Tháo gỡ “nút thắt” trong lĩnh vực đầu tư xây dựng
Quảng Ngãi đầu tư xây dựng dự án đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi Quảng Nam: Đầu tư xây dựng hạ tầng bãi tắm Hà My Các gói thầu phải chọn lựa được nhà đầu tư quốc tế có năng lực, kinh nghiệm |
Hội thảo với kỳ vọng mở ra nhiều nút thắt trong thi hành lĩnh vực đầu tư xây dựng từ Luật Đấu thầu 2023 |
Ngày 31/5, tại Đà Nẵng, báo Pháp luật Việt Nam, Tạp chí Pháp luật và Phát triển ; Cục Quản lý đấu thầu phối hợp tổ chức hội thảo “Luật Đấu thầu 2023 - Kỳ vọng và Thách thức đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng”.
Vẫn còn nhiều bất cập
Các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá, Luật Đấu thầu 2023 có rất nhiều điểm mới, cũng có thể có những “khúc cắt” mà chỉ có thể nhận ra từ hoạt động thi hành. Mặc dù mới có hiệu lực được hơn 3 tháng song do tính chất đặc biệt của nó, Luật Đấu thầu 2023 đã được áp dụng khá nhiều trong việc triển khai các dự án, đặc biệt là các công trình xây dựng.
TS Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam |
Phát biểu khai mạc, TS Trần Công Phàn - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho biết, đấu thầu là hoạt động lựa chọn nhà thầu để thực hiện hiệu quả các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp dự thầu về chất lượng, hiệu quả, tiến độ và nhiều tiêu chí khác. Đấu thầu là một định chế kinh tế - pháp lý phổ biến trên toàn thế giới.
Theo TS Trần Công Phàn, Luật Đấu thầu 2013 được ban hành để điều chỉnh hoạt động đấu thầu đáp ứng các đòi hỏi của phát triển kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế. Qua 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu 2013 đã bộc lộ khá nhiều bất cập so với sự phát triển của đất nước dẫn đến việc Quốc hội đã phải ban hành Luật Đấu thầu 2023, sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu 2013 và có hiệu lực ngày 1/1/2024.
Đồng thời, các điểm mới của Luật Đấu thầu 2023 liên quan đến nhiều khía cạnh khác nhau của hoạt động đấu thầu song nổi bật nhất, tập trung nhất là ngăn chặn khắc phục tiêu cực, tham nhũng, lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước dù thuộc bất cứ hình thức sở hữu nào.
TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam phát biểu đề dẫn hội thảo |
Phát biểu dẫn đề Hội thảo, TS Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ, Luật Đấu thầu 2023 thể hiện sự quan tâm không chỉ của các doanh nghiệp, người dân mà còn nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu. Tiêu đề hội thảo là kỳ vọng và thách thức, khi ban hành thì sự kỳ vọng được thể hiện rõ ràng, còn thách thức ở đây là gì.
“Năm vừa qua, nhiều vụ án lớn về mặt kinh tế tham nhũng liên quan đến đấu thầu, đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực đất đai. Mặc dù Luật Đấu thầu năm 2013 là cơ sở pháp lý khá vững chắc, tuy nhiên vẫn có sự sở hở trong nhiều khía cạnh.
Do đó Quốc hội ban hành Luật Đấu thầu năm 2023 có khắc phục được hết những tồn tại bất cập của luật trước hay không?”, TS Vũ Hoài Nam nhấn mạnh.
ThSVũ Quỳnh Lê Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Nhiều điểm mới, kỳ vọng gỡ được “nút thắt"
Theo ThS Vũ Quỳnh Lê Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật Đấu thầu (sửa đổi) là tiếp tục tạo dựng khu pháp luật đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng vốn Nhà nước; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật; khắc phục tình trạng đấu thầu hình thức, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động đấu thầu.
Bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua hoạt động đấu thầu, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách, tài sản Nhà nước; ngăn chặn, xử lý tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động đấu thầu, xây dựng cơ chế lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư phù hợp để thúc đẩy doanh nghiệp trong nước phát triển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội.
Trình bày tham luận tại hội thảo, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hoàng, Cục Quản lý Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các luồng nghiệp vụ mới trong quá trình lựa chọn nhà thầu qua mạng bao gồm: Tổ chuyên gia lập E-HSMQT, E-HSMST, E-HSMT trên hệ thống; phê duyệt hồ sơ, kết quả trên hệ thống; chào giá trực tuyến; bảo lãnh điện tử; mua sắm trực tuyến.
Riêng nghiệp vụ chào giá trực tuyến là hình thức mới, nhà thầu chào lặp lại nhiều lần mức giá, làm cơ sở để hệ thống tự động xếp hạng. Chào giá trực tuyến theo quy trình thông thường được áp dụng trong các trường hợp: Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản; hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng; tiêu chuẩn đánh giá quan trọng nhất là giá, không có hoặc ít có yếu tố tác động của chi phí vòng đời.
Nội dung cuối cùng được tham luận tại hội thảo là phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023. Tham luận này được Thạc sĩ Vũ Thị Hằng, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) trình bày.
Tham luận đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp trong hoạt động đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2023. Điều 91 và Điều 92 của Luật Đấu thầu 2023 quy định rằng nếu bên dự thầu có kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư và đã được người có thẩm quyền ra quyết định giải quyết kiến nghị nhưng không đồng ý với quyết định này thì “có quyền khởi kiện ra Tòa án”.
Bế mạc Hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh khẳng định “Ban tổ chức quyết tâm đóng góp để xây dựng hệ thống Luật đấu thầu một cách tốt nhất. Đấu thầu là hiện tượng kinh tế pháp lý, giúp phát triển thông qua tránh được những lãng phí, tiêu cực.
Chúng tôi cam kết những tham luận tại đây, những giá trị khoa học thu được sẽ được chuyển tới Chính phủ, Quốc hội để khẳng định hội thảo tổ chức vì giá trị của cuộc sống. Hội thảo hôm nay với 17 chuyên đề kỷ yếu, 15 tham luận cho thấy hội thảo được đánh giá là vô cùng có giá trị, với ý đó hội thảo chúng ta đã thành công và mang giá trị cho tương lai”.