Thầy giáo “hot boy” của Đại học Mở Hà Nội
Thầy giáo trẻ giúp trò nuôi dưỡng đam mê Tin học |
Thầy giáo trẻ dành trọn niềm đam mê và tâm huyết cho sự nghiệp trồng người |
Từng là "Thủ khoa kép"
Năm 2016, anh Trần Văn Thuật tốt nghiệp đại học, với tấm bằng loại xuất sắc, nằm trong top 100 thủ khoa xuất sắc của thành phố Hà Nội. Ngay sau khi tốt nghiệp, chàng trai trẻ trở thành cán bộ giảng dạy của trường Đại học Mở Hà Nội.
Anh chia sẻ, đó là niềm bất ngờ và vinh dự lớn, cũng là lý do khiến anh không bao giờ cho phép bản thân mình ngừng nỗ lực trong công việc cũng như cuộc sống.
Thầy giáo trẻ Trần Văn Thuật |
Ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh là niềm đam mê của anh. Bởi vậy, công tác tại khoa Tiếng Anh đã tạo cơ hội cho chàng giảng viên trẻ vừa phát huy sở trường, vừa thỏa mãn đam mê của mình. Vừa đi dạy, anh Thuật vừa học thạc sĩ tại trường. Kết quả của quá trình học tập, rèn luyện ở bậc cao học cũng không nằm ngoài dự đoán, anh vẫn giành vị trí số một cả khi thi đầu vào lẫn lúc xét tốt nghiệp.
Cùng với sự năng động, khả năng nói chuyện tự tin trước đám đông, hiện anh đang là một trong những thầy giáo trẻ đầy tiềm năng, vững chuyên môn, giỏi nghiệp vụ và được nhiều học viên, sinh viên trong và ngoài trường yêu quý.
Anh rạng rỡ trong ngày tốt nghiệp với tấm bằng thạc sĩ |
Nói về học trò cũ, nay là đồng nghiệp của mình, PGS.TS Hồ Ngọc Trung, Phó Trưởng khoa Tiếng Anh, trường Đại học Mở Hà Nội xúc động chia sẻ: “Lúc Thuật hoàn thành bậc học thạc sĩ, người làm thầy và giờ là đồng nghiệp như chúng tôi hạnh phúc lắm. Cậu ấy không chỉ coi trọng việc nâng cao năng lực cá nhân mà còn xốc vác, biết giúp đỡ đồng nghiệp, chúng tôi đã không chọn nhầm người”.
PGS.TS Hồ Ngọc Trung (ngoài cùng bên phải) dành nhiều lời khen ngợi cho cậu học trò, nay là đồng nghiệp (Ảnh tư liệu) |
Ngoài chuyên môn tốt, anh Thuật nổi tiếng là giảng viên có cách dạy cuốn hút, hài hước. Thay vì chỉ cho sinh viên học theo tài liệu, giáo trình, anh áp dụng linh hoạt cách thức tiếp cận bài giảng để sinh viên không cảm thấy nhàm chán: Xem video để học theo cách phát âm của người bản xứ; Cho sinh viên diễn hoạt cảnh bằng Tiếng Anh, chơi trò chơi tìm lỗi sai, nghe nhạc đoán lời bài hát... kích thích cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết trong cùng một tiết học.
Yêu học trò và yêu nghề...
Tận tụy trong từng bài giảng |
Say nghề, chàng giảng viên trẻ luôn sáng tạo để có bài giảng hấp dẫn, thu hút và giúp sinh viên đạt kết quả tốt trong học tập. Nguyễn Lê Việt Anh, sinh viên K27, khoa Tiếng Anh kể, trong tiết học của thầy giáo Thuật có một lần chơi trò chơi thua, bạn ấy phải hát một bài hát Tiếng Anh để chịu phạt. Do hát chưa hay nên nhất định Việt Anh không chịu hát. Các bạn càng cổ vũ, cậu càng thấy áp lực, thế là ôm mặt khóc.
Luôn lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng sinh viên (ảnh chụp tháng 10/2020) |
“Tự nhiên một giọng hát vang tới, ngẩng lên thì ôi chao là thầy, em quên cả khóc, các bạn cũng tập trung nghe thầy hát. Thầy nói rằng học Tiếng Anh cũng giống như vậy, nếu không thể vượt qua sự sỡ hãi của bản thân thì khó để học tốt. Có thể hiện tại em nói Tiếng Anh chưa hay nhưng vì sợ mà không nói nữa thì sẽ không thể phát triển được... Những lời của thầy là bài học em sẽ khắc ghi trọn đời”, Việt Anh nhớ lại.
Không chỉ giảng dạy ở khoa, thầy giáo trẻ Trần Văn Thuật còn thường xuyên giảng dạy tại các trung tâm Anh ngữ, mở lớp ôn thi chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEIC... Người học đến với người thầy tận tâm này cũng đa dạng lứa tuổi, từ học sinh, sinh viên cho đến những người đã đi làm.
Học trò nhí của thầy giáo trẻ (Ảnh tư liệu) |
Anh Thuật chia sẻ, từ hồi sinh viên, anh đã đi dạy cho các trung tâm Anh ngữ. Sau này lúc về trường dạy chính thức, việc nhiều nên anh cũng định thôi không đi dạy ở trung tâm nữa nhưng mang trong mình trọng trách của người giáo viên, thầy giáo trẻ không thể từ chối người học, đặc biệt là những người rất yêu mến và tin tưởng vào anh, nên lại tự động viên bản thân cố gắng.
Thầy giáo trẻ cùng các giảng viên, nay cũng là đồng nghiệp của anh (Ảnh tư liệu) |
Thầy giáo trẻ bày tỏ: “Các thầy, cô, đồng nghiệp ở khoa rất thương và ủng hộ mình nên lúc nào cũng căn dặn phải giữ gìn sức khỏe, có sức khỏe thì mới có tinh thần truyền tải bài học môt cách tốt nhất đến học viên, sinh viên. Sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ, hết lòng vì người học của các thầy, cô chính là nhân tố hàng đầu tiên khiến mình quyết định ở lại, gắn bó với trường, ngày càng yêu nghề mãnh liệt hơn và cảm thấy hạnh phúc khi trở thành một giảng viên như bây giờ”.