Tháo gỡ khó khăn cho người lao động tại các doanh nghiệp vận tải xe buýt Hà Nội
6.500 lao động phải tạm dừng hợp đồng lao động
Mới đây, Tổng Giám đốc Transerco Nguyễn Thanh Nam đã có văn bản gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội các quận huyện trên địa bàn thành phố cho biết, thực hiện các biện pháp cấp bách theo chỉ đạo của UBND thành phố để phòng chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động của Tổng Cty, trong đó có vận hành xe buýt (chiếm hơn 80% thị phần vận chuyển vận tải công cộng trên địa bàn thành phố) phải dừng hoạt động.
Trong văn bản này cũng nêu rõ: "Xe buýt dừng hoạt động đồng nghĩa với việc đơn vị không có nguồn thu nên các đơn vị thành viên của Tổng Công ty Vận tải đã phải thực hiện ký tạm hoãn hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động có liên quan. Con số đến nay là 6.500 lao động”.
Để tạo điểu kiện cho người lao động được tiếp cận sớm nhất gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Tổng Công ty Vận tài Hà Nội đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội các quận huyện nơi các đơn vị thành viên trực thuộc Tổng Cty đóng trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện tiếp nhận hồ sơ, giải quyết chính sách hỗ trợ cho người lao động.
Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã có văn bản đề nghị tháo gỡ, hỗ trợ một phần khó khăn cho người lao động (Ảnh minh hoạ) |
Thành phố Hà Nội hiện có 118 tuyến buýt có trợ giá hoạt động; Mỗi tháng toàn mạng vận chuyển được khoảng 26 triệu lượt hành khách, trong số này Tổng Cty Vận tải Hà Nội chiếm 80% thị phần hoạt động.
Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 liên tục bùng phát, cắt giảm 50% công suất hoạt động, từ 24/7 đến nay, toàn bộ xe buýt Hà Nội trong đó có Tổng Công ty Vận tải phải dừng mọi hoạt động. Do không có nguồn thu khi xe buýt dừng hoạt động, đơn vị đã buộc phải ký tạm hoãn hợp đồng lao động đối với tất cả người lao động có liên quan đến hoạt động buýt.
Trong các đợt vận chuyển người đi cách ly hoặc hết cách ly về địa phương, vận tải khách nghỉ chạy nhưng thành phố Hà Nội đã huy động hàng trăm lượt xe buýt, đưa đón hơn 3.600 công dân di chuyển an toàn.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Văn phòng UBND thành phố Hà Nội vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh vận tải do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, UBND thành phố Hà Nội thống nhất chủ trương điều chỉnh chỉ tiêu sản lượng, doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, mô hình “Xe buýt siêu thị 0 đồng” chở nhu yếu phẩm thiết yếu đến các địa điểm cách ly, trực tiếp hỗ trợ đoàn viên, người lao động |
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan liên quan đề xuất Ngân hàng Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách lãi vay tại các tổ chức tín dụng; Phí bảo trì đường bộ; Thời hạn lắp đặt camera trên phương tiện vận tải hành khách công cộng để báo cáo thành phố trong tháng 8/2021.
Trước đó, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với loại hình xe buýt, Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố chấp thuận chủ trương cho phép điều chỉnh chỉ tiêu, sản lượng doanh thu vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2021 do nguyên nhân bất khả kháng; Cùng với đó, hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong năm 2021 đối với các dự án đầu tư, thay mới phương tiện là xe buýt để nâng cao chất lượng phục vụ.
Sở Giao thông Vận tải cũng kiến nghị thành phố đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải đã đầu tư phương tiện nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động; Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét miễn, giảm hoặc kéo giãn thời gian đóng phí bảo trì đường bộ đối với đơn vị kinh doanh vận tải trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đồng thời, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đề nghị thành phố chỉ đạo Cục Thuế thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan giảm thuế hoặc giãn thời gian đóng thuế cho các đơn vị kinh doanh vận tải; Có cơ chế hỗ trợ các khoản kinh phí phát sinh phục vụ phòng, chống dịch cho các đơn vị này…