua tích trữ lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm với số lượng lớn, chỉ nên mua với số lượng đủ dùng để đảm bảo sinh hoạt thiết yếu cho gia đình hàng ngày.
Đại diện siêu thị Lan Chi tại huyện Phú Xuyên cho biết, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, siêu thị đều nhập tất cả các mặt hàng về kho đầy đủ, đa dạng chủng loại. Các mặt hàng được nhập tăng từ 2-3 lần so với thời điểm trước. Vì vậy, hàng hóa trong siêu thị luôn đa dạng, phong phú, giá cả được niêm yết công khai, không tăng giá. Cùng với đó, siêu thị cũng thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho nhân viên trong suốt quá trình làm việc tại siêu thị và giao hàng.
Người dân đến mua hàng tại siêu thị đều thực hiện giãn cách đúng khoảng cách đảm bảo an toàn chống dịch |
Theo thông báo của Sở Công thương Hà Nội, trước diễn biến tình hình Covid-19 còn nhiều phức tạp, thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, các doanh nghiệp đã tăng cường dự trữ lượng hàng hóa thiết yếu tăng từ 30-50%, trong thời gian 3 tháng và tăng gấp 3 lần so với tháng bình thường với tổng giá trị hàng hóa khoảng 194.000 tỷ đồng (17 mặt hàng thiết yếu).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chuẩn bị dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng; Bố trí đầy đủ phương tiện, nguồn nhân lực, sẵn sàng vận chuyển đảm bảo đầy đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn.
Cũng theo chỉ đạo của các ngành chức năng, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết; Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp, TP Hà Nội cùng các cấp, ngành tại nhiều địa phương đang nỗ lực vừa phòng, chống dịch vừa bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ mọi nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân trong mọi tình huống.